Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi trên quê hương Đông Thanh.
Nhắc đến những người thầy xứ Thanh lưu danh sử sách, hậu thế nhớ đến thầy giáo Lương Đắc Bằng người đất Hội Triều (nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa). Theo sử liệu, ông sinh năm 1475, vốn có tên Lương Ngạn Ích. Khoa thi Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống đời vua Lê Hiến Tông ông đỗ Bảng nhãn, được vua ban cho tên Lương Đắc Bằng.
Trải qua giai đoạn phát triển cực thịnh, triều đình nhà Lê bắt đầu suy yếu, đặc biệt là sau khi vua Lê Hiến Tông qua đời, chính sự bắt đầu rối ren. Các vua Lê về sau hoặc là kém cỏi, hoặc ăn chơi sa đọa, bỏ bê triều chính khiến quan lại bất bình, dân tình khốn khổ. Làm quan trong triều, trải qua nhiều đời vua, Lương Đắc Bằng luôn đau đáu việc nước.
Vì muốn vua Lê Tương Dực thay đổi, chỉnh đốn việc triều chính, quan đại thần Lương Đắc Bằng đã tâm huyết dâng lên vua 14 kế sách trị bình, như: Xa thanh sắc để làm chân chính gốc của tâm; đuổi tà nịnh để làm trong sạch ngọn nguồn muôn việc; tuyển bổ quan chức công bằng để đường làm quan trong sạch; nên khen người tiết nghĩa để coi trọng đạo cương thường; cấm hối lộ để trừ thói tham ô... Tuy nhiên, các kế sách không được nghe theo, vì thế ông đã cáo quan về quê, làm nghề dạy học.
Vốn là người thông minh, học rộng, am hiểu thời cuộc, tính tình lại cương trực, liêm khiết nên thầy Lương Đắc Bằng được học trò khắp nơi về đất Hội Triều tầm sư. Không chỉ dạy tri thức, thầy chú trọng dạy học trò đạo lý làm người. Theo sử liệu, thầy giáo Lương Đắc Bằng luôn lấy học trò làm trung tâm với phương pháp dạy học gợi mở để người học suy nghĩ, đào sâu; truyền thụ những kiến thức sâu rộng, dẫn dắt, khơi gợi tư duy sáng tạo...
Nhiều học trò dưới sự chỉ dạy tận tình của thầy giáo Lương Đắc Bằng đã trở thành nhân tài của đất nước như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Bạt Tụy, Nguyễn Mẫn Đốc, Nguyễn Thừa Hưu... Tương truyền, trong rất nhiều học trò theo học thầy giáo Lương Đắc Bằng thì Nguyễn Bỉnh Khiêm là người tài năng, xuất chúng hơn cả. Vì thế, thầy Lương Đắc Bằng đã trao cho học trò cuốn kỳ thư “Thái ất thần kinh” - đỉnh cao của dịch học, “gần thì có thể thấy được trong tầm mắt, xa có thể nhìn thấu mấy trăm năm”.
Năm 1526, thầy giáo Lương Đắc Bằng qua đời. Bấy giờ, “tin ông mất truyền về kinh đô làm xao động triều thần... Học trò các nơi về chịu tang ông rất đông, riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm do thương tiếc thầy vô hạn đã dựng nhà tại làng Hội Triều chịu tang thầy ba năm mới về” (sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa, tập 1).
Cũng theo sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa, thầy giáo Lương Đắc Bằng “tài cao, đức trọng... xứng đáng là một vị thầy mẫu mực trong lịch sử giáo dục của dân tộc Việt Nam”.
Cũng trên quê hương Hoằng Hóa - đất học Hoằng Lộc, có một người thầy danh thơm lưu truyền, người đời thường gọi tên thầy giáo dạy học bên đường, ông là Nguyễn Sư Lộ. Nếu như Lương Đắc Bằng từ bỏ chốn quan trường lui về quê nhà dạy học thì thầy giáo Nguyễn Sư Lộ lại dạy học trước khi ra làm quan.
Ông sinh năm 1519, lớn lên vào thời tao loạn, triều đình nhà Lê rơi vào tay họ Mạc. Là người thông minh, tài trí, học rộng nhưng trước tình cảnh đất nước rối ren, Nguyễn Sư Lộ đã ẩn mình chốn quê nhà dạy học cho người làng.
Cách dạy học của ông khá đặc biệt. Tương truyền dân gian, cạnh đường cái gần nhà ông có một phiến đá, hằng ngày Nguyễn Sư Lộ vẫn thường ra chỗ phiến đá đọc sách. Người làng, trẻ con qua lại có điều gì chưa hiểu dừng lại hỏi thì đều được ông giảng giải tận tình, rành mạch với thái độ ân cần, chu đáo. Cũng chính vì thế mà người làng thường tôn kính gọi ông là Sư Lộ (tức người thầy bên đường).
Nguyễn Sư Lộ cũng chính là người trực tiếp dạy dỗ, kèm cặp cho con trai Nguyễn Thứ và con rể Bùi Khắc Nhất đỗ đạt, ghi danh bảng vàng. Trong đó, Bùi Khắc Nhất đỗ Đệ nhất giáp chế khoa Đệ nhị danh (Bảng nhãn) - về sau trở thành quan đại thần có công lớn trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.
Trải qua nhiều thế kỷ, ngày nay phiến đá mà thầy Nguyễn Sư Lộ ngồi dạy học bên đường năm xưa vẫn được người dân Hoằng Lộc lưu giữ - trở thành vật chứng - niềm tự hào của người dân vùng đất học. Hòn đá Sư Lộ hiện được lưu giữ trong khuôn viên di tích Bảng Môn Đình - một biểu tượng về tinh thần hiếu học của người dân Hoằng Lộc.
Kể tên những người thầy nổi tiếng của xứ Thanh, không thể không nhắc tới người dạy học cho các vị vua thời Lê Trung hưng: thầy giáo Nguyễn Văn Nghi.
Hòn đá Sư Lộ hiện được lưu giữ tại Bảng Môn Đình xã Hoằng Lộc như một sự nhắc nhớ về người thầy giáo dạy học bên đường năm xưa.
Ông sinh năm 1515 trong gia đình “danh gia thế phiệt” ở đất Cổ Bôn, nay thuộc xã Đông Thanh (Đông Sơn). Từ nhỏ đã nổi tiếng hay chữ, lại chăm chỉ đèn sách. Năm 1554, khoa thi dưới triều vua Lê Trung Tông ông thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ và được bổ giữ chức Hàn lâm viện hiệu lý. “Bấy giờ Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm phò tá vua Lê, thấy Văn Nghi “tính nết đoan chính, cẩn thận, có khuôn phép” thường cho gọi đến dinh của mình để giảng sách”.
Sau khi vua Lê Trung Tông qua đời, do không có con nối dõi nên Thái sư Trịnh Kiểm cho người đón Lê Duy Bang (cháu sáu đời của Lê Trừ - anh trai Lê Lợi) để lập lên ngôi vua, tức vua Lê Anh Tông. Dù đã nhiều tuổi nhưng trước đó, vua Lê Anh Tông vốn sống trong dân gian, không được học hành cẩn thận khiến Thái sư Trịnh Kiểm và các quan trong triều băn khoăn tìm thầy dạy vua. Bởi “vào hầu tòa Kinh Diên quả là khó. Ta cần người đoan chính, khuôn phép cẩn trọng, kiên tâm bền chí, không già không trẻ, đủ cả bốn điều ấy không phải hiệu lý Nguyễn Văn Nghi, còn ai nữa?... Văn Nghi nghĩ mình chưa có công trạng gì, đã được Thái sư tin mến, rất cảm kích, nguyện đem hết tâm lực báo đền ơn sâu” (sách Chúa Trịnh, tập 1).
Về sau, khi vua Lê Thế Tông lên ngôi, Nguyễn Văn Nghi lại được giao nhiệm vụ vào tòa Kinh Diên giảng sách, dạy học cho vua, giúp vua trau dồi kiến thức, trở thành một trong những vị vua sáng thời Trung hưng.
Làm quan trải qua ba triều vua, có công dạy học hai vua, Nguyễn Văn Nghi được sử sách nhắc nhớ với vai trò là người thầy mẫu mực có tài và tâm trong lịch sử. Đánh giá về công lao của ông, nhà bác học Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, viết: “Ông là bậc danh nho, đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung hưng”.
Bên cạnh các thầy giáo Lương Đắc Bằng, Nguyễn Sư Lộ, Nguyễn Văn Nghi, còn có nhiều người thầy xứ Thanh được sử sách nhắc nhớ, như thầy Nhữ Bá Sĩ, Đỗ Xuân Cát... Mỗi người thầy là một tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, tài năng và tấm lòng... để hậu thế ngưỡng vọng, đề cao.
Bài và ảnh: Khánh Lộc