Nông sản - thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang EU trước báo động đỏ

Nông sản - thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang EU trước báo động đỏ
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 24-2 tại Hà Nội, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của thị trường EU đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Số lượng cảnh báo tăng gấp đôi
Xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU đang trên đà tăng trưởng, nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn các mặt hàng tiêu dùng xanh. Những mặt hàng như cà phê, hạt điều, tiêu, trái cây nhiệt đới, thủy sản… luôn có chỗ đứng tại thị trường hơn 450 triệu dân này. Lợi thế của Việt Nam không chỉ đến từ nguồn cung dồi dào mà còn từ những loại nông sản đặc thù mà châu Âu không có, như thanh long, xoài, chanh leo, vải, nhãn.
Thế nhưng, thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, Việt Nam đã nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Một trong nguyên nhân là doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ các quy định mới.
EU không giới hạn khối lượng hàng vi phạm, nên ngay cả hàng hóa số lượng nhỏ hay hàng xách tay cũng có thể bị kiểm tra. Nếu sản phẩm không đạt chuẩn thì EU sẽ cảnh báo ngay lập tức và có thể cấm nhập khẩu với những nhóm hàng vi phạm nghiêm trọng.
Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức từ nhóm “thực phẩm mới”. Nếu năm 2023 chưa có cảnh báo nào, thì năm 2024 có 1 cảnh báo và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, đã tăng lên 4 cảnh báo, chiếm 50% tổng số cảnh báo của EU đối với thực phẩm mới trên toàn thế giới.
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết, cảnh báo về dư lượng hóa chất đang có xu hướng gia tăng. Trong năm 2024, số cảnh báo về dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc thú y chiếm 53,5%; dư lượng kháng sinh trong thủy sản chiếm 50%; còn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên sản phẩm có nguồn gốc thực vật lên đến 68,4%.
Ông Ngô Xuân Nam cảnh báo các nguy cơ với nông lâm thủy sản Việt Nam, sáng 24-2
Theo địa phương, TPHCM là nơi có số lượng cảnh báo cao nhất (42 cảnh báo); tiếp theo là Hà Nội (10 cảnh báo), Tiền Giang (9 cảnh báo), Khánh Hòa (7 cảnh báo). Các địa phương này lại chưa gửi phản hồi về kế hoạch triển khai Đề án SPS theo quyết định của Thủ tướng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, mặc dù số cảnh báo từ EU tăng gần 300% trong 4 năm qua, nhưng giá trị xuất khẩu vào thị trường này chỉ tăng chưa đến 50%. Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam cho rằng, quan điểm “xuất khẩu nhiều thì cảnh báo nhiều” không hoàn toàn đúng. Thực tế, doanh nghiệp lớn, đặc biệt là khối FDI, có bộ phận kỹ thuật chuyên trách nên tiếp cận nhanh với các tiêu chuẩn mới, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ mắc lỗi do thiếu thông tin hoặc chưa cập nhật kịp thời các quy định của EU.
Tăng cường tuân thủ, chủ động thích ứng
Trước nguy cơ đáng báo động này, mới đây, ngày 20-2, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấn chỉnh tình trạng thực phẩm xuất khẩu bị EU cảnh báo.
Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu, cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói để đảm bảo tuân thủ các quy định SPS, tránh ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hòa phát biểu
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - chế biến và phát triển thị trường, việc cập nhật và phổ biến các quy định mới của EU là nhiệm vụ trọng tâm sắp tới. Văn phòng SPS cũng đang xây dựng cổng thông tin quốc gia về SPS để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương nhanh chóng tiếp cận các quy định mới và giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu vào EU.
Sơ chế xuất khẩu điều sang EU tại một cơ sở ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại EU cũng cảnh báo, mặc dù EU vừa tạm hoãn Kế hoạch Quy định sử dụng bền vững thuốc trừ sâu (SUR), nhưng không có nghĩa là các tiêu chuẩn về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật sẽ được nới lỏng. EU sẽ siết chặt hơn việc kiểm tra dư lượng hóa chất và yêu cầu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm.
Với xu hướng siết chặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ông Nam khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động thích ứng bằng cách cập nhật thường xuyên các quy định của EU, đầu tư vào hệ thống kiểm soát chất lượng và xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nông sản Việt Nam có nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh.
PHÚC VĂN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/nong-san-thuc-pham-viet-nam-xuat-khau-sang-eu-truoc-bao-dong-do-post783219.html