Nông dân Trực Ninh sản xuất, kinh doanh giỏi

Nông dân Trực Ninh sản xuất, kinh doanh giỏi
3 giờ trướcBài gốc
Với việc đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Trực Ninh đã góp phần nâng cao đời sống nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Anh Đinh Văn Ngôn, hội viên nông dân xã Trực Cường phát triển mô hình nuôi chim bồ câu.
Năng động, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào thực tiễn sản xuất, anh Vũ Đình Kiên, hội viên nông dân xã Trực Nội sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã quyết định tập trung đầu tư vào nông nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thời gian đầu do đồng ruộng nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất không thuận lợi, thu nhập thấp, anh Kiên đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất và đi nhiều nơi để học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu, tham quan những mô hình, cách làm hay để áp dụng vào mô hình của gia đình. Năm 2017, anh thành lập hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất lúa gạo, trồng và sơ chế dược liệu hoa hòe, nhận làm các dịch vụ nông nghiệp như gieo sạ, cấy lúa bằng máy, phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, sấy thóc… Đến nay, HTX đã phát triển diện tích sản xuất trực tiếp 10ha, diện tích liên kết 40ha, sản lượng thu mua lúa tươi từ 250 đến 400 tấn/vụ. Hàng năm, anh cung ứng cho thị trường 400 tấn gạo các loại, chủ lực là gạo Bắc thơm, doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 7-10 công nhân với thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Đó chỉ là một trong số rất nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Trực Ninh.
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa rộng, tạo động lực khích lệ cán bộ, hội viên nông dân huyện Trực Ninh hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Toàn huyện có 23 cánh đồng lớn tại 17 xã, thị trấn với diện tích 855,4ha; 19/21 xã, thị trấn có tổ chức thực hiện liên kết sản xuất lúa với Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh, HTX thảo dược Hoàng Thành Nam Định, Công ty TNHH Toản Xuân, với quy mô diện tích 864ha. Hàng năm, số hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng. Năm 2024, qua tổ chức phát động, toàn huyện có 25.825 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đi đầu trong tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi, với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2024, HND huyện đã đề nghị UBND tỉnh khen thưởng cho 5 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu; đề nghị HND tỉnh tặng Bằng khen cho ông Trần Văn Dũng, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi xã Trực Tuấn về điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; bình xét đề cử nông dân tiêu biểu, hướng dẫn hội viên Vũ Đình Kiên, xã Trực Nội và Vũ Đức Thuận, thị trấn Cổ Lễ hoàn thành hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Để khuyến khích hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ về nguồn vốn, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân; chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. HND huyện tiếp tục duy trì quản lý và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, đến nay tổng số vốn toàn huyện là 1 tỷ 785 triệu đồng; đồng thời duy trì, quản lý các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, tỉnh tại 4 đơn vị khoảng 1,75 tỷ đồng. Với nguồn quỹ các cấp đã tạo điều kiện cho gần 100 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Các cấp Hội còn thực hiện tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận ủy thác, tín chấp cho nông dân vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.368,8 tỷ đồng cho 4.090 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 190,4 tỷ đồng cho 4.997 hộ vay. Các cấp Hội trong toàn huyện còn phối hợp mở các lớp dạy nghề; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các công ty tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho 6.484 nghìn lượt hội viên; tín chấp với các công ty, doanh nghiệp mua 400 tấn phân bón các loại; tổ chức 1 lớp dạy nghề uốn tỉa cây cảnh cho 35 học viên tại thị trấn Cổ Lễ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Hội và HND tỉnh về tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, các cấp HND trong huyện cũng đã hướng dẫn hội viên thành lập các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, góp phần thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Trong năm 2024, HND huyện chỉ đạo HND xã Trực Tuấn thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi thủy sản; HND thị trấn Cổ Lễ thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt; hướng dẫn HND xã Việt Hùng thành lập tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt.
Đến nay, HND các cấp trong huyện trực tiếp vận động và hướng dẫn thành lập 23 HTX, tổ hợp tác với 251 thành viên tham gia. Thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình mới có hiệu quả, tiêu biểu như: Tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp xã Trực Mỹ, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Trực Cường… Ngoài ra, HND huyện chỉ đạo HND cơ sở khảo sát và là cầu nối để đưa các sản phẩm nông sản của hội viên nông dân tới các cửa hàng hoa quả, rau sạch trên địa bàn huyện nhằm quảng bá, nâng tầm giá trị nông sản của địa phương và từng bước xây dựng các thương hiệu, đặc sản địa phương, các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo kế hoạch của UBND huyện, đến nay toàn huyện có 41 sản phẩm OCOP được tỉnh xếp hạng 3 sao. Tiếp tục phối hợp Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa; đồng thời tăng cường tuyên truyền tới các hộ sản xuất nông nghiệp về các kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và đã có 60 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Trực Ninh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phát huy nội lực, tính cần cù, sáng tạo của nông dân trong lao động sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chú trọng biểu dương các hộ làm kinh tế giỏi để động viên, khích lệ tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên nông dân.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/nong-dan-truc-ninh-san-xuat-kinh-doanh-gioi-0166a49/