Nuôi chó một cách văn minh

Nuôi chó một cách văn minh
2 giờ trướcBài gốc
Chó là vật nuôi trung thành, gắn bó mật thiết với con người, là thú cưng của nhiều nhà, nhiều người. Nuôi chó giữ nhà, nuôi chó đi săn, nuôi chó làm bạn không xa lạ gì với người Việt xưa và nay. Một số thanh niên hiện nay thậm chí còn có xu hướng “người yêu không có, nhưng chó phải có một con”. Trên thế giới, theo nghĩa nào đó, một số quốc gia còn xếp thứ tự ưu tiên con chó trước người đàn ông. Loài chó trung thành, tình cảm với chủ, nuôi và cưng chó là điều dễ hiểu, việc nuôi chó nhẽ ra là việc cá nhân, không có gì phải bàn, nếu như không có phát sinh những xung đột khi sự thay đổi không đồng bộ từ suy nghĩ, thói quen, quan niệm, hiểu biết đến không gian sống (của cả người và chó).
Những người nuôi chó ngày càng nhiều. Bên cạnh giống chó thuần truyền thống, nay xuất hiện nhiều giống chó nhập ngoại khác, như Becgiê, Alaska, Husky, Pitbull... với hình thức, đặc điểm, tập tính khác nhau. Người nuôi chó có lẽ phần lớn không được trang bị các kiến thức căn bản về đặc điểm, tập tính của chó, những điều kiện của việc nuôi chó, những quy định của pháp luật liên quan đến nuôi và chăm sóc chó. Việc nuôi, chăm sóc chó cũng có nhiều khác biệt giữa đô thị với nông thôn. Đối với nông thôn, khi không gian sân vườn rộng rãi, việc vệ sinh và nhốt, giữ chó không đặt nặng thành vấn đề, nhưng khi nuôi chó trong các nhà ở, căn hộ chật hẹp thì là vấn đề cần lưu tâm, vì không chỉ ảnh hưởng đến chủ vật nuôi mà cả hàng xóm, cộng đồng.
Gần đây, các sự việc chó cắn người (có vụ gây tử vong do thương tích quá nặng hoặc bị dại), chó thả rông gây tai nạn giao thông, chó đi vệ sinh nơi công cộng, chó rượt đuổi gây lo sợ cho trẻ em, nuôi chó trong không gian hẹp gây ô nhiễm, ồn ào làm ảnh hưởng hàng xóm trong đô thị... ngày càng nhiều. Thêm những bất cẩn khi đưa chó ra nơi công cộng không có xích và rọ mõm, chở chó trên xe máy để chó nhảy xuống đường, những hành vi phản cảm khi cho chó ngồi trên bàn, trên ghế chỉ dành cho người trong các quán xá, nơi công cộng. Những việc như vậy đã làm phát sinh xung đột xã hội, dẫn đến mất tình cảm hàng xóm, thậm chí đánh nhau, gây thương tích, làm chết người xuất phát từ lý do, nguyên nhân... chỉ vì con chó.
Nhưng xét cho đến cùng, các xung đột và hậu quả xảy ra là do chó hay do người? Chó thì dù khôn đến đâu, dù được chủ chó cưng đến mức nào, cũng chỉ là “vật nuôi”. Người nuôi chó thường có tâm lý ỷ lại “chó mình nuôi hiền lắm, ngoan lắm, không sao đâu”, cho đến khi chó gây ra hậu quả đáng tiếc. Dẫu là vô ý, nhưng các chủ nuôi chó vẫn phải chịu trách nhiệm. Nhiều chủ nuôi chó đã rất ân hận chỉ vì sở thích nuôi chó nhưng đã bất cẩn để lại hậu quả chó cắn chết hoặc làm bị thương người khác và cả người thân của mình. Thật đau xót khi hậu quả của chó cắn là chết người, hậu quả của việc các em nhỏ bị chó cắn, chó rượt là té ngã, thương tích, sang chấn tâm lý, hậu quả của chó thả rông là mất vệ sinh đường phố, nơi công cộng, gây nhiễm giun sán từ chó, là tai nạn giao thông đáng tiếc do cán phải chó.
Các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người nuôi chó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý thiết nghĩ cần được thực hiện nghiêm. Để việc nuôi chó an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu chủ vật nuôi chấm dứt vi phạm. Trường hợp người nuôi chó đã được nhắc nhở mà vẫn tiếp tục vi phạm thì mọi người có quyền thông báo cho UBND cấp xã sở tại để được giải quyết. Căn cứ mức độ vi phạm mà UBND sẽ xử lý từ cảnh cáo đến phạt tiền và buộc chủ vật nuôi phải có biện pháp khắc phục.
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế vì nhiều lý do khác nhau, việc ứng xử có thể rơi vào hai thái cực sai, hoặc là vị nể nên chấp nhận không ý kiến, hoặc là “tự xử” dẫn đến đánh nhau, gây thương tích... vì “bênh” chó.
Nuôi chó một cách văn minh - cần có giáo dục, tuyên truyền và xử lý các vi phạm.
Nguyễn Thanh
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/164290/nuoi-cho-mot-cach-van-minh