Nhiều trường ở Thanh Hóa gặp khó khi dạy và học môn Tin học theo chương trình mới

Nhiều trường ở Thanh Hóa gặp khó khi dạy và học môn Tin học theo chương trình mới
4 giờ trướcBài gốc
Theo ghi nhận, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Bình Lương, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) hiện có 517 học sinh ở cả 2 cấp học. Để phục vụ cho việc dạy học môn Tin học, nhà trường hiện có 1 phòng học Tin học với 10 máy vi tính. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng 3 máy đã bị hư hỏng nhưng chi phí khắc phục lớn nên tạm thời học sinh nhà trường chỉ có thể sử dụng 7 máy để học.
Do là trường có hai cấp học, khu TH cách với khu THCS, trong khi đó khu TH lại có thêm hai khu lẻ ở vị trí khác (khu lẻ xa nhất cách khu chính 8km), trong khi các phòng bộ môn lại ở khu THCS nên khó khăn trong việc học thực hành môn Tin học đối với bậc TH.
Học sinh Trường tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa) ứng dụng môn Tin học trong giờ học trải nghiệm
Ông Lê Bá Tâm, viên chức Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Như Xuân, cho biết: “Huyện hiện có 6 trường 2 cấp học ở hai khu khác nhau dẫn đến việc chỉ có một khu có phòng chức năng, còn một khu không có. Trên danh nghĩa trường đã có đầy đủ các khu, phòng chức năng nhưng trên thực tế lại vẫn thiếu, gây khó khăn trong việc dạy và học các tiết thực hành”.
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Như Xuân hiện vẫn còn thiếu giáo viên Tin học. Do đó, Phòng GD&ĐT đã bố trí, sắp xếp giáo viên Toán Tin, Lý Tin dạy Tin học; điều giáo viên liên trường, liên cấp để đảm bảo học sinh từ lớp 3 trở lên được học Tin học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, sắp xếp thời khóa biểu môn Tin học cùng vào một buổi ở cùng một trường để đảm bảo điều kiện đi lại, dạy học cho giáo viên dạy môn Tin học.
Còn thầy Phan Trường Thi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, chia sẻ: “Trường có phòng Tin học với 20 máy, nhưng số máy hoạt động được chỉ còn khoảng 50%. Bên cạnh đó, nhà trường không có giáo viên Tin học, mà giáo viên được bố trí dạy liên trường nên hoạt động chuyên môn ít nhiều chưa thể chủ động được”.
Hiện nay, khó khăn của nhiều nhà trường là thiếu điều kiện để trang bị phòng máy vi tính hiện đại, phải sử dụng máy vi tính cũ, cấu hình thấp, chậm, hệ điều hành cũ, thiếu giáo viên Tin học giỏi... Do đó, chất lượng dạy và học môn Tin học còn nhiều khó khăn. Theo nhiều giáo viên dạy Tin học, ngoài tăng biên chế giáo viên dạy Tin học cho những trường còn thiếu, giáo viên cũng cần được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên để cập nhật kiến thức mới.
Hoàng Lam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nhieu-truong-o-thanh-hoa-gap-kho-khi-day-va-hoc-mon-tin-hoc-theo-chuong-trinh-moi-post1713674.tpo