Bài 2: Tìm hướng đi cho dệt Đam Pao
Chị Ka Ly đã chuyển sang dệt bằng sợi công nghiệp
• TRẦM NGÂM LÀNG DỆT
Bà Đơn Gun Ka Trăng, người thường được bà con Đam Pao gọi với cái tên mẹ Nương, cũng là một nghệ nhân dệt nổi tiếng. Trong vườn, bà cũng trồng cây t’râm, trên rẫy gieo hạt bông, trong nhà vẫn còn lồng quay sợi. Nhưng, những tấm vải dệt đã dần thưa. Bà bảo, trong nhà chỉ còn mỗi bà còn gắn với khung dệt. Còn lại các con gái, cháu gái của bà đã không còn ngồi dệt.
Chị Long Đinh Ka Ly, cô cháu gái của mẹ Thia cũng bảo, trẻ em gái Đam Pao giờ không thích dệt. Ngồi dệt vừa đau lưng, thu nhập lại thấp, trẻ con không còn thích nữa. “Vẫn có nhiều cháu được dạy nghề từ nhỏ, biết căng khung, đan sợi nhưng chúng nó chê, ngồi dệt mệt mà ít tiền, đi làm cà phê, đi làm công ty khỏe hơn, thu nhập tốt hơn”, chị Ka Ly buồn bã nhận xét. Chỉ còn những người như bà chị, mẹ chị và những người đồng lứa còn lưu luyến với những sợi chỉ mang màu chàm.
“Dệt thổ cẩm mất công và rất mệt. Như tôi, làm nhanh một ngày xong một tấm, chậm thì hai ngày. Giá thì lại thấp, chỉ từ 300 ngàn tới 350 ngàn đồng một tấm vải, chỉ đủ tiêu chứ rất khó dư giả”, chị Ka Ly đánh giá. Đây cũng là lý do khiến nghề dệt thổ cẩm mất dần sức hút với các bạn nữ. Cũng theo chị Ka Ly chia sẻ, hiện tại thôn Đam Pao chỉ còn một số ít hộ, những gia đình có nghệ nhân lớn tuổi là còn giữ nghề dệt truyền thống theo kiểu trồng bông, nhuộm vải, tự kéo sợi. Còn lại hầu hết các gia đình còn dệt vải đã sử dụng sợi công nghiệp. “Hiện giờ, người trẻ dệt vải đều mua sợi chứ ít người đủ kiên nhẫn để tự trồng bông kéo sợi. Sợi mua nhanh hơn, bớt công sức hơn nhưng giá cả cũng thấp hơn rất nhiều so với vải được quay, nhuộm dệt thủ công”, chị Ka Ly cho biết. Chị cũng nhận xét, tấm vải được dệt thủ công mang màu sắc rất thật, màu chàm cổ nhìn rất khác biệt, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, do các công ty mở tại khu vực xã Đạ Đờn cũng như thị trấn Đinh Văn khá nhiều, thanh niên trong buôn đều dễ dàng tìm được việc làm nên nghề dệt thổ cẩm càng mất sức hấp dẫn.
"Hiện tại, nhiều gia đình đã không còn người nối nghiệp", ông Nguyễn Minh Thu - Trưởng thôn Đam Pao cho biết. Theo ông Thu, Đam Pao chỉ còn 3 nghệ nhân ở tuổi 70 - 80 là còn lưu giữ nghề dệt truyền thống, từ trồng bông xe sợi, nhuộm màu. Còn lại hầu hết, với những người phụ nữ ít tuổi hơn, đã chuyển sang dệt thổ cẩm bằng sợi công nghiệp. Ông Thu cũng thừa nhận, nghề dệt ngày càng ít hấp dẫn với phụ nữ Đam Pao, các bạn trẻ thường học xong, vào các doanh nghiệp quanh vùng làm công nhân, vừa đỡ vất vả, thu nhập lại ổn định, có chế độ đãi ngộ tốt như Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội.
• NHỮNG LUỒNG GIÓ MỚI
"Buôn Đam Pao chúng tôi cũng đang trong giai đoạn rất khó khăn vì thiếu lớp kế cận. Các em, các cháu đi làm hết, rất ít bạn có ý định nối nghiệp của các bà, các mẹ. Cũng do thu nhập từ dệt thổ cẩm thấp quá nên không còn hấp dẫn với người trẻ. Đây cũng là nỗi lo của Đam Pao chúng tôi trước nguy cơ nghề truyền thống mất dần. Đam Pao chúng tôi đã được công nhận làng nghề từ hơn 10 năm trước, được đầu tư khu trưng bày. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy bản thân chưa chủ động, phát huy được thế mạnh của nghề truyền thống trước sức ép thị trường”, ông Nguyễn Minh Thu trăn trở.
Ông Thu vẫn tin, dù đang thăng trầm, Đam Pao vẫn có một tương lai tươi sáng cho nghề dệt. “Khách du lịch nước ngoài đến Đam Pao rất nhiều. Họ rất thích tìm hiểu từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm và dệt. Họ xuống tận nơi, tìm hiểu từng công đoạn. Nếu thu hút được lượng du khách này tới Đam Pao tham quan, mua vải thổ cẩm và sử dụng dịch vụ, sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho chị em. Chúng tôi đang xây dựng ý tưởng đưa nghệ nhân ra khu triển lãm trưng bày, biểu diễn dệt để thu hút du khách đến Đam Pao du lịch. Chỉ khi sống được với nghề, các em, các cháu mới tiếp tục gắn bó với thổ cẩm”, ông Nguyễn Minh Thu tâm sự. Thêm một điều mừng, thổ cẩm Đam Pao đang được các nhà thiết kế thời trang đánh giá cao. Đặc biệt, những tấm thổ cẩm mềm mại, mang màu chàm truyền thống dệt bằng tay được rất nhiều nhà thiết kế thời trang lựa chọn. Như nhà thiết kế K’Jona hay áo dài Kim Ngân đều rất chuộng sử dụng thổ cẩm Đam Pao vào trong các sáng tạo thời trang của mình. Những thay đổi mới này đã mang lại sức sống cho tấm vải dệt thổ cẩm truyền thống.
Ngoài ra, chính những người con Đam Pao, dù không trực tiếp gắn bó với nghề dệt nhưng cũng tìm hướng đi mới cho thổ cẩm. Bạn Long Đinh Hồng, con gái chị Ka Ly, tuy không còn dệt thổ cẩm với mẹ nhưng bạn đưa thổ cẩm Đam Pao lên mạng, giới thiệu, quảng bá về loại vải truyền thống của dân tộc mình, cung cấp rộng rãi thổ cẩm tới bạn bè bốn phương. Những cách làm mới, những luồng gió mới đang thổi về Đam Pao, mang lại hy vọng cho những sợi chỉ mang màu chàm núi rừng.
DIỆP QUỲNH