Nhu cầu chiến lược của EU - Bài 1: Tìm kiếm quan hệ đối tác mới

Nhu cầu chiến lược của EU - Bài 1: Tìm kiếm quan hệ đối tác mới
4 giờ trướcBài gốc
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo bài viết của Quỹ Khoa học và Chính trị Đức, đa dạng hóa nguồn cung cấp tài nguyên khoáng sản là một nhu cầu chiến lược của Liên minh châu Âu (EU), trong đó các quốc gia giàu tài nguyên ở Nam Bán cầu có vai trò quan trọng. Zambia, quốc gia xuất khẩu đồng hàng đầu trên toàn cầu và sở hữu nhiều loại nguyên liệu thô quan trọng khác, đang tìm kiếm các liên minh dài hạn để huy động nguồn vốn đầu tư và thúc đẩy việc tạo ra giá trị tại địa phương.
EU đã thực hiện bước tiến đầu tiên, hướng tới việc tăng cường hợp tác với Zambia, thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác về nguyên liệu thô. Nhưng nếu EU muốn duy trì khả năng cạnh tranh địa chính trị, liên minh này cần có một nền tảng chính sách công nghiệp mạnh mẽ hơn và các công cụ tài chính cụ thể để hỗ trợ hợp tác công nghiệp.
* EU tích cực tìm kiếm quan hệ đối tác về nguyên liệu thô
Trong bối cảnh nhu cầu khoáng sản tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng, EU cũng như nhiều quốc gia khác đang tích cực tìm kiếm quan hệ đối tác với các quốc gia giàu tài nguyên ở Nam Bán cầu. Zambia là quốc gia thuộc Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC), đang là trung tâm của ngoại giao nguyên liệu thô quốc tế. Nguyên nhân là do trữ lượng và sản lượng khai thác đồng - loại nguyên liệu thô không thể thiếu đối với cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông cũng như lĩnh vực điện tử - của nước này rất lớn. Hơn nữa, Zambia cũng có nhiều mỏ nguyên liệu thô quan trọng cho pin điện như cobalt, nickel và mangan.
Dưới thời Tổng thống Hakainde Hichilema, Chính phủ Zambia đang tìm cách tận dụng hợp tác quốc tế để mở rộng ngành khai thác nguyên liệu thô quốc gia. Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh đang hành động nhanh chóng. Cường quốc lớn nhất châu Á đang tăng cường sự hiện diện trong ngành khai khoáng của Zambia, trong khi các quốc gia vùng Vịnh tìm cách định vị mình là những đối tác mới.
EU cũng đã tích cực tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn. Năm 2023, EU đã ký một biên bản ghi nhớ về nguyên liệu thô với Zambia. Nhưng thời gian là yếu tố cốt yếu, nếu “Lục địa Già” muốn thành công trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về nguyên liệu thô, họ phải tăng cường hợp tác với Zambia hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Đây không chỉ là ưu tiên chính của Chính phủ Zambia, mà còn có ý nghĩa chiến lược đối với khả năng phục hồi công nghiệp của châu Âu.
Quan hệ đối tác chiến lược, bao gồm cả quan hệ đối tác với Zambia, cần được neo chặt hơn vào khái niệm chung về chiến lược nguyên liệu thô của EU. Có như thế, việc mở rộng năng lực của EU và hợp tác dựa trên quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng mới có thể được liên kết tốt.
* Tham vọng và thách thức trong quan hệ đối tác nguyên liệu thô của EU
Chính sách nguyên liệu thô của EU đã trở nên quan trọng hơn đáng kể trong những năm gần đây. Với Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA) có hiệu lực vào tháng 4/2024, EU đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc và đa dạng hóa nguồn cung, đặc biệt là 17 nguyên liệu thô được xác định là nguyên liệu thô chiến lược. Trong khi việc mở rộng năng lực sản xuất ngay tại châu Âu đang được thực hiện, thì việc triển khai các quan hệ đối tác quốc tế vẫn rất quan trọng để chuỗi cung ứng trở nên bền vững hơn.
Cho đến nay, EU đã xây dựng 14 quan hệ đối tác về nguyên liệu thô. Vào tháng 10/2023, liên minh này đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Zambia và một thỏa thuận tương tự với Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Qua đó, EU báo hiệu với các quốc gia giàu khoáng sản ở Nam bán cầu rằng họ mong muốn trở thành đối tác đáng tin cậy và lâu dài trong lĩnh vực nguyên liệu thô. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung, EU cũng thúc đẩy hợp tác "cùng có lợi" để góp phần tạo ra giá trị ở các quốc gia đối tác này.
Các quan hệ đối tác sẽ được thực hiện thông qua cách tiếp cận chung "Nhóm châu Âu", trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa EU, các quốc gia thành viên và các tổ chức tài chính của họ. Bản ghi nhớ với Zambia đang được đưa vào thực hiện, hai bên đã lập ra một lộ trình chung. Phái đoàn EU đến Zambia hiện được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện thay mặt cho liên minh này, bao gồm cả việc phối hợp các khoản đóng góp của các quốc gia thành viên. Lộ trình nêu rõ các biện pháp trong 5 lĩnh vực: tích hợp chuỗi cung ứng (liên doanh, hợp tác công nghiệp); tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; nghiên cứu và đổi mới; xây dựng năng lực; phát triển nguồn cung bền vững và có trách nhiệm.
Lộ trình này đã được hoàn thiện vào tháng 6/2024 nhưng không được công bố công khai. Một năm sau khi ký MoU, nền tảng cho sự hợp tác giữa EU và Zambia đã được đặt ra. Tuy nhiên, Zambia vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, đặc biệt trong lĩnh vực tích hợp chuỗi cung ứng. EU cần hành động nhanh hơn để khẳng định mình là đối tác đáng tin cậy trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, vì Zambia là một đối tác nguyên liệu thô rất được săn đón. Trong hai năm qua, Chính phủ Zambia đã ký kết ít nhất 8 ý định thư với các quốc gia khác trong lĩnh vực nguyên liệu thô.
Với lập trường chính sách đối ngoại "trung lập tích cực", Tổng thống Hichilema đang theo đuổi một chiến lược đa dạng hóa rộng rãi.
Gần đây, đã có hai diễn biến quan trọng. Thứ nhất, theo chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, rất có thể Mỹ sẽ ngừng hoặc ít nhất là thu hẹp quy mô tham gia vào Đối tác an ninh khoáng sản (MSP). Điều tương tự cũng áp dụng cho việc tài trợ chung cùng với EU cho các cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Thứ hai, Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh đang hành động nhanh chóng hơn và phản ứng trực tiếp hơn với lời kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu thô của Zambia. Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) 2024, Trung Quốc đã cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng mới trị giá hàng tỷ USD. Đồng thời, Trung Quốc vẫn là nước mua đồng lớn nhất của Zambia.
Về phần mình, các quốc gia vùng Vịnh đang định vị mình một cách chiến lược. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã đảm bảo được nguồn cung đồng quan trọng thông qua việc mua lại công ty Mopani Copper Mines. Saudi Arabia thì đang đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nguyên liệu thô. Tháng 1/2025, nước này đã ký biên bản ghi nhớ với Zambia. Công ty đầu tư khoáng sản Manara Minerals của Saudi Arabia đang có kế hoạch nắm giữ cổ phần trong các mỏ và dự án thăm dò ở Zambia.
Vũ Tùng (TTXVN tại Berlin)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/nhu-cau-chien-luoc-cua-eu-bai-1-tim-kiem-quan-he-doi-tac-moi/373811.html