Nỗi niềm nghề thủ công tre

Nỗi niềm nghề thủ công tre
5 giờ trướcBài gốc
Dẫu hiệu quả kinh tế không cao nhưng những người thợ 2 phường Hòa Xuân, Điện Bàn Bắc vẫn miệt mài gắn bó với nghề.
Vào một ngày giữa hạ 2025, có dịp đến xóm bên bờ sông Bàu Nít, đi dọc con đường bê-tông vừa được nhựa hóa, bên tay phải là thôn Tân Hạnh, xã Hòa Phước cũ (nay là phường Hòa Xuân), phía tay trái là thôn Hà Tây 1, xã Điện Hòa cũ (nay là phường Điện Bàn Bắc), TP Đà Nẵng, chúng tôi lại có dịp nghe những âm thanh quen thuộc của tiếng chẻ, vót tre vang lên.
Theo ông Bùi Tiến (1938), trú thôn Tân Hạnh, trước đây do nơi đây là vùng đất đồi, ít ruộng canh tác nên người dân địa phương tận dụng cây tre mọc nhiều ở ven sông để làm nhà, đóng vật dụng gia đình, như: giường, bàn ghế, thang, đan lát. Nhờ có nhiều người khéo tay nên “tiếng lành đồn xa”, những người sống các khu vực xung quanh đến nhờ dựng nhà… Thế rồi, chẳng biết từ bao giờ nghề “thợ tre” ra đời và công việc đóng giường, bàn ghế…bằng tre trở thành nghề để người dân Tân Hạnh và Hà Tây 1 kiếm sống, mưu sinh. Hiện tại, ở 2 thôn có khoảng 20 người, có độ tuổi từ 40 trở lên, trong đó có cả phụ nữ. Anh Lê Trung Thiện (1980), trú thôn Hà Tây 2 cho hay, gia đình anh có cha mẹ, con cùng làm nghề đóng giường, bàn ghế, thang tre. Những năm 90 của thế kỷ trước, nhu cầu người dân sử dụng các loại bằng tre nhiều nên thu nhập của nghề thợ tre khá cao. Hiện tại, khi không gian sống bị thu hẹp, người tiêu dùng lựa chọn các phương tiện sống hiện đại, như nệm cao su, ghế sô-pha…, những sản phẩm bằng tre không còn “đất” sống nữa. Tiếp lời con, bà Nguyễn Thị H.(1954-mẹ anh Thiện), trầm ngâm chia sẻ thêm, do nhà có ít ruộng, những lúc nông nhàn bà thường giúp chồng chẻ tre, vót tre, đóng giường… kiếm thêm thu nhập gia đình. Theo thời gian, dù vất vả song công việc này đã trở thành nguồn thu nhập chính nên tất cả thành viên trong gia đình cùng tham gia.
Tìm hiểu thêm thì được biết, với xu hướng của thị trường có nhiều thay đổi, đại bộ phận người dân chuộng sử dụng những sản phẩm đa chức năng, bền, có mẫu mã, màu sắc đẹp nên những mặt hàng thủ công như giường, bàn ghế tre không còn được ưa chuộng. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho các dịch vụ tang lễ, phụ nữ sinh con nhỏ hoặc người già nên rất khó tiêu thụ. Một người thợ giỏi, lao động cật lực trong 10 tiếng đồng hồ chỉ đóng được 2 chiếc giường có quy cách1,2mx1,8m. Với giá bán cho các đại lý là 300 ngàn đồng/1 cái, sau khi khấu trừ giá vật tư, người lao động kiếm được 400 ngàn đồng/1 ngày, nhưng đầu ra lại ít (họa hoằn lắm mới có đơn đặt hàng của chủ các quán cà-phê với số lượng lớn- P.V) nên thu nhập hàng tháng cũng chẳng cao là bao. Hơn nữa, đây là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và cũng không kém phần nặng nhọc nên không mấy người trẻ còn lưu luyến với nghề của cha ông để lại…
Do không mang lại hiệu quả kinh tế và mang tính nhỏ lẻ nên những người làm nghề thợ tre tại 2 phường Hòa Xuân, Điện Bàn Bắc vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Dẫu vậy, ông Bùi Xuân Giáo (1965), trú Tân Hạnh, chia sẻ, đây là nghề mưu sinh đã giúp gia đình ông sinh sống, nuôi dạy 4 con nên người, nên dẫu khổ cực đến đâu, ông và mọi người vẫn tiếp tục gắn bó…
Nếu đánh giá về hiệu quả thì nghề đóng vật dụng bằng tre có thu nhập thấp so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những người làm công tác bảo tồn thì đây là một nghề truyền thống. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sử dụng của một ít người, nghề thủ công này đã giúp quảng bá hình ảnh cây tre Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Vì vậy, cần lắm sự chung tay của toàn xã hội để nghề đóng bàn ghế, thủ công bằng tre nơi đây khỏi bị mai một theo thời gian…
M.T
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/noi-niem-nghe-thu-cong-tre-post315699.html