Nhiều ý kiến thảo luận về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nhiều ý kiến thảo luận về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
4 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV
Tại phiên thảo luận có 18 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; các điều cấm; tính cụ thể; phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật...
Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, tại khoản 1, Điều 30 dự thảo luật quy định tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, lấy ý kiến của bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng mới chỉ có quy định về lấy ý kiến bằng văn bản mà chưa có quy định về hình thức lấy ý kiến như đăng tải nội dung chính sách trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Trong khi đó, Điều 36 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị xây dựng pháp luật (chính là giai đoạn chính sách) phải đăng tải ít nhất 30 ngày trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội hoặc Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức có đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Hiện tại trong dự thảo luật chỉ có quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 33 quy định “đăng tải hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo trong thời gian tối thiểu 20 ngày.
Đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trong lĩnh vực thương mại và đầu tư để thực hiện cam kết trong điều ước quốc tế thì thời gian đăng tải 60 ngày kể từ khi đăng tải đến thời điểm văn bản được thông qua.
So với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Điều 57) thì thời hạn đăng tải ít nhất đang là 60 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến, trừ những văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lý giải việc rút ngắn thời gian đăng tải và giải pháp truyền thông chính sách, truyền thông việc soạn thảo dự án, dự thảo trong thời gian như thế nào để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động biết đến để cho ý kiến (nếu không có hình thức đăng tải thì phải có hình thức khác thay thế để bảo đảm không có giới hạn về quyền tiếp cận dự thảo chính sách).
Về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị bổ sung vào khoản 6 của Điều 64 chủ thể là Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, 3, 4 và khoản 5 của điều này.
Thanh Hải (tổng hợp)
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202502/nhieu-y-kien-thao-luan-ve-du-an-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-88d6f21/