Nhận diện các động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp

Nhận diện các động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp
10 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp tại diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tăng 8% và vượt mốc hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Cùng với nỗ lực chung của nền kinh tế, ngành nông nghiệp cũng đang phấn đấu, hướng tới những mục tiêu đã đề ra.
Chia sẻ tại phiên thảo luận của Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 chiều ngày 8/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam với mức 8% và hai con số trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và môi trường phải tăng trưởng 4% trở lên.
Năm 2024, ngành nông nghiệp kết thúc với nhiều kết quả tích cực, bất chấp những khó khăn, đặc biệt khi cơn bão Yagi (cơn bão số 3) tác động đến nền sản xuất nông nghiệp với tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm trước.
Khi nền kinh tế còn nhiều biến động, để đạt được những mục tiêu đã đề ra cho năm 2025 và giai đoạn sau, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh việc “phải tìm cơ hội trong thách thức”. Trong đó, ông cho rằng, ngành phải chuyển đổi phát triển từ sản lượng sang giá trị, đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp để tăng giá trị, đặc biệt về đầu tư giống. Bên cạnh đó, ngành cũng cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc, để tăng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường.
Ông Hiệp cũng nêu tầm quan trọng của nền kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, trong đó thị trường tín chỉ carbon với doanh thu lớn sẽ là yếu tố tiềm năng đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành.
Tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 29) diễn ra vào tháng 11/2024, Hiệp hội Giao dịch phát thải quốc tế (IETA) cho rằng, thị trường giao dịch tín chỉ carbon trên toàn cầu có thể đạt 250 tỷ USD/năm vào năm 2030. Tại Việt Nam, năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn Co2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng giá trị hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).
Thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 thị trường, đứng thứ ba thế giới về nguồn cung, do đó, công tác xúc tiến thị trường đóng vai trò rất quan trọng để tạo dư địa phát triển cho ngành. Ảnh: Mekong ASEAN
Cùng với bức tranh tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và môi trường, tại diễn đàn, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra các đề xuất để phát triển lĩnh vực thủy sản - một trong những vực quan trọng của ngành.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký VASEP cho rằng, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 thị trường, đứng thứ ba thế giới về nguồn cung. Do đó, hiện nay công tác xúc tiến thị trường đóng vai trò rất quan trọng để tạo dư địa phát triển cho ngành. Ngành thủy sản kỳ vọng sẽ được hỗ trợ mở rộng xúc tiến thương mại sang các thị trường lớn tại Trung Đông, ASEAN và Nam Mỹ.
Thứ hai, ngành sẽ cần chú trọng nhiều hơn trong việc phát triển công nghệ cao để tạo thêm doanh thu và lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử, đối với ngành tôm, nếu nuôi tôm công nghệ cao, doanh thu một ha nuôi trên mặt đất có thể đạt khoảng 2 tỷ đồng.
“Nếu chúng ta đầu tư đến ngưỡng 100 ha thì doanh thu sẽ là một con số ấn tượng. Do đó, tôi đề xuất trong lĩnh vực công nghệ cao, lãi suất áp dụng cho ngành tôm là 2% cho ba năm đầu và 5% cho đến suốt dòng đời. Ở nhiều nước, theo chúng tôi tham khảo, họ áp dụng lãi suất tiệm cận 0% cho ngành tôm,” ông Nam cho biết.
Tổng thư ký VASEP cũng cho rằng, trong 5 năm trở lại đây, ngành thủy sản đã đứng Top 8 nhóm hàng tạo kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam, tuy nhiên con số kim ngạch đang vẫn chỉ loanh quanh 9 - 11 tỷ USD. Do đó, ngành sẽ cần có động lực khác để thúc đẩy phát triển.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,5 - 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu năm 2025 sẽ là năm tăng tốc và bứt phá của ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, ngành sẽ phải tập trung chỉ đạo và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch xây dựng chiến lược, thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ những nút thắt đang tồn tại. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phục vụ phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo...
Đặc biệt, ngành sẽ phải góp phần trong việc thực hiện hiệu quả chống biến đổi khí hậu tại các địa bàn trọng điểm như ĐBSCL, Tây Nguyên, miền Trung.... Năm 2025, nông thôn sẽ phải hiện đại hơn, nông nghiệp tiên tiến hơn và người dân ấm no hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Lê Hồng Nhung
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/nhan-dien-cac-dong-luc-thuc-day-tang-truong-nganh-nong-nghiep-43535.html