Những thủ khoa chia sẻ về 'bí kíp' để học tốt song ngành

Những thủ khoa chia sẻ về 'bí kíp' để học tốt song ngành
2 giờ trướcBài gốc
Căng não với “bài toán” cân bằng
Nguyễn Thị Thơm (học song ngành Tiếng Anh Thương mại - Kinh tế đối ngoại, thủ khoa toàn khóa, trường ĐH Ngoại thương năm 2023, với GPA cả 2 ngành trên 3,9/4) chia sẻ, thời gian đầu, Thơm khá "hoảng", vì ngày nào cũng học 3 ca, thậm chí có những ngày 4 ca nhưng khi đã quen dần với áp lực, dù có mệt nhưng việc học đỡ vất vả hơn với cô.
Nguyễn Thị Thơm là thủ khoa toàn khóa trường ĐH Ngoại thương năm 2023.
Thơm xác định, việc học phải là ưu tiên hàng đầu. Khi có lịch thi, Thơm cũng tạm gác công việc làm thêm để ưu tiên toàn thời gian cho học tập. Các môn nặng và khó như vấn đáp, cô cố gắng ôn sớm ít nhất một tuần để hệ thống lại kiến thức: "Mình cố gắng vừa đạt thành tích tốt trong học tập, vừa có tài chính ổn định nhờ làm thêm và học bổng".
Dù có đôi lúc không tránh khỏi áp lực và lo lắng khi nhìn lịch thi dày đặc tới 15 - 16 môn/kỳ và nhiều môn chuyên ngành "khó nhằn" nhưng Thơm khẳng định, học hai ngành đã tạo cho cô cơ hội bổ sung kiến thức chuyên ngành trọn vẹn hơn.
“Vouloir c’est pouvoir” (Muốn là được)
Vũ Trường Huy (học song ngành Ngữ văn Pháp - Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) từng được nhận học bổng học kỳ Hè trao đổi sinh viên tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) và ĐH Hoàng gia Thái Lan Mahidol - TF LEaRN 2023.
Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường, vừa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, Vũ Trường Huy thường phải lập kế hoạch học tập và đối mặt với lịch học dày đặc từ thứ Hai đến thứ Bảy.
Trường Huy hoàn thành tốt chương trình song ngành của mình. (Ảnh: NVCC)
Mặc dù có lúc nản chí, nhưng hành trình học song ngành cũng mang lại nhiều niềm vui và thành quả xứng đáng cho Trường Huy. “Hành trình song ngành của mình thú vị lắm, có buồn, có vui, có hào hứng, có thất vọng. Những cảm xúc đó thiệt sự đã góp phần tạo nên một bức tranh song ngành mà mình tự hào là độc nhất”, Trường Huy chia sẻ.
Câu ngạn ngữ “Vouloir c’est pouvoir” (Muốn là được) đã trở thành kim chỉ nam giúp Trường Huy vượt qua mọi thử thách trên con đường học song ngành. Anh bày tỏ: “Chắc chắn có đánh đổi rất nhiều thứ: sức khỏe, những mối quan hệ bạn bè trước đây, lối sống, thời gian dành cho gia đình, tình yêu… Nhưng dù thế nào, đó đều là những quyết định của mình và mình phải chịu trách nhiệm cho chúng”.
Hiện tại, Trường Huy đã hoàn thành tốt 2 chương trình đào tạo và đang tích cực chuẩn bị cho đợt thi tuyển công chức và học lên cao học.
Lo xa nhưng đừng lo lắng
Lê Thanh Hải (thủ khoa song ngành Kinh doanh quốc tế - chương trình Cử nhân tài năng và ngành Thương mại điện tử, trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM năm 2023) chia sẻ, khi học song ngành, anh không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa ở cả hai ngành mà chỉ tập trung hoàn thành tốt nhất từng chuyên ngành. “Trước đây, mình luôn có những hoài nghi về bản thân, đến bây giờ mình vẫn không nghĩ mình giỏi, nhưng mình luôn tin bản thân sẽ làm được”, Thanh Hải bộc bạch.
Thanh Hải đã nỗ lực hết sức cho mục tiêu học song ngành. (Ảnh: NVCC)
Việc lập kế hoạch, phân chia công việc và xác định ưu tiên là cách Thanh Hải kiểm soát mọi việc, dù không chính xác 100% nhưng cần cố gắng tối đa. Qua đó, anh có thể dành thời gian cho trau dồi ngoại ngữ.
“Trước mỗi học kỳ, mình đã từng lo lắng, hoang mang vì sợ những môn học trùng nhau thì làm sao phân phối được hợp lý. Nhưng mình nhận ra, cho dù có khó khăn nào phát sinh, sẽ luôn có phương pháp giải quyết”, Thanh Hải chia sẻ. Nam sinh tin rằng, khi có niềm tin vào bản thân, luôn kiên trì và có phương pháp đúng, mọi nỗ lực sẽ hóa “quả ngọt”.
Không bỏ cuộc ở những bước đầu tiên
Nguyễn Xuân An (học song ngành Báo chí - Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cho biết, khi mới vào học, anh bị sốc vì lịch học dày ở cả hai ngành nên chỉ có thể đăng ký 3 môn ở ngành Quan hệ quốc tế. “Mình cũng có dự định làm thêm để chi trả một phần học phí, nhưng thời gian hoàn toàn không cho phép. Thay vào đó, mình chọn học thật tốt để không rớt môn”, Xuân An nhớ lại.
An chia sẻ, thử thách lớn nhất khi học song ngành là sắp xếp lịch học và thời gian cá nhân. Sau ba học kỳ, Xuân An đã dần quen với nhịp học và đã tiết kiệm tối đa thời gian nhờ các mối quan hệ hỗ trợ nhau và nhóm làm việc ăn ý.
Sau bước khởi đầu khó khăn, Xuân An đã làm quen và bắt nhịp tốt với việc học song ngành. (Ảnh: NVCC)
“Khởi đầu rất dễ nản nhưng nếu bạn kiên trì thời gian đầu tiên, bạn sẽ dần tập được thói quen kỷ luật. Quan trọng là phải làm dứt điểm công việc, không để sự trì hoãn làm ảnh hưởng những việc tiếp theo”, An nói.
Gần 5 năm chuyên tuyển dụng sinh viên sắp ra trường, Lê Ngọc Ánh Thơ (chuyên viên tuyển dụng của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Win Smart Việt Nam) đánh giá cao sinh viên song ngành, bởi 3 yếu tố: Đa dạng kiến thức, chịu áp lực tốt và có kỹ năng quản lý thời gian. Tuy nhiên, dưới góc độ nhà tuyển dụng, chị vẫn lo ngại sinh viên học song ngành có thể không chuyên sâu ở cả hai lĩnh vực so với tập trung vào một ngành. “Khi đạt được 3 yếu tố, mình nghĩ sinh viên sẽ là một nhân tố chủ chốt trong môi trường công việc hiện đại”, chị Ánh Thơ nói.
Sinh viên các trường thành viên của ĐHQG TP. HCM có thể học hai ngành một lúc trong cùng một trường. Riêng tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), sinh viên thuộc các trường trong hệ thống ĐHQG TP. HCM sẽ được học thêm một trong 5 ngành tại đại học này, gồm: Báo chí, Quan hệ quốc tế, Tâm lý học, Ngôn ngữ Anh và Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành.
ĐH Kinh tế TP. HCM cũng đưa ra chương trình đào tạo thứ 2 dành cho sinh viên đại học chính quy, với 3 hình thức chính: Song chuyên ngành, song ngành và song ngành tích hợp.
Một số trường cho phép sinh viên học thêm ngành khác tại trường: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH FPT, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM…
Ny Hà
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/nhung-thu-khoa-chia-se-ve-bi-kip-de-hoc-tot-song-nganh-post1680310.tpo