Những người nên hạn chế ăn đậu bắp

Những người nên hạn chế ăn đậu bắp
7 giờ trướcBài gốc
Tác dụng của đậu bắp với sức khỏe
Đậu bắp hay còn gọi là mướp tây, bắp chà nguồn gốc từ Tây Phi. Quả đậu bắp dáng dài, nhiều hạt bên trong và có độ nhớt. Ngày nay, quả đậu bắp được rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng rộng rãi bởi giá trị dinh dưỡng lớn mà nó đem lại.
Dưới đây là những tác dụng của đậu bắp với sức khỏe:
Tăng cường khả năng miễn dịch
Đậu bắp rất giàu vitamin C, loại vitamin này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp bạn phòng tránh bệnh tật, tránh nhiễm trùng.
Cải thiện mỡ máu, giảm táo bón
Chất nhầy trong đậu bắp có thành phần là mucin và pectin. Chất nhầy này có thể giữ ẩm cho niêm mạc đường tiêu hóa, pectin là loại chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng giảm cholesterol, giảm táo bón.
Ngoài ra, nó còn giúp ích hoạt tế bào, ngăn ngừa lão hóa tế bào, tăng tốc độ tiêu hóa và hấp thu protein, đồng thời cải thiện chức năng gan và thận.
Bổ sung canxi tự nhiên cho cơ thể
Li Wanping – chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, đậu bắp, còn được gọi là “nhân sâm xanh”, bởi nó chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng để duy trì cơ thể con người như carbohydrate, chất xơ, axit béo không bão hòa, vitamin tổng hợp, chất phytochemical và các khoáng chất như kali và canxi.
Trang EDH dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping cho biết, do đậu bắp chứa hàm lượng axit oxalic thấp nên có thể giúp tăng tỷ lệ hấp thu canxi. Nó là nguồn cung cấp canxi tự nhiên cho những người không thể uống sữa để bổ sung canxi (do dễ bị tiêu chảy khi uống sữa) hoặc người ăn chay trường.
Đẹp da, giảm cân
Các vitamin và chất chống oxy hóa trong đậu bắp giúp làm mờ vết thâm, cải thiện kết cấu da, giúp da khỏe mạnh, sáng mịn. Ngoài ra, đậu bắp giàu chất xơ, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, giảm lượng ăn vặt không cần thiết, từ đó có hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm cân.
Bảo vệ mắt
Vitamin A trong đậu bắp giúp duy trì sức khỏe võng mạc và đạt được tác dụng bảo vệ mắt. Ăn đậu bắp cùng những thực phẩm chứa kẽm sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ vitamin A, từ đó tăng hiệu quả bảo vệ mắt.
Đậu bắp rất tốt cho sức khỏe
Những người nên hạn chế ăn đậu bắp
Đậu bắp tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời DS Hoàng Thu cho biết, mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng đậu bắp cũng có thể gây một số tác dụng phụ, gây hại cho một số nhóm người. Dưới đây là những người không nên ăn hoặc hạn chế dùng đậu bắp:
- Người dị ứng: Đậu bắp chứa loại protein gọi là Lectin, có thể gây dị ứng ở một số người. Mặc dù hiếm gặp, một số người có thể bị dị ứng hoặc nhạy cảm với đậu bắp. Các triệu chứng có thể bao gồm ngứa, nổi mề đay, ngứa ran trong hoặc xung quanh miệng, khó thở và nghẹ mũi…
Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào khi ăn đậu bắp, tốt nhất là không nên thêm loại rau này vào chế độ ăn.
- Người có các vấn đề về tiêu hóa: Đậu bắp có hàm lượng chất xơ cao, có thể gây đầy hơi, chướng bụng ở một số người. Fructan là loại carbohydrate trong đậu bắp, có thể làm tăng các vấn đề về đường ruột ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Những người có vấn đề về tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề này nếu họ ăn đậu bắp.
- Thận trọng dùng ở người bệnh đái tháo đường:Mặc dù loại rau này chứa các thành phần có thể làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, những người dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường và không kiểm soát được lượng đường trong máu nên thận trọng (tốt nhất nên tham vấn ý kiến bác sĩ khi ăn đậu bắp).
Những người bị tiểu đường nên theo dõi lượng đường trong máu sau khi ăn đậu bắp để tránh bất kỳ vấn đề y tế nào.
Các nghiên cứu đã phát hiện, đậu bắp có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ metformin, một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường loại II cũng có xu hướng có nước tiểu có tính axit hơn, làm tăng nguy cơ sỏi thận khi ăn đậu bắp.
- Người bệnh mỡ máu:Nguy cơ bị cholesterol cao có thể tăng lên nếu bạn ăn đậu bắp sau khi nấu trong quá nhiều dầu. Tốt hơn là nên nấu đậu bắp trong ít dầu hơn với ít gia vị hơn và ăn một cách lành mạnh.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai và cho con bú cần hết sức cẩn thận trong vấn đề ăn uống. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn đậu bắp vì nó có thể gây hại cho thai nhi.
- Người bệnh sỏi thận: Đậu bắp chứa hàm lượng oxalat cao và canxi oxalat là thủ phạm chính gây ra sỏi thận. Thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở những người đã từng bị sỏi thận.
Nếu bạn bị sỏi thận, không nên ăn đậu bắp, vì sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề về thận. Không chỉ vậy, đậu bắp có thể gây hại ngay cả trong trường hợp sỏi thận và sỏi túi mật. Tốt hơn hết là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa loại rau này vào bữa ăn của mình.
- Người có bệnh về máu:Vitamin K hỗ trợ quá trình đông máu và hàm lượng vitamin K cao trong đậu bắp có thể tương tác với các loại thuốc làm loãng máu như coumadin (warfarin). Những người dùng thuốc làm loãng máu nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa đậu bắp vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Trên đây là tác dụng của đậu bắp cũng như những người nên hạn chế ăn đậu bắp. Dù thích đến mấy nhưng nếu thuộc nhóm những người trên thì bạn hãy tránh xa loại thực phẩm này nhé.
Hạ An (Tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-nen-han-che-an-dau-bap-ar900641.html