Quyết định của ông Trump nhận về sự phản ứng trái chiều của doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Reuters.
Quyết định được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 21/4 là kết quả của cuộc điều tra thương mại kéo dài một năm.
Theo tờ Business Times, động thái này nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa trong bối cảnh Mỹ tìm cách hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất vốn suy giảm nhiều thập kỷ.
Còn theo Bộ Thương mại Mỹ, chính sách thuế mới là biện pháp nhằm bù đắp lợi thế cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài và được xem là một chiến thắng cho nỗ lực tái thiết ngành công nghiệp nội địa - chiến lược được cả hai chính quyền ông Trump và Biden thúc đẩy.
Theo Reuters, tổng mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Malaysia là 41,56%, trong khi sản phẩm từ Thái Lan phải chịu mức thuế hơn 375%. Đặc biệt, các sản phẩm tương tự từ Campuchia sẽ phải chịu mức thuế hơn 3.500% do các nhà sản xuất nước này đã không hợp tác với cuộc điều tra của Mỹ.
Năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 12,9 tỷ USD thiết bị năng lượng mặt trời từ các nước Đông Nam Á.
Drew Greenblatt, chủ công ty Marlin Steel Wire Products tại Baltimore, hoan nghênh quyết định này. Là doanh nghiệp sử dụng thép nội địa để cung cấp linh kiện cho các ngành công nghiệp như hàng không và chế biến thực phẩm, ông cho rằng các chính sách thương mại lâu nay đã thiên vị đối thủ ngoại quốc.
"Tại châu Âu, thuế quan khiến hàng Mỹ khó cạnh tranh", Greenblatt chia sẻ. Với ông, một sân chơi công bằng hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm trong nước.
Tương tự, Bayard Winthrop - CEO thương hiệu thời trang American Giant - nhận định rằng thuế quan có thể là cơ hội vàng để phục hồi ngành dệt may Mỹ, lĩnh vực đã mất đi phần lớn năng lực sản xuất do ảnh hưởng của toàn cầu hóa trong ba thập kỷ qua.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan. Các doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo Mỹ - vốn phụ thuộc vào nguồn cung giá rẻ từ châu Á - đang đứng trước nguy cơ đội chi phí, gián đoạn chuỗi cung ứng và trì hoãn các dự án xanh. Dù chính sách thuế quan có thể giúp bảo vệ sản xuất trong nước, nó cũng đẩy các nhà phát triển năng lượng tái tạo vào thế khó, đặc biệt khi nhóm này đang kỳ vọng tận dụng các ưu đãi từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) để mở rộng sản xuất và lắp đặt.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra trong các doanh nghiệp nhỏ ở những lĩnh vực khác. Corry Blanc, chủ một công ty sản xuất dụng cụ nấu ăn ở Virginia, cho biết dù dùng nguyên liệu trong nước, ông không đủ công suất để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Ông cũng lo ngại việc mất khách hàng nước ngoài vì môi trường thương mại thay đổi liên tục.
Michael Lyons, một nhà sản xuất đồ da tại Maine, đã mất một khách hàng lâu năm tại Canada do căng thẳng thương mại leo thang. Hiện tại, ông buộc phải tạm ngừng kế hoạch mở rộng doanh nghiệp.
Cẩm Tú