Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Luật Cán bộ, công chức ban hành năm 2008, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ bất cập, hạn chế, cụ thể như: Việc quy định cơ chế quản lý riêng đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã; Một số quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; Cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, bao gồm: Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đối tượng áp dụng của Luật này là cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Với những nội dung cụ thể, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Dự thảo Luật bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã. Đồng thời tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành.
Toàn cảnh phiên họp
Theo đó, dự thảo Luật bổ sung các nội dung:
Chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng, gắn với năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực phấn đấu thực chất cho cán bộ, công chức.
Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Quy định các phương thức tuyển dụng linh hoạt, ngoài thi tuyển, xét tuyển truyền thống còn bổ sung hình thức tiếp nhận đối với những người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước… hoặc thực hiện ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, đồng thời tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Cùng với đó, nâng Nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính; bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời" và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết: Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (Điều 5), từ 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Tiếp đó là Nghị định số 179 đã mở rộng đối tượng áp dụng không chỉ đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng mà còn cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài.
Tại dự thảo Luật quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ tại Điều 5 và giao Chính phủ quy định khung chính sách; người đứng đầu Bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương. Cách quy định này để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Về tuyển dụng công chức (Mục 2 Chương IV), có ý kiến cho rằng mục đích đánh giá công chức "để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận" là nội dung mới, do đó, đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm việc gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiêu chí đánh giá tự động để theo dõi, lưu trữ, phân tích kết quả công tác của công chức một cách khách quan, hạn chế cảm tính, bảo đảm công bằng, minh bạch trong quá trình sàng lọc.
PVH