Một tàu chở LNG tại kho cảng LNG Negishi, tại Yokohama, Nhật Bản. Ảnh Reuters
Những nhà nhập khẩu này lo ngại bất kể kết quả thế nào, Úc - nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lâu năm của họ - có thể trở nên kém tin cậy hơn, và rất có thể họ sẽ phải trả với giá cao hơn để mua LNG của nước này.
Do phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt ở thị trường bờ biển phía đông, và đang vật lộn với giá điện tăng cao, nên năng lượng đã trở thành vấn đề vận động chính ở Úc - quốc gia xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới và là nhà cung cấp hàng đầu của Nhật Bản.
Một cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng Đảng Lao động cầm quyền chỉ có thể duy trì quyền lực với rất ít số phiếu. Cuộc bầu cử này cũng có thể dẫn đến một Quốc hội “treo”, với khả năng Đảng Lao động sẽ thành lập Chính phủ thiểu số.
Một liên minh với Đảng Xanh và các ứng cử viên độc lập coi trọng các vấn đề về môi trường, có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn năng lượng tái tạo, và đề xuất các chính sách kém thuận lợi hơn đối với ngành khí đốt.
Các công ty Nhật Bản không chỉ là người mua chính LNG của Úc mà còn sở hữu cổ phần trong các dự án LNG, với khoản đầu tư lớn nhất của Inpex, điều hành Ichthys LNG tại Darwin. Năm ngoái, JERA đã mua 15% cổ phần trong dự án Scarborough LNG do Woodside Energy điều hành ngoài khơi Tây Úc.
Các công ty này đã lo ngại về những chính sách do Chính phủ Đảng Lao động thực hiện, bao gồm việc gia hạn kiểm soát xuất khẩu khí đốt sau khi giá năng lượng tăng vọt sau xung đột Ukraine, và các quy định yêu cầu những đơn vị gây ô nhiễm lớn phải cắt giảm mạnh lượng khí thải.
Các công ty Nhật Bản cho biết những chính sách đó đã làm gia tăng sự bất ổn về nguồn cung và làm tăng chi phí tại các cơ sở LNG.
"Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc ban hành chiến lược khí đốt mới. Nhưng đồng thời... họ lại không có hành động nào để giảm bớt những lo ngại chính đáng của các nhà nhập khẩu Nhật Bản, điều này không có lợi về sau khi chúng tôi sẽ quyết định mua LNG từ đâu", Tatsuya Terazawa, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ), một tổ chức nghiên cứu chính sách năng lượng có ảnh hưởng, cho biết.
Người phát ngôn của Chính phủ cho biết chính phủ Lao động đã hành động để đảm bảo khí đốt cho người dùng trong nước, đồng thời vẫn là nước xuất khẩu năng lượng đáng tin cậy.
Thêm vào mối lo ngại của người mua LNG, liên minh đối lập Tự do-Quốc gia của Úc đã cam kết sẽ buộc các nhà xuất khẩu bờ biển phía đông, phải chuyển một số lô khí đốt chưa ký hợp đồng sang thị trường nội địa.
Hai thương nhân từ các nhà nhập khẩu Nhật Bản cho biết điều này có nghĩa là Úc sẽ có ít LNG hơn để xuất khẩu, có thể đẩy giá lên cao đối với các hợp đồng kỳ hạn mới.
Những thương nhân này cho biết điều đó cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người mua và người bán, nếu nhà sản xuất không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng do thiếu hụt nguồn cung trong nước. Liên minh bảo thủ Tự do-Quốc gia cho biết chính sách khí đốt của họ sẽ không ảnh hưởng đến khối lượng hợp đồng hiện có.
Nước này cho rằng việc dự trữ khí đốt ở bờ biển phía đông là cần thiết, bởi mặc dù Úc xuất khẩu nhiều khí đốt hơn mức tiêu thụ nhưng phần lớn sản lượng lại nằm ở phía tây bắc, chứ không phải phía đông nam - nơi có nhu cầu cao nhất.
Vai trò nguồn cung LNG của Úc tại thị trường châu Á
Úc đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp LNG cho thị trường châu Á, đặc biệt là các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Năm 2023, Úc xuất khẩu 81 triệu tấn LNG, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Hơn 85% lượng LNG này được xuất khẩu sang châu Á, với các thị trường chính bao gồm: Nhật Bản: 36% (29,0 triệu tấn), Trung Quốc: 28% (22,5 triệu tấn), Hàn Quốc: 14% (11,6 triệu tấn), Đài Loan: 10% (8,5 triệu tấn). Tổng cộng, bốn thị trường này chiếm hơn 88% tổng lượng LNG xuất khẩu của Úc trong năm 2022–2023.
Úc là một trong ba nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, cùng với Hoa Kỳ và Qatar, chiếm 60% tổng lượng xuất khẩu LNG toàn cầu vào năm 2023. Gần đây, Chính phủ Úc đã công bố Chiến lược Khí đốt Tương lai nhằm duy trì vai trò của khí đốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các đối tác thương mại châu Á.
Yến Anh
Reuters