Những sai lầm thường gặp của nhiều gia đình khi cho trẻ ăn dặm

Những sai lầm thường gặp của nhiều gia đình khi cho trẻ ăn dặm
4 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh hội thảo ngày 28-9. Ảnh: Thu Trang
Ngày 28-9, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng quốc gia chủ trì tổ chức hội thảo chuyên đề “Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam”.
Tại hội thảo, ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, các nhà khoa học đã xác định 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Nếu so với cả đời con người, 1.000 ngày đầu đời tuy ngắn nhưng lại có ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời.
“Dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành. Nếu giai đoạn này trẻ được nuôi dưỡng tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/năm trong năm tiếp theo”, ông Trần Thanh Dương nói.
Do đó, trong 2 năm đầu đời, em bé có thể tăng chiều cao tới 35cm. Chiều cao của trẻ giai đoạn này sẽ bằng 1/2 chiều cao lúc trưởng thành.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Dương, sai lầm nhiều gia đình gặp phải khi cho trẻ ăn dặm là cho trẻ ăn quá sớm vì nghĩ là sữa mẹ không đủ, ăn sớm cho cứng cáp. Thậm chí, có những gia đình còn xay nhuyễn thực phẩm sợ trẻ hóc; không tập cho trẻ nhai nên hình thành thói quen ngậm.
Sai lầm nữa là nhiều gia đình không cho trẻ ăn rau sớm, hoặc chỉ cho húp nước không cho ăn cái (thiếu chất xơ). Không kiên nhẫn tập cho trẻ ăn thức ăn đa dạng hoặc kiêng một số loại thực phẩm, dẫn đến trẻ kén ăn, biếng ăn. Đặc biệt, cho trẻ xem phim, dùng điện thoại khi ăn và ép buộc trẻ ăn dẫn đến các vấn đề tâm lý như sợ ăn, cứ ăn là quấy khóc...
Ký kết hợp tác cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ. Ảnh: Thu Trang
“Các nhà dinh dưỡng học đã khuyến nghị trẻ em phải được ăn bổ sung từ 6 tháng và song song với bú mẹ cho đến 24 tháng tuổi. Chế độ ăn phải từ loãng đến đặc, ăn từ ít đến nhiều, từ đơn giản ít loại đến đa dạng loại thực phẩm. Đặc biệt, trong quá trình ăn cần động viên khuyến khích trẻ và không ép trẻ”, ông Trần Thanh Dương lưu ý.
Trao đổi bên lề hội thảo, Giáo sư Chiharu Tsutsumi, giảng viên ngành dinh dưỡng sức khỏe, Khoa khoa học dinh dưỡng (Đại học Nữ sinh Sagami - Nhật Bản) cho rằng, cha mẹ cần chú ý đến nhu cầu của trẻ khi bắt đầu ăn dặm. Trong đó, lượng ăn thích hợp phụ thuộc vào thể chất và mức độ hoạt động của từng đứa trẻ… Nếu cố gắng ép trẻ ăn thì sẽ làm cho bữa ăn của trẻ trở nên khó chịu. Trong giai đoạn này, điều quan trọng cần dạy cho trẻ “ăn uống là niềm vui”.
Tại hội thảo, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã ký kết hợp tác với một số đơn vị cam kết cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ.
Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra khuyến cáo, các bà mẹ chỉ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (đủ 180 ngày). Khi cho trẻ ăn dặm cần sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm dinh dưỡng với ít nhất 4 trong 7 loại nhóm thực phẩm và dầu mỡ hằng ngày.
Thu Trang
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nhung-sai-lam-thuong-gap-cua-nhieu-gia-dinh-khi-cho-tre-an-dam-679618.html