Những mảng màu sáng tối ở Hàn Quốc

Những mảng màu sáng tối ở Hàn Quốc
một ngày trướcBài gốc
Nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 6/6/2024. (Ảnh tư liệu: Yonhap/TTXVN)
Trừ Đại học Quốc gia Kangwon và Đại học Quốc gia Jeonbuk, những trường gia hạn thời hạn chót đến giữa tháng 4, có 38 trường y trên toàn quốc thông báo phần lớn sinh viên đã đăng ký học trở lại từ ngày 31/3. Sinh viên y khoa tại các trường đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Yonsei, Đại học Hàn Quốc và nhiều trường khác cũng đồng loạt quyết định quay trở lại học tập và thực tập tại bệnh viện.
Động thái mới nhất nêu trên của đông đảo sinh viên y khoa và bác sĩ thực tập được dư luận Hàn Quốc đánh giá là tích cực và mang tính xây dựng, góp phần hạ nhiệt cuộc khủng hoảng y tế kéo dài ở xứ Kim chi. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh việc giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh phụ thuộc sự trở lại của sinh viên, những người nghỉ học để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu.
Ban đầu, sinh viên có thái độ lạnh nhạt với đề xuất này, nhưng sau đó dần thay đổi quan điểm nhờ sự thuyết phục của các giáo viên và những biện pháp cứng rắn từ các trường y, như đe dọa đuổi học. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết sẽ thu thập dữ liệu về số lượng sinh viên quay lại trường trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về chỉ tiêu tuyển sinh năm tới. Giới chức bộ này và trường học dự đoán với tỷ lệ quay trở lại hiện tại, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giữ nguyên ở mức 3.058 suất vào năm 2026, nhưng sẽ có thể được điều chỉnh tăng lên 5.058 suất nếu sinh viên tiếp tục nghỉ học.
Thái độ cầu thị của gần 12.000 sinh viên và bác sĩ thực tập, vốn tham gia đình công không đến trường và bệnh viện hơn một năm qua để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, đã giúp giới chức Hàn Quốc tạm thời thoát gánh nặng của cuộc khủng hoảng y tế kéo dài. Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch bồi dưỡng khoảng 27.000 nhân tài trong lĩnh vực y sinh trong năm nay như một phần nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, kế hoạch này được công bố tại cuộc họp của Ủy ban Đổi mới y sinh trong khuôn khổ sáng kiến của chính phủ nhằm đào tạo, bồi dưỡng 108.000 chuyên gia ngành y sinh trước cuối năm 2027. Đối tượng đào tạo là các bác sĩ, nhà khoa học và tài năng trẻ có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ về công nghệ tiên tiến liên quan y sinh học.
Tuy nhiên, vừa tạm thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế, Hàn Quốc lại phải gồng mình đối phó vụ cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử kéo dài một tuần tại khu vực đông nam nước này. Vụ cháy rừng gây ra những hậu quả hết sức tàn khốc, khiến ít nhất 30 người chết, 37 người bị thương, khoảng 38.000 người phải sơ tán.
Tổng diện tích rừng bị thiêu rụi tại hai tỉnh Gyeongsang Bắc và Gyeongsang Nam lên đến 48.000 ha, tương đương 80% diện tích thủ đô Seoul, vượt xa mức thiệt hại 23.794 ha trong vụ cháy rừng năm 2000 tại bờ biển phía đông. Theo Cơ quan quản lý di sản quốc gia Hàn Quốc, cháy rừng làm hư hại 30 di sản văn hóa, trong đó có 11 di sản cấp quốc gia. “Giặc lửa” cũng thiêu rụi đền Goun ở Uiseong, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới. Rất may, các bảo vật quốc gia lưu giữ tại đền đã được di dời kịp thời.
Quyền Tổng thống Han Duck Soo nhấn mạnh, thảm họa cháy rừng bùng phát ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có, vượt ngoài mọi dự đoán và mô hình đánh giá trước đây. Chính phủ Hàn Quốc nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp cao nhất, đồng thời triển khai phản ứng tổng lực trên toàn quốc. Hàng nghìn lính cứu hỏa, 6.000 binh sĩ, hơn 100 trực thăng và phương tiện chữa cháy được triển khai để dập lửa. Chính phủ Hàn Quốc cũng đề xuất một khoản ngân sách bổ sung trị giá 10.000 tỷ won (6,8 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị và trận cháy rừng lịch sử.
BẢO MINH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nhung-mang-mau-sang-toi-o-han-quoc-post869438.html