Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: 'Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT vì không còn cần thiết'

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: 'Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT vì không còn cần thiết'
5 giờ trướcBài gốc
Từ việc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 năm nay có tính phân loại cao, nhiều bạn đọc cho rằng phải chăng mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT đang tạo ra quá nhiều áp lực và đề nghị tách bạch rõ ràng giữa mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Giữ hay bỏ kỳ thi "2 trong 1'
Với cách học và để thi như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng năm tới học sinh sẽ vẫn sẽ đổ xô đi học thêm. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Theo tôi, học thêm là nhu cầu, dạy thêm cũng là nhu cầu. Không thể cấm được. Về vấn đề dạy thêm, quan điểm của tôi là chỉ cần cấm giáo viên biên chế, hợp đồng dài hạn đang dạy tại trường công dạy thêm dưới mọi hình thức là đủ.
Giáo viên được tuyển dụng ở hình thức này sẽ có lương ổn (thang bậc cao nhất trong hệ thống viên chức, công chức), bảo hiểm xã hội và các chế độ khác tương đối tốt.
Hơn nữa họ cần tập trung vào công việc để làm nhà giáo dục thay vì chỉ truyền đạt kiến thức thuần túy. Các giáo viên này thường cũng sẽ làm giáo viên chủ nhiệm và các công tác giáo dục khác trong trường bao gồm các vị trí lãnh đạo, tổ chức... nên việc tập trung vào chuyên môn, vào công việc ở trường là cần thiết. Các giáo viên tự do, giáo viên ngắn hạn, giáo viên trường tư có dạy thêm hay không phụ thuộc vào hợp đồng kí với nơi họ làm việc.
Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT đang tạo ra quá nhiều áp lực và đề nghị tách bạch rõ ràng giữa mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Đã nhiều lần nêu ý kiến, tôi đề xuất nên bỏ thi tốt nghiệp THPT vì không còn cần thiết. Kì thi đại học tách riêng do các trường tự chủ. Các trường có thể tuyển sinh thông qua nhiều hình thức khác nhau từ xét học bạ tới thi.
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang. Anh đã dịch và viết khoảng gần 100 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Từng theo học cao học tại Nhật Bản, từng là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện Nguyễn Quốc Vương lựa chọn viết sách, dịch sách và chú trọng vào hoạt động khuyến đọc.
Về chuyện đề khó, dễ ở kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thì do nó vừa phải là đề thi tốt nghiệp, vừa là đề thi đại học nên khó là đương nhiên. Khi bị xung đột về tiêu chuẩn như vậy nó sẽ làm khổ tất cả từ người ra đề, chấm thi, tới giáo viên, học sinh, các trường đại học. Nếu ra dễ điểm chuẩn lên cao khó lựa chọn. Nếu ra khó thì ảnh hưởng tới học sinh thi tốt nghiệp ở diện rộng. Việc xác định "đối tượng giả định" để ra đề vì thế rất khó do ở nước ta có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và đồng bằng.
Để giải quyết một lần triệt để thì chỉ có cách bỏ thi tốt nghiệp, chuyển quyền xét tốt nghiệp cho hiệu trưởng các trường THPT dựa trên việc học ở THPT và việc rèn luyện của học sinh. Ai học hết 12 năm đều tốt nghiệp. Chuyện đó là bình thường, chẳng có gì ghê gớm.
Cần tường minh hóa triết lý giáo dục phù hợp với các giá trị phổ quát của thế giới
Ông nhìn nhận thế nào về hệ lụy khi học sinh phải học thêm rất nhiều chỉ để thi?
Theo tôi, khi bỏ thi tốt nghiệp đi và xét tốt nghiệp thì sẽ chỉ còn học sinh thi đại học học thêm theo nhu cầu của gia đình và cá nhân học sinh thôi. Ở trường sẽ dạy theo nhu cầu và năng lực của học sinh tức là dạy theo hướng "cá biệt hóa" thay vì đặt ra một chỉ tiêu trước (bao nhiêu % giỏi, bao nhiêu % trung bình, bao nhiêu % tốt nghiệp) cho các trường và giáo viên để rồi khiến họ phải cố gắng mọi cách để có con số đó, tức là tạo ra chủ nghĩa thành tích và con số ảo.
Học chỉ để thi dẫn đến rút gọn tối giản nội dung giáo dục ở cả giáo viên và học sinh (cái gì thi thì học, cái gì không thi không học)
Nguy hiểm hơn là khi dạy học để thi người ta sẽ tập trung vào các kiến thức, vấn đề sẽ thi cùng các kĩ thuật làm bài thi thay vì huấn luyện tư duy và khả năng phát hiện vấn đề, đặt ra vấn đề và suy ngẫm về vấn đề của học sinh.
Về lâu dài lối học để thi dẫn tới làm cho cá nhân tuy thông minh nhưng không thể sáng tạo, phát minh và có thái độ công dân kém vì thờ ơ với các vấn đề thuộc về xã hội.
Quan điểm cho rằng Việt Nam không có triết lý giáo dục là một nhận định gây tranh cãi. Ông nghĩ sao về điều này?
Triết lý giáo dục sẽ là câu chuyện trở đi trở lại vì mục tiêu triết lý giáo dục sẽ quyết định phương thức thi cử. Nó định hướng việc học, việc thi thậm chí là thái độ của phụ huynh, giáo viên, học sinh với việc học. Cần tường minh hóa triết lý giáo dục phù hợp với các giá trị phổ quát của thế giới và thống nhất để ai cũng có thể hiểu và hướng tới. Từng trường, dựa trên triết lý chung đó có thể xây dựng triết lý riêng của mình phù hợp với điều kiện riêng.
Cảm ơn ông!
Đỗ Hợp
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nha-nghien-cuu-nguyen-quoc-vuong-nen-bo-thi-tot-nghiep-thpt-vi-khong-con-can-thiet-post1758510.tpo