Các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép tiềm ẩn rủi ro tạo môi trường cạnh tranh không công bằng giữa các sàn thương mại điện tử với nhau
Hoạt động rầm rộ khi chưa được cấp phép
Dù kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng đáng kể, nổi bật ở Đông Nam Á. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, trong năm 2023, thị trường này đã tăng trưởng trên 25%, đạt khoảng 25 tỷ USD, trong đó doanh thu từ bán lẻ hàng hóa trực tuyến chiếm 17,3 tỷ USD.
Trước tiềm năng này, nhiều sàn thương mại điện tử nước ngoài đã nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam. Các nền tảng như Temu, Shein, và 1688 đang nổi bật nhờ vào giá rẻ, miễn phí vận chuyển, và các chính sách khuyến mại hấp dẫn. Đặc biệt, Temu nhanh chóng thu hút người dùng Việt không chỉ bởi giá cạnh tranh mà còn nhờ chính sách thưởng khi người dùng giới thiệu nền tảng này đến người khác.
Dù hoạt động sôi nổi, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đăng ký theo quy định. Đến ngày 24/10, chỉ mới có Temu gửi văn bản cam kết tuân thủ các quy định thương mại điện tử Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá rằng việc các sàn chưa đăng ký hoạt động nhưng vẫn tiến hành kinh doanh đã gây bức xúc cho doanh nghiệp trong nước. Trong khi các sàn đã được cấp phép như Shopee, Lazada và Tiki phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn dữ liệu, thì các sàn như Temu và 1688... lại không bị kiểm soát, dẫn đến khả năng không đóng thuế và tạo ra cuộc cạnh tranh không công bằng.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, nếu tình trạng này không được kiểm soát, thị trường sẽ chịu ảnh hưởng xấu và các doanh nghiệp trong nước có thể mất khách hàng vào tay các sàn nước ngoài chưa đăng ký.
Việc các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài chưa xin phép nhưng vẫn hoạt động rầm rộ tại Việt Nam đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, đây là một cảnh báo lớn cho thị trường tiêu dùng. Nếu không có biện pháp quản lý, nguy cơ hàng hóa giá rẻ từ các nền tảng này sẽ làm suy yếu hàng sản xuất trong nước, gây khó khăn cho các cửa hàng trong nước.
Cần đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng
Trước tình hình này, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết việc cấm ngay lập tức các nền tảng chưa đăng ký là không khả thi. Ông nhấn mạnh cần phải có thời gian đánh giá đầy đủ tác động của các nền tảng này trên mọi khía cạnh: kinh tế, xã hội và pháp lý. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành làm việc với đội ngũ pháp lý của các nền tảng để họ hiểu rõ trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đang tăng cường các hoạt động nhằm cảnh báo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua hàng từ các sàn chưa đăng ký. Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục Hải quan được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ, kiểm tra và xử lý các điểm tập kết hàng hóa liên quan đến các nền tảng này.
Ông Hoàng Ninh khẳng định việc đăng ký và tuân thủ pháp luật Việt Nam là điều cần thiết để duy trì môi trường thương mại điện tử công bằng và minh bạch. Nếu các nền tảng không hoàn tất thủ tục trong thời gian tới, Bộ Công Thương có thể sẽ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để chặn truy cập từ Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các sàn thương mại điện tử là điều cấp thiết. Các biện pháp quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng sẽ giúp đảm bảo một thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững và công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.
Hương Giang