Nội dung
1. Chùa Côn Sơn
2. Đền Kiếp Bạc
3. Đồi cỏ hồng – Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp
4. Bãi rễ - điểm chenk in lý tưởng
5. Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia
6. Du lịch sinh thái Đảo Cò
7. Làng gốm Chu Đậu
Dưới đây là một số danh thắng, điểm vui chơi, check in tại Hải Dương phù hợp cho người dân, du khách thăm quan dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này.
1. Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn có tên gọi khác là Thiên Tư Phúc Tự, tọa lạc ở ngọn núi Côn Sơn thuộc TP. Chí Linh. Cổng tam quan của ngôi chùa có 2 tầng với 8 mái, các họa tiết hoa lá và mây cách điệu được chạm khắc tinh xảo.
Chùa Côn Sơn cũng là nơi danh nhân văn hóa, thi hào Nguyễn Trãi từng lui về ở ẩn vào những ngày cuối đời. Nơi đây đã chứng kiến chặng đường cuối cùng của ông.
Đến Côn Sơn, du khách không thể bỏ qua sườn núi Kỳ Lân thơ mộng, với đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên. Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn (hay còn gọi là hòn đá năm gian, rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.
Chùa Côn Sơn (phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh) là nơi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn vào những ngày cuối đời.
2. Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc (TP. Chí Linh) là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ngày nay, trong đền vẫn còn lưu giữ 7 pho tượng bằng đồng, gồm: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào và Bắc Đẩu.
Ngôi đền này nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng, có Tam quan như bức cuốn thư "Lưỡng long chầu nguyệt" bề thế. Đền Kiếp Bạc nhìn ra con sông Thương, còn gọi là sông Lục Đầu…, rất thích hợp những những người muốn kết hợp du lịch tâm linh và thắng cảnh.
3. Đồi cỏ hồng – Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp
Đến với đồi cỏ hồng (phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh) du khách có thể thỏa sức thả mình vào thiên nhiên, tận hưởng những giây phút thư giãn tuyệt vời. Nơi đây là khung cảnh hoàn hảo cho những bức ảnh lung linh.
Khung cảnh đẹp như mơ của đồi cỏ hồng.
Du khách có thể dạo bước giữa những thảm cỏ hồng thơ mộng, tạo dáng bên những khóm hoa rực rỡ, hay đơn giản là ngồi dưới tán cây xanh mát, lắng nghe tiếng gió và ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Bên cạnh việc chiêm ngưỡng cảnh sắc, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động thú vị khác tại đồi cỏ hồng như: tổ chức picnic, cắm trại cùng bạn bè và gia đình. Nơi đây còn có dịch vụ ăn uống phục vụ du khách có nhu cầu.
Điểm check in và du lịch lý tưởng cho du khách vào dịp nghỉ lễ.
Đồi cỏ hồng nằm ngay ở TP. Chí Linh, nơi đang thành điểm check in hot nhất Hải Dương hiện nay.
Đồi cỏ hồng thường nở rộ khoảng 3 tháng là sang lứa trồng mới nên du khách muốn đi hãy liên hệ trước với chủ vườn.
Các "tín đồ xê dịch" cũng có thể kết hợp tham quan các địa điểm du lịch lân cận như hồ Côn Sơn, chùa Thanh Mai, đền thờ Chu Văn An... để chuyến đi thêm phần ý nghĩa.
4. Bãi rễ - điểm chenk in lý tưởng
Vẻ đẹp khu bãi cây rễ tại rừng thông Côn Sơn (TP. Chí Linh) ngày càng thu hút du khách trên khắp mọi miền đến trải nghiệm, chụp ảnh.
Khung cảnh mênh mông, thơ mộng của cánh đồng bãi rễ.
Cây rễ còn có tên khác là cây thanh hao hay Kim Sa Tùng, với cành nhỏ vươn dài, lá hình cánh kim, khi thu hoạch dùng làm chổi, rễ quét nhà. Bãi rễ ở Côn Sơn gắn liền với truyền thuyết "Ông trồng thông, bà cấy rễ".
Khung cảnh mênh mông, thơ mộng của cánh đồng bãi rễ thời gian gần đây thu hút nhiều bạn trẻ tới du lịch chụp ảnh. Nhiều cặp đôi tìm đến để thực hiện những bộ ảnh cưới hay tổ chức các buổi dã ngoại vì khung cảnh đẹp, không khí trong lành mát mẻ
Vẻ đẹp khu bãi cây rễ tại rừng thông Côn Sơn thu hút du khách đến trải nghiệm, chụp ảnh.
Cây rễ có mùi hương thơm rất đặc trưng, dịu quyện vào trong gió cùng cảnh đẹp xanh mướt của bãi rễ bao quanh là rừng thông xa xa có những dãy núi... Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đến với huyện Cẩm Giàng, người dân sẽ được thăm quan 2 di tích Quốc gia đặc biệt, gồm: Văn miếu Mao Điền và cụm Đền Bia - Chùa Giám - Đền Xưa.
5. Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia
Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia là cụm 3 di tích nằm trên địa bàn 3 xã Cẩm Sơn, Cẩm Vũ và Cẩm Văn của huyện Cẩm Giàng. Những di tích ở gần nhau, cùng thờ một vị tổ là Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có những công trình kiến trúc độc đáo, tạo dấu ấn và chỗ đứng riêng trong đời sống văn hóa, tâm linh người dân địa phương.
Vườn thuốc nam nằm trong quần thể Đền Bia.
6. Du lịch sinh thái Đảo Cò
Du lịch sinh thái Đảo Cò (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện), có diện tích hơn 31.000 ha, nơi đây là khu vực sinh sống của khoảng 12.000 cá thể cò và 5.030 cá thể vạc. Các loại cò chính gồm lửa, ruồi, bợ, đen..., vạc có xám, xanh, đen...
Tại Đảo Cò hiện đã xây dựng và đưa vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng từ năm 2012. Đến nay Đảo Cò có 5 homestay để đón khách du lịch, trong đó có 2 homestay đón được cả khách nội địa và quốc tế.
Hàng nghìn con cò trắng bay lượn trên các hòn đảo nổi giữa hồ An Dương.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh và sự đa dạng sinh học, năm 2014, khu sinh thái Đảo Cò Chi Lăng Nam được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
7. Làng gốm Chu Đậu
Làng gốm Chu Đậu (thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách), Chu Đậu vốn là làng quê nhỏ bên dòng sông Thái Bình, danh tiếng lan xa đến khi xuất hiện những dấu vết về nghề gốm đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất trên thế giới hàng thế kỷ trước.
Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ. Bình tỳ bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng hiền thục nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương là người chồng, là cha, là trụ cột là nền tảng.
Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt.
Ngoài ra, du khách đến Hải Dương có thể thưởng thức những đặc sản như: bánh đậu xanh (TP. Hải Dương); bánh gai, bánh gấc (huyện Ninh Giang), các món ăn về rươi (huyện Tứ Kỳ)…
Đức Tùy