Những đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam

Những đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam
3 giờ trướcBài gốc
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày một khởi sắc (Nguồn: baodantoc.vn)
Quảng Nam có 18 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 8 huyện (với 70 xã) thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Miền núi tỉnh Quảng Nam có diện tích 7.760,7km2 (chiếm 73,4%), với 140.540 người DTTS (chiếm 9,4% dân số toàn tỉnh).
Những năm qua, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc; công tác chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tỉnh Quảng Nam quan tâm chú trọng. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ cho người dân vùng DTTS và miền núi có nơi ở mới an toàn, ổn định cuộc sống, được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, chuyển đổi nghề...
Triển khai Chương trình, từ năm 2022 đến tháng 6/2024, thực hiện Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, với tổng số vốn giao 168.966 triệu đồng (ngân sách trung ương là 148.963 triệu đồng, ngân sách địa phương là 20.003 triệu đồng), tỉnh đã giải ngân 105.480 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 93.037 triệu đồng, tỷ lệ 57,37%; ngân sách địa phương là 12.443 triệu đồng, tỷ lệ 45,26%) để hỗ trợ: đất ở 353 hộ, nhà ở 258 hộ, chuyển đổi nghề 87 hộ, nước sinh hoạt tập trung đầu tư 37 công trình, nước sinh hoạt phân tán 1.359 hộ. Thực hiện dự án 2: quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, với tổng số vốn giao 146.439 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 130.589 triệu đồng, ngân sách địa phương là 15.850 triệu đồng), tỉnh đã giải ngân 36.614 triệu đồng (ngân sách trung ương là 35.231 triệu đồng, tỷ lệ 25%; ngân sách địa phương là 1.383 triệu đồng, tỷ lệ 7,51%) để đầu tư 9 dự án định canh định cư tập trung, bố trí cho khoảng 212 hộ dân.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS và miền núi được tỉnh Quảng Nam rất quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn vùng đồng bào DTTS có 199 trường học (trong đó 84 trường đã đạt chuẩn quốc gia, tương đương 42,21%) với tổng số 60.650 học sinh (trong đó 42.793 học sinh là người DTTS, chiếm 70,6%). Tỷ lệ học sinh DTTS đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và vào các trường Cao đẳng, Đại học ngày càng tăng. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 4.888 người DTTS được hỗ trợ học nghề, trong đó 358 lao động đã được đào tạo và xuất khẩu đi làm việc tại thị trường trong và ngoài nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,41% vào năm 2023. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt 24,13 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm còn 22,05% (cả tỉnh còn 5,7%); số xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới là 33/93 xã (cả tỉnh 123/194 xã); có 98,81% thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% đồng bào DTTS được tham gia đóng bảo hiểm y tế…
Mặt khác, công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực là người DTTS được thực hiện đồng bộ trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên toàn tỉnh là 3.751 người, chiếm tỷ lệ 10,5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Trong đó, có 658 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, chiếm tỷ lệ 6,4%; số cán bộ, công chức người DTTS là đại biểu HĐND các cấp là 1.243 người, chiếm tỷ lệ 21%.
Có thể nói, những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua rất thiết thực, qua đó ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị và sự quan tâm đôn đốc, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị, các địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Nhờ đó tỷ lệ giảm hộ nghèo DTTS vượt chỉ tiêu quy định của Chương trình, cụ thể: Chỉ tiêu Chương trình đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm trên 3%; kết quả thực hiện năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo DTTS tỉnh Quảng Nam giảm tới 10,04% và năm 2023 là 9,72%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: tỉ lệ giải ngân của Chương trình thấp, dẫn đến phân bổ kế hoạch vốn của một số nội dung, dự án còn chậm, tình hình triển khai, thực hiện, giải ngân vốn chậm so với kế hoạch đề ra (tổng nguồn kinh phí phân bổ năm 2022 - 2024 là 2.029.048 triệu đồng; qua hơn 2 năm thực hiện, tỉnh đã giải ngân 749.632/2.029.048 triệu đồng, đạt 36,95%). Theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, đối với số vốn sự nghiệp trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu mất rất nhiều thời gian, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện cũng như giải ngân. Vốn sự nghiệp mức hỗ trợ/hộ thực hiện di dời xen ghép quá thấp (60 triệu đồng/hộ) so với chính sách của tỉnh hiện hành (mức hỗ trợ 125 triệu đồng/hộ), do đó không thể thực hiện...
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngày 08/3/2024, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2024, với mục tiêu cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm trên 3%; phấn đấu hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 499 hộ; phấn đấu giải quyết đất ở cho 129 hộ; phấn đấu hỗ trợ hộ chưa có nhà, xóa nhà tạm cho 156 hộ; phấn đấu sắp xếp, ổn định dân cư cho 642 hộ; phấn đấu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.298 hộ...
Theo kế hoạch, bố trí đầy đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương, giải ngân vốn được giao năm 2024 bao gồm vốn năm 2022 và vốn năm 2023 chuyển sang đảm bảo giải ngân đạt 100%; tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở các cấp, các ngành để thực hiện Chương trình theo tiến độ đề ra; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn sự nghiệp, vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành dự án sử dụng vốn nhà nước, xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện một số địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, người có uy tín trong tỉnh thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, vận động đồng bào DTTS và miền núi nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.
Diễm Hồng
Nguồn Mặt Trận : http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/nhung-doi-thay-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tinh-quang-nam-58644.html