Chuồng dơi xây dựng đơn giản, tốn ít diện tích nhưng mỗi tháng cho gia đình anh Hải thu nhập từ 3-4 triệu đồng từ nguồn phân dơi
Giá thể để dơi trú ẩn là loại lá thốt nốt
Cách đây 2 năm, anh Hải đầu tư 120 triệu đồng xây dựng 2 chuồng dơi, mỗi chuồng rộng khoảng 25m2. Khu vực làm chuồng dơi anh chọn ngay trong vườn sầu riêng của gia đình. Bên trong bố trí lá thốt nốt, dơi nghe mùi lá tự bay về trú ngụ, sinh sản. Để thu hút dơi về, lá thốt nốt phải sạch, vệ sinh định kỳ và dùng được trong 3 năm nên chi phí không đáng kể.
Dơi là động vật hoang dã, thích sống tự do, rất nhạy cảm với hơi người lạ và những loài vật, côn trùng có khả năng gây hại, nếu “động” chúng sẽ bỏ đi. Vì vậy, người nuôi phải biết cách thu hút dơi về và bảo vệ chúng, không được bắt chúng trong chuồng nuôi. “Để thuận lợi cho dơi trú ngụ lâu dài, tránh bị gây hại, tôi đã làm 2 chuồng, mỗi chuồng cách nhau 30m. Nếu có thiên địch phá hoại ở chuồng này, dơi sẽ bay qua chuồng bên cạnh, hết thiên địch thì lại bay về. Làm như vậy sẽ không bị mất đàn, đảm bảo số lượng dơi và phân dơi” - anh Hải cho biết.
Anh Hải chọn nuôi dơi muỗi, trọng lượng mỗi con khoảng vài chục gram. Dơi hoạt động vào ban đêm, sáng tìm nơi yên tĩnh để ngủ. Dơi bắt đầu đi ăn vào khoảng 18 giờ, khi trời quang đãng. Nếu gặp trời mưa, dơi trú trong chuồng và bay đi ăn khi mưa tạnh. Trước khi đi ăn, dơi đầu đàn bay trước một vòng do thám, rồi từng tốp mới bay ra sau. Nếu khu vực cư ngụ ít mồi, thì dơi đi săn mồi rất xa, có khi hơn 10km và đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau mới trở về. Trong thời gian này, dơi bài tiết thức ăn của ngày hôm trước thành phân.
Cũng theo anh Hải, dơi là động vật hoang dã, thức ăn chủ yếu là muỗi và các loại côn trùng khác nên trong quá trình nuôi sẽ không tốn chi phí thức ăn. Bên cạnh đó, phân dơi có nhiều thành phần hóa học như ure, acid uric, vitamin A, kali,… nên hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thích hợp cho nhiều loại cây, không hại đất và giúp cây trồng đạt năng suất cao.
Hiện mỗi chuồng dơi nhà anh Hải thu bình quân 5kg phân khô/ngày, với giá bán 50 ngàn đồng/kg cho thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng. Không chỉ bán ra thị trường, anh Hải còn tận dụng phân dơi loại 2 bón cho cây trồng trong vườn nhà. “Hai chuồng dơi này giúp gia đình tôi đảm bảo phân chuồng chăm sóc 5 ha sầu riêng. Nuôi dơi không khó, nếu bà con nông dân có vườn rẫy cứ mạnh dạn làm chuồng nuôi dơi. Các ngành chức năng cũng nên khuyến khích nông dân phát triển, nhân rộng mô hình này nếu có điều kiện phù hợp” - anh Hải chia sẻ thêm.
Tham quan mô hình nuôi dơi của hộ anh Hải, ông Nguyễn Hoàng Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Riềng cho biết: “Mô hình nuôi dơi rất hiệu quả, vừa tận dụng được phân dơi bón cho vườn cây vừa dùng dơi để bắt côn trùng, thụ phấn cho sầu riêng. Tôi sẽ chia sẻ mô hình này đến hội viên cựu chiến binh trong xã học tập”.
Anh Nguyễn Hữu Hải chia sẻ kinh nghiệm nuôi dơi với cán bộ Hội Nông dân xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng
“Nuôi dơi lấy phân là mô hình mới tại địa phương, không tốn nhiều công sức, chi phí và diện tích đất. Nhưng để nhân rộng mô hình, người dân cần tìm hiểu kỹ tập tính, thói quen thì mới có thể thu hút được dơi về nhiều. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp chăm sóc đàn dơi hợp lý để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình” - bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Riềng khuyến cáo.
Hiền Lương