Ồ ạt vào Việt Nam, các hãng xe Trung Quốc sẽ đối mặt những gì?

Ồ ạt vào Việt Nam, các hãng xe Trung Quốc sẽ đối mặt những gì?
5 giờ trướcBài gốc
Haval H6. Ảnh: Phúc Hậu.
Thị trường Việt đang đón chào cơn sóng từ các tân binh mới trong nhiều phân khúc, mà đa phần đến từ các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc.
Tuy nhiên thực tế cho thấy Việt Nam không phải là một thị trường "dễ tính" để các hãng xe Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh bởi hàng loạt rào cản về thương hiệu và tâm lý người dùng.
Yếu tố thương hiệu
Thử thách lớn nhất của các hãng xe Trung Quốc khi gia nhập thị trường Việt đến chủ yếu từ tâm lý người dùng. Các sản phẩm giá trị cao được ưu tiên tại Việt Nam vẫn đang đến từ Mỹ, châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong khi "hàng Trung Quốc" thường bị mang mác rẻ tiền và không có chất lượng tốt.
Điều này đến từ những "bài học" trong quá khứ ở nhiều lĩnh vực, kể cả ôtô và xe máy. Ví dụ hơn 20 năm trước, những chiếc xe 2 bánh xuất xứ Trung Quốc đầu tiên gia nhập thị trường với thiết kế "nịnh mắt" và giá thành rẻ.
Tuy nhiên chỉ trong chưa đến 3 năm, các đại lý phân phối đều đột ngột biến mất "không kèn không trống", trong khi các sản phẩm dần xuống cấp và không có cơ sở sửa chữa bảo dưỡng hay cung cấp phụ tùng.
Loạt xe BYD. Ảnh: Phúc Hậu.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với ôtô Trung Quốc sau đó không lâu khi một số mẫu xe từ thương hiệu Lifan, BYD hay Changan, Haima xuất hiện ồ ạt rồi âm thầm biến mất vì doanh số kém, chất lượng không như kỳ vọng.
Hiện nay các hàng hóa xuất xứ Trung Quốc bao gồm ôtô đều đã tốt hơn, được trang bị nhiều công nghệ cũng như được nghiên cứu và phát triển một cách chỉn chu.
Tuy nhiên việc thiếu cam kết lâu dài ở quá khứ khiến khách hàng cần nhiều thời gian để tập quen với việc chọn mua sản phẩm giá trị cao như ôtô từ đất nước tỷ dân.
Lạ lẫm và không còn rẻ
So với quãng thời gian trước, xe Trung Quốc đã chỉn chu hơn, nhưng đồng thời cũng đắt hơn. Nhìn lại cách đây vài năm, các mẫu xe đến từ đất nước tỷ dân thường có giá thấp hơn mặt bằng chung của phân khúc hàng chục đế cả trăm triệu đồng.
Ví dụ như BAIC Beijing X7, mẫu SUV được định vị ở phân khúc cỡ C nhưng chỉ có giá dao động 608-758 triệu đồng. Thậm chí để thu hút thêm khách hàng, nhiều đại lý BAIC từng giảm giá chiếc X7 về dưới mức 600 triệu, tức rẻ hơn cả những chiếc xe hạng B.
Thế nhưng hiện nay mọi thứ đã khác, xe Trung Quốc được mang đến Việt Nam ở nhiều phân khúc giá hơn, bao gồm những mẫu ôtô hạng sang. Tháng 8 năm ngoái, Haval H6 được bán tại Việt Nam với giá đề xuất gần 1,1 tỷ đồng.
Haval H6. Ảnh: Phúc Hậu.
Thay vì lựa chọn thu hút người dùng bằng mức giá rẻ, H6 thổi một làn gió mới vào nhóm ôtô Trung Quốc với hàng loạt trang bị hiện đại và công nghệ an toàn. Tuy nhiên, mức giá cao vẫn là điểm khiến mẫu xe này chưa được lòng người dùng.
Gần đây, mẫu SUV này được giảm giá về mức 986 triệu đồng, vẫn là khá cao so với các đại diện chạy xăng cùng phân khúc như Mazda CX-5 (749-979 triệu), Ford Territory (799-929 triệu), Hyundai Tucson (769-919 triệu) hay Kia Sportage (779-999 triệu đồng).
Cuối năm ngoái, Lynk & Co, thương hiệu con của tập đoàn Geely cũng mang chiếc SUV mã số 09 về Việt Nam cạnh tranh ở nhóm SUV cỡ lớn. Tuy nhiên, đây chỉ được đánh giá như một sản phẩm chào sân bởi mức giá 2,199 tỷ đồng khó hấp dẫn người dùng.
MG7.
Gần nhất, MG7 được mở bán với mức giá từ 738 triệu đến 1,013 tỷ đồng. Xe được định vị ở nhóm sedan cỡ D, cạnh tranh cùng nhiều cái tên như Mazda6 (769-899 triệu), kia k5 (932-1,081 tỷ) hay vua của nhóm cỡ D, Toyota Camry (1,105-1,495 tỷ đồng).
Mặc dù không quá chênh lệch với các đối thủ, mức giá 1,013 tỷ đồng cho khối động cơ 2.0L tăng áp là chưa đủ hấp dẫn người dùng với một mẫu xe xuất xứ Trung Quốc.
Nhìn chung cuộc chiến chinh phục người tiêu dùng Việt chắc chắn sẽ không dễ dàng với các hãng xe Trung Quốc.
Ở thời điểm mà các thương hiệu châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều đang đua nhau giảm giá, những mẫu xe "lạ lẫm" với giá thành đắt đỏ từ thị trường tỷ dân sẽ cần nhiều thời gian hơn để có thể chứng minh sự thành bại.
Đan Thanh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/o-at-vao-viet-nam-cac-hang-xe-trung-quoc-se-doi-mat-nhung-gi-post1500274.html