Mở cửa phiên giao dịch sáng 7/4 trên thị trường New York (đêm 7/4 giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chìm trong sắc đỏ, phản ánh nỗi lo sợ của nhà đầu tư trước tác động của chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố tuần trước.
Chỉ số tầm rộng S&P 500 ngay đầu phiên đã mất 3,3%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng giảm khá mạnh, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,9%.
Đây là phiên thứ ba liên tiếp chứng khoán Mỹ chịu áp lực bán tháo mạnh mẽ, đưa tổng mức giảm của S&P 500 trong ba phiên qua lên tới 13% - mức tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nếu chốt phiên đầu tuần với mức giảm này, chỉ số S&P 500 sẽ chính thức rơi vào thị trường giá xuống (bear market), với mức giảm 20% so với đỉnh hồi tháng 2/2025. Chỉ số Nasdaq Composite thậm chí còn giảm tới 26% so với đỉnh gần nhất.
Trước đó, thị trường chứng khoán châu Âu hôm 7/4 cũng chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa. Chỉ số Stoxx 600, đại diện cho các công ty hàng đầu châu lục, giảm gần 3,7%. Các thị trường lớn như Đức (DAX), Pháp (CAC 40) và Anh (FTSE 100) đều chứng kiến mức giảm mạnh, phản ánh sự hoảng loạn của nhà đầu tư trước viễn cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu leo thang.
Thông báo của Trump về mức thuế 20% áp lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) tuần trước đã kích hoạt làn sóng bán tháo này, khi các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.
Thị trường tài chính thế giới chao đảo sau chính sách thuế đối ứng của ông Trump. Ảnh: CNBC
Trên thị trường tài chính Mỹ, các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm. Apple, Nvidia và Tesla - những gã khổng lồ có chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ lớn tại Trung Quốc - mất từ 5% đến 7% giá trị ngay đầu phiên.
Cuối tuần trước, nhóm này cũng là tâm điểm của đợt bán tháo khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, với mức thuế lên tới 34%. Ngoài công nghệ, các công ty xuất khẩu lớn như Boeing và Caterpillar, cũng không tránh khỏi áp lực giảm mạnh. Ngành trang phục thể thao cũng chịu tổn thất nặng nề, như Nike và Deckers Outdoor.
Thị trường chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần 7/4 cũng chao đảo, giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 trước cơn lốc thuế quan toàn cầu. Chỉ số Hang Seng giảm hơn 13%, Nikkei 225 của Nhật giảm gần 8%, chỉ số Kospi giảm 5,6%, CSI 300 giảm 7%, còn Shanghai Composite mất hơn 7,3%, Straits Times của Singapore giảm 7%...
Thị trường hàng hóa cũng phản ứng mạnh mẽ. Giá dầu tiếp tục giảm sâu do lo ngại nhu cầu toàn cầu suy yếu trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Dầu WTI chạm mức thấp nhất trong hơn ba năm, giảm thêm 1,2% vào đầu phiên giao dịch 7/4 trên thị trường New York xuống 61,2 USD/thùng. Giá vàng hồi phục nhẹ sau khi giảm sâu vào cuối tuần trước.
Thế giới trước bước ngoặt lịch sử
Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump, áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, là nguyên nhân chính đẩy thị trường tài chính toàn cầu vào tình trạng hỗn loạn.
Với mức thuế cơ bản 10% áp lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (có hiệu lực từ 5/4) và các mức thuế cao hơn dành cho những quốc gia áp thuế mạnh vào hàng Mỹ, ông Trump tuyên bố đây là “tuyên bố độc lập kinh tế” nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa và tạo nguồn thu khổng lồ để cắt giảm thuế thu nhập.
Tuy nhiên, động thái này đã gây ra phản ứng dây chuyền tiêu cực. Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 34%, EU chuẩn bị áp thuế lên hàng chục tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong khi Canada và Mexico cũng sẵn sàng trả đũa. Cuộc chiến thương mại toàn cầu đã chính thức leo thang, làm lung lay trật tự thương mại tồn tại hàng thập kỷ.
Tác động của chính sách này đối với kinh tế Mỹ là một dấu hỏi lớn. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự báo lạm phát Mỹ có thể vượt 4% trong năm 2025, trong khi tăng trưởng GDP có nguy cơ suy giảm trong quý IV, thậm chí rơi vào suy thoái nếu căng thẳng kéo dài. JPMorgan nâng xác suất suy thoái kinh tế Mỹ trong năm nay lên 60%, từ mức 40% trước đó, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, như Apple hay Nike, đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao và doanh thu sụt giảm tại các thị trường lớn như Trung Quốc và EU. Ngành ô tô cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, với giá xe nhập khẩu có thể tăng mạnh.
Triển vọng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn vẫn khá u ám. Chỉ số S&P 500 đang đối mặt với nguy cơ giảm thêm. Nasdaq Composite, với mức giảm 26% từ đỉnh, có thể tiếp tục chịu áp lực khi nhà đầu tư rút tiền khỏi cổ phiếu công nghệ để chuyển sang tài sản an toàn như trái phiếu và vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 4%, cho thấy dòng tiền đang đổ mạnh vào kênh trú ẩn.
Về phía Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khả năng cắt giảm lãi suất đang được cân nhắc mạnh mẽ. Chủ tịch Fed Jerome Powell từng cảnh báo rằng thuế quan có thể gây áp lực lên người tiêu dùng và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Dù Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp gần nhất, dữ liệu lạm phát yếu hơn dự báo gần đây và nguy cơ suy thoái ngày càng tăng có thể buộc Fed hành động.
Thị trường hiện đặt cược 62% khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 5/2025, nhưng nếu tình hình xấu đi, một đợt cắt giảm khẩn cấp không phải là không thể. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát tiềm ẩn từ thuế quan có thể làm gia tăng rủi ro đình lạm (stagflation).
Dù vậy, không phải tất cả đều bi quan. Một số nhà phân tích cho rằng nếu ông Trump đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác lớn như Trung Quốc hay EU, thị trường có thể phục hồi nhanh chóng. Trong dài hạn, chính sách thuế của ông Trump có thể thúc đẩy sản xuất nội địa Mỹ, nhưng trước mắt là bất an.
Mạnh Hà