Ẩn sau mỗi câu hát ấy là bóng dáng hai nghệ nhân cả đời đau đáu với văn hóa dân tộc, đó là ông Trịnh Ngọc Thông (sinh năm 1943) và bà Miêu Thị Nguyệt (sinh năm 1942). Họ không chỉ là những nghệ nhân hát Soọng cô lâu năm ở địa phương, mà là những “người giữ hồn” thầm lặng cho cả một cộng đồng dân tộc thiểu số.
Một đời gắn với làn điệu Soọng cô
Con đường dẫn vào nhà ông Trịnh Ngọc Thông quanh co uốn lượn qua những triền đồi thoai thoải, trải dài dưới tán rừng xanh mướt của xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Bước chân theo lối nhỏ, xen kẽ những vạt cỏ dại và những bụi hoa rừng trắng tinh khôi, không khí trong lành và mát dịu như thấm đẫm cả hồn người. Những mái nhà tranh thấp thoáng sau vạt cây, ánh nắng chiều lấp ló qua kẽ lá, khiến cảnh vật như một bức tranh bình yên đậm chất đồng quê.
Dù đã ở tuổi xế chiều, ông Trịnh Ngọc Thông vẫn say mê với từng làn điệu Soọng cô như một cách níu giữ văn hóa giữa nhịp sống hiện đại.
Từ đây, tiếng hát Soọng cô của nghệ nhân Trịnh Ngọc Thông đã nhiều năm nay vẫn vang vọng nhẹ nhàng giữa núi rừng:
“Sọng theo sếnh cô hồ Súi Nam
Súi Nam nam ngữ hồ sọng hang
Tá tách vàn cúi my sạch chói
Vàn cúi my sạch, hồ sọng hang”
(Dịch: Hát một bài ca ngợi Việt Nam
Việt Nam giàu đẹp rộng bao la
Đánh cho Mỹ cút, ngụy chào thua
Hòa bình thống nhất chung nước nhà”
Nhà ông Thông không lớn, nằm yên bình bên sườn đồi, đây là nơi giữ lại không chỉ những câu hát mà còn cả ký ức, cả linh hồn của một cộng đồng người Sán Dìu yêu thương văn hóa truyền thống. Trong căn nhà nhỏ ba gian ấy, ông Thông giới thiệu cho chúng tôi từng cuốn sách lưu giữ những bài hát Soọng cô được lưu truyền từ thời ông cha, do chính ông biên soạn và sưu tầm.
Ông cho biết, hát Soọng cô của người Sán Dìu cũng tương tự như hát quan họ của người Bắc Ninh đều bắt đầu là những lời chào hỏi, mời trầu, hiện nay có những lời ca mới được sáng tác riêng để ca ngợi Đảng, Bác Hồ và cuộc sống lao động của nhân dân. Toàn bộ hơn 5.000 bài hát được viết bằng chữ Hán cổ đã được ông dày công sưu tầm, cẩn thận dịch lại, nảy vần, phổ lời hát và ghi chép tỉ mỉ vào sổ tay để lưu truyền cho con cháu đời sau.
Theo ông Thông, đặc trưng của Soọng cô là âm điệu lên xuống tự do, không theo một khuôn nhạc cố định như một số dân ca của dân tộc Tày hay Nùng. “Chính vì thế mà Soọng cô không thể phối khí hay đệm nhạc như các thể loại khác. Chỉ có giọng hát mộc mạc, chân thành mới giữ được hồn của làn điệu cổ này”, ông chia sẻ.
Toàn bộ hơn 5.000 bài hát được viết bằng chữ Hán cổ đã được ông Thông dày công sưu tầm, cẩn thận dịch lại.
Trong những lời chia sẻ đầy tâm huyết, ông Thông bồi hồi nhớ về thời kỳ đầu khi câu lạc bộ Soọng cô còn lan tỏa rộng khắp năm xóm, tiếng hát vang vọng rộn rã khắp vùng quê. Năm 2012, Câu lạc bộ Soọng cô xã Nam Hòa chính thức ra mắt, ông Thông đảm nhận vai trò Phó chủ nhiệm, còn bà Miêu Thị Nguyệt giữ chức Chủ nhiệm. Đến năm 2016, khi bà Nguyệt nghỉ công tác, ông tiếp tục đảm nhận vị trí Chủ nhiệm, dẫn dắt và duy trì các hoạt động văn nghệ của xóm làng.
Thế nhưng, theo thời gian, câu lạc bộ của xã đã giải thể, để lại những nhóm nhỏ hoạt động rời rạc tại từng xóm. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục giữ vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Soọng cô xóm Na Quán. Ông cho biết, số nghệ nhân còn có thể hát được Soọng cô trong xóm chỉ còn khoảng hơn 20 người, phần lớn đều đã bước sang tuổi 70, 80. “Ngày trước, tôi theo các anh chị đi học hát từ năm 14, 15 tuổi. Đến năm 18 đã có thể đi hát ở nhiều nơi. Bây giờ, lớp trẻ chẳng còn mấy ai mặn mà, người biết hát thì đi làm xa, người còn lại thì... già cả như tôi rồi”, ông Thông bùi ngùi chia sẻ.
Khó khăn chồng chất, nhưng tình yêu chẳng vơi
Nếu ông Thông là trụ cột vững chãi của câu lạc bộ hiện tại, thì bà Miêu Thị Nguyệt là người đặt nền móng đầu tiên cho mọi hoạt động hát Soọng cô ở vùng đất này. “Lúc đầu phải đi vận động từng người một. Mời mãi mới được 25 người, rồi tăng lên 40. Chủ yếu là người trong xóm và những xóm bên cạnh”, bà Nguyệt nhớ lại. Những lớp học múa hát cho trẻ em cũng từng được tổ chức nhưng rồi vì mưu sinh, vì cuộc sống hiện đại, các em cũng dần rời xa làn điệu cổ.
Với giọng hát ngọt ngào, bà Miêu Thị Nguyệt đã trở thành “ngọn lửa âm thầm” gìn giữ Soọng cô nơi xóm nhỏ.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hát dân ca, khi còn nhỏ bà đã được cha mẹ dạy cho hát những bài ca về mùa trong năm, những câu hát chào hỏi, đám cưới hay chúc thọ. Từ đó, bà mang theo âm điệu quê hương đi qua thời thanh xuân, những năm tháng chiến tranh và cả quãng thời gian bà giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Nam Hòa từ năm 1968 đến năm 1970.
Dấu mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc đến với bà vào tháng 5-2010, khi bà đại diện tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, bà có cơ hội gặp gỡ hàng trăm đại biểu đến từ mọi miền đất nước, qua những cuộc trò chuyện thân tình, bà chợt nhận ra rằng điều khiến người ta nhớ nhất về mỗi dân tộc chính là những câu hát bằng tiếng mẹ đẻ, mộc mạc, sâu lắng và đậm đà bản sắc. Chính cảm hứng ấy đã thôi thúc bà, ngay khi trở về quê, bắt tay vào công việc sưu tầm, sao chép lại các bài hát Soọng cô như một cách giữ gìn hồn cốt văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ mai sau.
Qua từng bức ảnh, bà Nguyệt kể lại hành trình giữ lửa Soọng cô của Câu lạc bộ xã Na Quán với niềm tự hào và xúc động.
Bà thở dài, bộc bạch: “Nghe thì được chứ hát thì các cháu cảm thấy ngượng mồm, không muốn học. Có đứa còn chẳng biết tiếng dân tộc mình nữa”. Nhưng dẫu vậy, bà chưa bao giờ từ bỏ niềm tin vào giá trị văn hóa: “Nếu có ai cần, tôi vẫn sẵn sàng dạy. Trước đây có gần chục cháu đến học hát ở nhà tôi đấy”, bà nói.
Với ông Thông và bà Nguyệt, hát Soọng cô chưa từng là chuyện kiếm tiền hay danh tiếng. Mặc dù, từng được nhận bằng khen, giấy khen hoặc được mời đi giao lưu biểu diễn ở khắp các tỉnh thành, họ vẫn là những nghệ nhân thầm lặng, chắt chiu những khoản chi phí mua trang phục truyền thống, đồ trang điểm… với những nghệ nhân già như ông Thông, bà Nguyệt thì đó là một khoản chi phí không hề nhỏ. “Hầu như mọi hoạt động đều tự nguyện, ai yêu thích thì góp một ít tiền để đi lại, tổ chức”, ông Thông chia sẻ.
Không chỉ là người gìn giữ văn hóa dân tộc Sán Dìu, bà Miêu Thị Nguyệt còn là người từng có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Vấn đề lớn nhất, như cả hai nghệ nhân đều nhấn mạnh, đó là sự kế thừa. “Nhiều cháu thích hát đấy, nhưng học xong lại đi làm xa, lấy chồng, bận học. Người biết hát cứ ít dần, mà chúng tôi thì... già rồi”, ông Thông nói, giọng chùng xuống. Không chỉ trăn trở cho hiện tại, hai nghệ nhân còn lo lắng cho tương lai của Soọng cô. “Không có những phương án bảo tồn cụ thể thì sớm muộn gì làn điệu này cũng mai một. Chúng tôi thì còn cố gắng được ngày nào hay ngày ấy, nhưng rồi cũng đến lúc không còn nữa”, ông nói, mắt nhìn xa xăm.
Ông Nguyễn Hữu Đại (Trưởng xóm Na Quán, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “Ông Trịnh Ngọc Thông và bà Miêu Thị Nguyệt là những người rất tâm huyết với văn hóa dân tộc, đặc biệt là gìn giữ văn hóa hát Soọng cô, một việc làm vô cùng đáng quý, bởi nếu không có người kế tục thì thế hệ sau sẽ dễ bị mai một, đánh mất gốc gác văn hóa Sán Dìu. Dân xóm Na Quán chủ yếu là người Sán Dìu, chiếm tới hơn 90% nên chúng tôi luôn mong muốn gìn giữ được bản sắc dân tộc. Chính quyền địa phương cũng cố gắng tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hoạt động giao lưu văn nghệ để có thể duy trì và phát triển lâu dài nét văn hóa truyền thống này”.
Ông Trịnh Ngọc Thông và bà Miêu Thị Nguyệt - Những nghệ nhân giữ hồn làn điệu Soọng cô Sán Dìu tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Câu nói ấy không chỉ là tiếng lòng của trưởng xóm Na Quán mà còn của bao nghệ nhân khác trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu, những người vẫn đang âm thầm giữ lửa văn hóa đồng bào trong từng câu hát, từng buổi truyền dạy giữa bộn bề cuộc sống. Soọng cô không chỉ là lời ca, tiếng hát mà còn là hồn cốt dân tộc và trong ngôi nhà nhỏ giữa lưng đồi, ngọn lửa ấy chưa bao giờ tắt, nhờ những người như ông Thông, bà Nguyệt dành cả đời để gìn giữ lấy một phần linh hồn của quê hương.
Bài, ảnh: BẢO NGỌC