Nỗ lực phút chót của Tổng thống Biden để hỗ trợ Ukraine trước khi rời Nhà Trắng

Nỗ lực phút chót của Tổng thống Biden để hỗ trợ Ukraine trước khi rời Nhà Trắng
một giờ trướcBài gốc
Nỗ lực phút chót của Tổng thống Biden
Tổng thống Biden cảm thấy chính sách đối ngoại của Mỹ với Ukraine sẽ bị đe dọa nếu ông Trump giành chiến thắng. Nhà lãnh đạo Mỹ - người luôn ủng hộ Ukraine đã ký cam kết an ninh 10 năm nhằm cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev vào tháng 6. Tuy nhiên, khi còn vài tuần nữa là hết nhiệm kỳ và đối mặt với khả năng ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, câu hỏi lớn đặt ra là ai sẽ đứng về phía Ukraine sau ngày 20/1 năm sau. Tổng thống Biden hiện đang cố gắng sắp xếp một quân bài chính trị có lợi cho Ukraine trước khi ông rời đi.
Ông Trump là một nhà lãnh đạo khó đoán về chính sách đối ngoại và rất khó để nói chính xác ông sẽ làm gì với Ukraine nếu đắc cử vào tháng tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, những dấu hiệu này không tốt cho Ukraine. Ông Trump từng được coi là muốn xoa dịu Tổng thống Putin và từng công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đã có những hoài nghi được đặt ra về việc liệu ông Trump có gặp ông Zelensky hay không trong chuyến thăm gần đây của nhà lãnh đạo Ukraine tới Mỹ, song rõ ràng là mọi chuyện không diễn ra quá tệ.
Các quan chức Mỹ và châu Âu đã bày tỏ lo ngại rằng ông Trump sẽ ngừng tài trợ cho Ukraine và thậm chí buộc ông Zelensky phải chấp nhận lệnh ngừng bắn cũng như từ bỏ lãnh thổ cho Nga. Do đó, ông Biden nhận thấy cần có một chính sách "miễn nhiễm" trước những động thái khó lường của ông Trump trong cuộc xung đột này.
Ủng hộ viện trợ của Mỹ cho Ukraine cũng thúc đẩy các mục tiêu của Tổng thống Biden ngay cả khi Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Cam kết chấm dứt xung đột, ông Biden muốn để lại cho bà Harris một nền tảng chính sách vững chắc nhằm xây dựng một giải pháp. Sau một chiến dịch tranh cử phân cực như vậy, bà Harris sẽ là nhân vật gây tranh cãi và là mục tiêu thu hút sự giận dữ của đảng Cộng hòa nếu bà đắc cử. Ông Biden muốn bà Harris ở vị trí tốt nhất có thể để chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Tổng thống Biden cũng muốn để lại một di sản. Ông đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để cố gắng trở thành tổng thống và từng hy vọng có nhiệm kỳ thứ hai. Ông quan tâm đến những gì khiến ông có thể khẳng định thành quả đã đạt được khi tại nhiệm. Tiến triển vào phút chót về Ukraine sẽ là một chiến thắng cuối cùng đáng nhớ.
Ông Biden có thể làm gì?
Ông Biden hiện đã áp dụng cách tiếp cận 2 hướng với Ukraine. Đầu tiên, ông muốn đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ và công khai rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng Ukraine. Nền tảng của điều này là cuộc họp cấp cao tại Nhà Trắng tuần trước giữa ông Biden, bà Harris và ông Zelensky. Tổng thống Mỹ đang cố gắng chứng minh rằng Ukraine vẫn là "ưu tiên hàng đầu" với Washington và muốn tạo ra kỳ vọng về sự ủng hộ của Mỹ trong tương lai, tốt nhất là theo cách mà ông Trump không thể phớt lờ.
Thứ hai, Tổng thống Biden công khai lập trường hỗ trợ Ukraine. Gần đây, ông Biden đã công bố "một đợt tăng viện trợ an ninh" cho Ukraine dưới hình thức một gói hỗ trợ trị giá 8 tỷ USD. Khoản tài trợ này sẽ cung cấp các vũ khí mới để tăng cường khả năng tấn công tầm xa của Ukraine, đồng thời cho thấy Tổng thống Biden đang chấp thuận nhiều chiến thuật tấn công Nga hơn chứ không chỉ đơn thuần phòng thủ tầm ngắn, mặc dù hiện Washington chưa cho phép Kiev dùng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Gói viện trợ cũng bao gồm Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine từ các công ty bên ngoài mà không cần lấy chúng từ kho dự trữ của Mỹ.
Là một phần của đợt tăng cường, ông Biden đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng hết toàn bộ ngân sách hỗ trợ an ninh đã phân bổ cho Ukraine vào cuối nhiệm kỳ tổng thống. Ông Biden đang đảm bảo rằng số tiền này thực sự được chuyển đến Ukraine phòng trường hợp bất kỳ người kế nhiệm nào cố gắng thay đổi hoặc chuyển hướng nguồn phân bổ này.
Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, ông Biden vẫn còn thời gian tại nhiệm trước khi tổng thống mới nhậm chức vào tháng 1/2025. Trong khoảng thời gian này, đôi khi các tổng thống có thể thúc đẩy các quyết định chính sách quan trọng vào vài tuần cuối cùng nắm quyền. Tuy nhiên, ông Biden chỉ có ảnh hưởng hạn chế, đặc biệt trong khi chiến dịch tranh cử vẫn đang diễn ra. Ông muốn công khai vấn đề Ukraine như một khía cạnh quan trọng trong chiến lược của mình nhưng ông sẽ có nguy cơ bị chỉ trích nếu làm bất kỳ điều gì chuyển hướng sự chú ý khỏi bà Harris.
Cuộc gặp gần đây của ông Biden và bà Harris với ông Zelensky được cho là sẽ phác thảo một "kế hoạch chiến thắng" để đưa ra giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Nhưng hiện chưa rõ nỗ lực này, thúc đẩy ông Putin bước vào một thỏa thuận mà Ukraine coi là công bằng, sẽ thay đổi tình hình như thế nào hoặc cụ thể hơn là Tổng thống Biden có thể làm gì trong thời gian ngắn ngủi còn lại. Ông Biden có thể xây dựng các chính sách để duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine nhưng sẽ không thể đưa ra bất kỳ giải pháp triệt để nào cho cuộc khủng hoảng này.
Một giải pháp triệt để là điều cần thiết ở Ukraine. Thực tế là những nỗ lực về chính sách đối ngoại của ông Biden luôn được Ukraine hoan nghênh nhưng chúng chưa bao giờ đủ để đưa ra một giải pháp.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: The Conversation
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/no-luc-phut-chot-cua-tong-thong-biden-de-ho-tro-ukraine-truoc-khi-roi-nha-trang-post1126311.vov