Nhiệt độ giảm sâu, nhiều ca viêm phế quản biến chứng nặng

Nhiệt độ giảm sâu, nhiều ca viêm phế quản biến chứng nặng
9 giờ trướcBài gốc
Tại miền Bắc tiếp tục xuất hiện rét đậm, rét hại, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới sức khỏe khiến nhiều người dân phải nhập viện. Theo ghi nhận của PLO, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tại khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) là người mắc bệnh viêm phế quản cấp tính.
Loay hoay tự điều trị tại nhà
Bệnh nhân Nguyễn Thị Vân Nam (50 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng ho nhiều đờm, sốt cao hơn 39 độ C, tức ngực.
Sau thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ kết luận bà Nam bị viêm xoang, viêm phế quản đã tiến triển thành viêm phổi, phải điều trị nội trú.
Khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân không có bệnh lý nền mãn tính về đường hô hấp. Trước đó, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, hơi sốt, mệt mỏi, do chủ quan là bệnh vặt nên đã tự điều trị tại nhà suốt 10 ngày.
“Tôi buôn bán ngoài mặt đường lớn nên cơ thể thường xuyên không được giữ ấm. Khi có các triệu chứng ban đầu, tôi chủ quan không nghĩ sẽ tiến triển nặng nên chỉ điều trị qua loa và vẫn tiếp tục bán hàng dưới trời lạnh”, bà Nam nói.
Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, tình trạng bệnh nhân ổn định, cắt sốt, còn ho nhẹ.
Bác sĩ thăm khám, kiểm tra tình trạng bệnh cho bà Nguyễn Thị Vân Nam. Ảnh: TT
Một bệnh nhân khác cũng đang điều trị nội trú tại khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Thanh Nhàn là bà Nguyễn Minh Hải (61 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Bà Hải nhập viện sau 4 ngày ho không dứt, có đờm, sốt cao, nặng ngực. Tại bệnh viện, bà Hải được chẩn đoán viêm phế quản cấp trên nền bệnh ung thư vòm họng.
Hiện khả năng trò chuyện của bà Hải vẫn gặp nhiều khó khăn, nói không thành tiếng, thở khò khè.
“Đây là trường hợp mắc viêm phế quản trên nền bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch. Trước đó, bệnh nhân đã điều trị ung thư vòm họng ổn định. Tuy nhiên, chính những tổn thương ở vòm họng sau xạ trị đã khiến bệnh nhân dễ mắc viêm phế quản hơn”, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, cho biết.
Còn tại khoa Nhi - Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), thời gian gần đây cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi nhập viện do viêm phế quản.
Bệnh nhi NMH, dưới 1 tháng tuổi (ngụ TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), nhập viện trong tình trạng ho đờm, ho khè tăng dần. Kết quả chụp X-quang thấy có tình trạng mờ không đồng nhất thùy trên phổi phải. Trẻ được chẩn đoán viêm phế quản, chỉ định điều trị theo phác đồ.
Sau 2 ngày theo dõi, trẻ xuất hiện ho nhiều, thở nhanh, tăng tiết đờm, ho kéo cơ hô hấp. Kết quả xét nghiệm virus hợp bào hô hấp RSV dương tính.
Các bác sĩ kết luận trẻ bị suy hô hấp, viêm phế quản do nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV. Trẻ được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, bù dịch, sử dụng kháng sinh.
Sau 48 giờ điều trị, tình trạng của trẻ tiến triển tốt, được cai thở máy.
Nhập viện khi bệnh đã nặng
Bác sĩ Trần Văn San, Phó trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết thời điểm giao mùa đông - xuân hiện tại là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn dễ dàng phát triển, xâm nhập và gây bệnh ở những người có sức đề kháng yếu.
Đặc biệt, những triệu chứng về bệnh đường hô hấp dễ gây nhầm lẫn với các bệnh cảm lạnh thông thường, khiến người dân chủ quan, khó phân biệt.
Theo bác sĩ Đào, viêm phế quản là bệnh lý phổ biến, thường gặp khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu, chênh lệch giữa ngày và đêm lớn. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng phổi, sốc nhiễm khuẩn.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 12 đến 16-2, không khí lạnh có khả năng tăng cường khiến miền Bắc tiếp tục mưa rét trong khi rãnh áp thấp ở phía Nam hoạt động mạnh dần từ ngày 10 đến 14-2 gây mưa.
Viêm phế quản là tình trạng viêm ở niêm mạc phế quản, khác với viêm phổi (tổn thương ở các phế nang và mô kẽ). Bệnh viêm phế quản được chia thành 2 thể là cấp tính và mãn tính.
Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm nhiễm chỉ xảy ra ở niêm mạc phế quản. Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus, một số trường hợp do vi khuẩn.
Viêm phế quản mãn tính là giai đoạn phát triển xấu đi của viêm phế quản cấp tính. Lúc này, ống phế quản liên tục bị kích thích, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, nhất là phổi tắc nghẽn mãn tính. Viêm phế quản mãn tính thường xuất hiện trong thời gian dài (từ vài tháng đến vài năm).
“Viêm phế quản là bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các tổn thương viêm phổi, từ đó dẫn đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và các viêm xung quanh như viêm màng phổi, viêm màng ngoài tim”, bác sĩ Đào nhấn mạnh.
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: TT
Cũng theo bác sĩ Đào, bệnh nhân mắc viêm phế quản thường là trẻ nhỏ, có sức đề kháng yếu, người trung niên có bệnh nền, bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, viêm phổi kẽ, đái tháo đường, bệnh nhân đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch…
“Trước khi vào viện, hầu hết các bệnh nhân đều đã loay hoay tự giải quyết bệnh tại nhà. Nhiều người đã tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc tây hoặc đã điều trị tại các phòng khám nhỏ”, bác sĩ Đào cho hay.
Sau đó, khi tình trạng bệnh không cải thiện, nặng hơn, ho rất nhiều, ho có đờm vàng đờm xanh, khó thở, mệt nhiều, đau tức ngực… thì người bệnh mới nhập viện. Lúc này, hầu hết các bệnh nhân đều cần điều trị nội trú.
Phần lớn các trường hợp mắc viêm phế quản cấp tính có thể cải thiện sau vài ngày đến một tuần điều trị đúng phác đồ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị ổn định và không đảm bảo các vấn đề về phòng bệnh thì sẽ có nhiều đợt tái đi tái lại, từ đó gây viêm phế quản mãn tính, là tiền đề dẫn đến các bệnh mãn tính về đường hô hấp.
Để phòng bệnh viêm phế quản, bác sĩ Đào khuyến cáo người dân cần tránh các yếu tố kích thích như khói thuốc lá, khói bụi; hạn chế tập trung đông người trong phòng kín, không khí không được lưu thông; môi trường sống và làm việc cần trong sạch.
Cùng với đó, người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, vệ sinh mũi họng sạch sẽ, đặc biệt trong những ngày giá rét, độ ẩm thấp, thời tiết hanh khô.
Người dân cần duy trì chế độ tập luyện và dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình; đi khám và điều trị đầy đủ các bệnh lý mãn tính đang có và tiêm phòng vaccine để phòng chống virus gây các bệnh lý đường hô hấp như virus hợp bào hô hấp, phế cầu, cúm, COVID-19, ho gà…
“Ngay khi có các dấu hiệu và triệu chứng như ho, có đờm, khó thở, nặng ngực… người bệnh cần đi khám sớm, không nên loay hoay tự điều trị tại nhà và dùng thuốc không có chỉ định có bác sĩ khiến bệnh trở nặng, quá trình điều trị khó khăn”, bác sĩ Đào nói.
Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại có khả năng còn kéo dài, Bộ Y tế lưu ý những người làm việc ngoài trời cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm, trang bị và sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động.
Người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.
Đối với người bị bệnh tim, huyết áp, phổi... nên khám và điều trị theo lời khuyên của bác sĩ, đồng thời kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên.
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/nhiet-do-giam-sau-nhieu-ca-viem-phe-quan-bien-chung-nang-post833390.html