Nhiều quy định 'mở', đột phá tại dự thảo Luật sửa 7 luật và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Nhiều quy định 'mở', đột phá tại dự thảo Luật sửa 7 luật và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)
4 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ tại phiên họp.
Sửa đổi, bổ sung những vấn đề "nhức nhối", khẩn cấp
Trao đổi tại phiên thảo luận Tổ 8 của Quốc hội chiều ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án Luật sửa 7 luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và các kết luận của Trung ương.
Trong quá trình rà soát, Chính phủ nhận thấy có nhiều nội dung của 7 luật này thực tiễn triển khai còn vướng mắc, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Do đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ không chỉ điều chỉnh, bổ sung những vấn đề liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà sửa đổi cả những vấn đề thực tiễn triển khai có vướng mắc. "Đây là những vấn đề "nhức nhối", khẩn cấp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, trong dự án Luật này, Chính phủ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp, phân quyền, hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị về vấn đề này. Từ đó, tạo sự thông thoáng, theo đúng mục tiêu "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm".
Bên cạnh đó, dự thảo cũng tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cho rằng vấn đề này được Thủ tướng Chính phỉ chỉ đạo quyết liệt, Bộ trưởng cho biết, khi đề xuất sửa đổi luật, trong đánh giá tác động phải có đánh giá rút gọn được bao nhiêu thủ tục hành chính. "Đây là yêu cầu bắt buộc của của Chính phủ", Bộ trưởng cho hay.
Đi vào nội dung cụ thể, đối với sửa đổi Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu tại Tổ bày tỏ quan tâm tới quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước được tự quyết định hoạt động mua sắm, đầu tư. Chia sẻ về nội dung này, Bộ trưởng khắng định, quy định tại dự thảo Luật rất "mở" và "đột phá". Theo đó, các gói thầu không dùng vốn ngân sách thì doanh nghiệp được quyết định chỉ định thầu hoặc đấu thầu rộng rãi.
Trước đề xuất của đại biểu về cơ chế kiểm tra, giám sát khi có nhiều quy định tạo sự linh hoạt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền sẽ đi đôi với kiểm tra, giám sát. Sau khi Luật được ban hành, trách nhiệm của các bộ, ngành là kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước "chấm dứt việc không quản được thì cấm".
Các quy định tại dự thảo Luật nhằm đảm bảo tạo hành lang thông thoáng theo đúng thông lệ, tạo thuận lợi khi triển khai. Trong quá trình triển khai thực hiện, tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Đề cập đến vấn đề chào hàng cạnh tranh, Bộ trưởng làm rõ, quy định này trong dự thảo luật tập trung đối với những gói thầu đơn giản, quy mô nhỏ với hàng hóa thông dụng sẵn có. Quy định này nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn hiện nay. Sau khi Luật ban hành, trong Nghị định hướng dẫn sẽ có những quy định cụ thể như: yêu cầu các nhà thầu cam kết đáp ứng đầy đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định; trường hợp không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử lý vi phạm...
Tại phiên thảo luận, đại biểu cũng quan tâm tới quy định trao quyền tự chủ cho chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Theo Bộ trưởng, trường hợp địa phương thấy đấu thầu tốt hơn thì vẫn triển khai đấu thầu bình thường; còn dự thảo Luật bổ sung thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu để khâu triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Chia sẻ thực tiễn vướng mắc tại nhiều dự án khi triển khai đấu thầu hiện nay gây khéo dài, tốn nhiều thời gian, Bộ trưởng cho rằng, có những dự án phải thực hiện "động tác thừa" đấu thầu khi đã được quyết định trước đó Thậm chí, có nhiều trường hợp đấu thầu nhưng dự án vẫn chậm tiến độ, xảy ra những sai phạm phải xử lý.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, khi giao vốn cho địa phương, cần giao quyền cho địa phương quyết định việc lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu theo các quy định của pháp luật. "Dù chỉ định thầu hay đấu thầu, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm", Bộ trưởng nói.
Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ
Trao đổi về dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, theo kế hoạch, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2025. Tuy nhiên, do yêu cầu triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW và phục vụ kịp thời cho việc thay đổi địa giới hành chính, sáp nhập giữa các tỉnh và việc chuyển từ mô hình chính quyền địa phương, dự án Luật được đẩy sớm.
Bên cạnh đó, năm 2025 cũng là năm cuối của kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, do đó, dự án Luật này cũng được đẩy tiến độ để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách nhiệm kỳ giai đoạn 2026-2030.
Cũng theo Bộ trưởng, dự thảo Luật lần này có nhiều nội dung mới và sửa đổi mang tính "đột phá". Trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hiện nay, lĩnh vực tài chính ngân sách cũng cần tiếp tục có những đổi mới, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để tạo sự thông suốt trong thực hiện.
Như vấn đề phân cấp về chi ngân sách, Chính phủ đề xuất Quốc hội sẽ quyết định tổng chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Còn quyết định chi tiết dự toán trong từng ngành, từng lĩnh vực sẽ phân cấp xuống để Chính phủ thực hiện. Sau đó, Chính phủ cũng phân cấp cho các bộ, ngành.
Đối với ngân sách địa phương cũng tương tự như vậy, Chính phủ đề xuất phân cấp từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/nhieu-quy-dinh-mo-dot-pha-tai-du-thao-luat-sua-7-luat-va-luat-ngan-sach-nha-nuoc-sua-doi.html