Nội bộ phương Tây chia rẽ thế nào trong chuyện gỡ rào vũ khí cho Ukraine?

Nội bộ phương Tây chia rẽ thế nào trong chuyện gỡ rào vũ khí cho Ukraine?
4 giờ trướcBài gốc
Tại thủ đô Washington đang diễn ra tranh cãi nóng về dỡ bỏ hạn chế đối với cách thức Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để đánh vào bên trong lãnh thổ Nga.
Ukraine khát khao được tập kích tầm xa, Mỹ lại thận trọng cao độ
Việc Mỹ tiếp tục từ chối nới lỏng hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để đánh sâu vào lãnh thổ Nga đã tạo hố sâu ngăn sách giữa Mỹ và Ukraine. Kiev bực bội về hiệu quả kém trong cản bước tiến của quân Nga, còn Washington lại lo ngại khả năng Moscow đáp trả họ một cách mãnh liệt.
Tên lửa tầm xa ATACMS (do Mỹ sản xuất) rời bệ phóng. Ảnh: Lockheed Martin.
Dự kiến trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Biden tại Washington trong tuần này, Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ một lần nữa đề nghị dược sử dụng Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp cùng những loại đạn tầm xa khác để tấn công các sân bay chiến lược của Nga nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Mỹ không hài lòng với Ukraine vì cho rằng Kiev không hiểu cách tiếp cận thận trọng của Washington trong khi Washington cung cấp cho Kiev nhiều viện trợ quân sự hơn bất cứ đối tác nào khác.
Washington muốn kiểm soát tình trạng leo thang căng thẳng với Moscow. Ứng viên tổng thống Mỹ Trump và con trai của ông đã viết một bình luận cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân nếu Mỹ trao cho Ukraine quyền sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để đánh sâu vào lãnh thổ Nga.
Ukraine tỏ ra sốt ruột trước tình hình trên. Roman Kostenko - thư ký Ủy ban quốc phòng và tình báo của Quốc hội Ukraine cho rằng “Nga có nhiều đồng minh chất lượng hơn so với Ukraine”. Theo Ukraine, Nga đang nhận được nguồn cung vũ khí đạn dược ổn định của cả Iran và Triều Tiên.
Nga đang sử dụng bom lượn (loại bom trọng trường được gắn thêm bộ dẫn đường) để tàn phá phòng tuyến Ukraine một cách hiệu quả, trong khi Ukraine gần như không có cách chống đỡ.
Năng lực phòng không hạn chế khiến Ukraine gần như bó tay trước các vụ tấn công bằng bom lượn. Do vậy, giới chức Ukraine muốn tấn công thẳng những máy bay Nga mang bom lượn ngay khi chúng đang ở trên sân bay trong lãnh thổ Nga. Nhưng để tấn công được mục tiêu đó, Ukraine cần được phép sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa. Ukraine hiện cũng muốn bắn phá cơ sở hạ tầng kinh tế Nga, đặc biệt là hạ tầng ngành năng lượng để làm suy giảm sức mạnh bộ máy chiến tranh của Nga.
Nhưng giới chức Mỹ lập luận rằng số lượng tên lửa ATACMS của họ ở mức hạn chế, có thể bị cạn kiệt nhanh nếu Ukraine sử dụng. Hơn nữa, theo họ, tên lửa này cũng khó lòng xoay chuyển cục diện chiến trường.
Giới chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho biết, họ chưa thấy lập luận thuyết phục nào từ phía giới lãnh đạo Ukraine chứng minh được dùng tên lửa tầm xa đánh sâu vào lãnh thổ Nga sẽ tạo ra đột biến trong hành trình của Ukraine tới chiến thắng. Theo họ, dùng tên lửa ATACMS để tập kích Crimea (bán đảo mà Mỹ và Ukraine vẫn coi là thuộc chủ quyền Ukraine) còn hữu ích hơn vì điều này đã buộc Nga phải rút bớt lực lượng khỏi bán đảo này.
Chưa kể, một quan chức Mỹ còn phân tích rằng Nga đã đưa 90% máy bay ném bom lượn ra khỏi tầm bắn của ATACMS, và do vậy nếu Mỹ thay đổi cách tiếp cận vào lúc này thì cũng khó lòng định hình lại cục diện chiến sự.
Giới chức Mỹ cũng nói rằng Ukraine nên nêu vấn đề riêng với họ, thay vì nêu công khai trên các diễn đàn. Phía Ukraine đáp rằng do kênh riêng tư thất bại nên họ phải tạo áp lực công khai như vậy. Tuy nhiên, khi công khai các kiến nghị, Ukraine lại làm lộ các ý đồ của mình với Nga, giúp Nga có những điều chỉnh kịp thời.
Quan điểm “thoáng hơn” tại châu Âu và tranh cãi trong nội bộ Mỹ
Trong lúc Mỹ thận trọng thì giới chức quân sự và các nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh rằng họ phủ nhận việc tập kích tầm xa vào Nga thu được ít tác dụng. Từ đó, họ chỉ trích chính sách từ chối gỡ rào hạn chế vũ khí phương Tây tại Ukraine.
Một quan chức quân sự châu Âu nói rằng việc từ chối như vậy là vô nghĩa cả ở cấp độ kỹ thuật lẫn chiến lược. Theo ông này, nếu Mỹ bật đèn xanh cho Ukraine tập kích tầm xa vào lãnh thổ Nga, điều đó có thể chưa đủ để Ukraine giành chiến thắng ngay nhưng sẽ giúp nước này phá rối hậu cần Nga, tấn công trung tâm chỉ huy và kho vũ khí của đối phương.
Một số nước đối tác của Mỹ tại châu Âu đã công khai nói rằng họ ủng hộ trao quyền tấn công xuyên biên giới cho Ukraine.
Do sự chần chừ từ phía Mỹ, Ngoại trưởng Anh David Lammy hạ thấp kỳ vọng về khả năng các đồng minh Ukraine đưa ra được một quyết định nhanh chóng nhằm cho phép Ukraine phóng tên lửa tầm xa vào sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Tư tưởng thận trọng đang thắng thế tại Mỹ nhưng như thế không có nghĩa là không có những luồng tư tưởng trái ngược. Nội bộ Mỹ vẫn có sự chia rẽ không nhỏ trong vấn đề này. Sự khác biệt đó xuất hiện giữa khối hành pháp và khối lập pháp của Mỹ, cũng như trong bản thân chính quyền Tổng thống Biden, giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nhấn mạnh ông phản đối nới lỏng quy định về việc sử dụng ATACMS tại Ukraine. Thế nhưng Ngoại trưởng Mỹ Blinken khi thăm Kiev gần đây lại nói rằng ông cởi mở với các kiến nghị của Ukraine, và sẽ đưa những ý kiến đó ra thảo luận rộng rãi tại Washington. Thảo luận này vẫn diễn ra. Bên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã phải nỗ lực quản lý khác biệt giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước này.
Về phần mình, người Ukraine lạc quan rằng dù Mỹ hay từ chối yêu cầu của họ về vũ khí (chẳng hạn như xe tăng hiện đại, chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa) nhưng cuối cùng Mỹ vẫn nhượng bộ. Tuy nhiên, trong lúc Ukraine và Mỹ chưa đạt được sự thống nhất, người Nga lại có được thời gian quý báu để chuẩn bị phương án đối phó trước khi những thứ vũ khí của phương Tây đó có mặt trên chiến trường và khai hỏa.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Washington Post
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/ho-so/noi-bo-phuong-tay-chia-re-the-nao-trong-chuyen-go-rao-vu-khi-cho-ukraine-post1123980.vov