Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) đã đề xuất chiến lược chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine thông qua việc kéo giá dầu xuống thấp.
Theo ông Trump, giá dầu giảm sẽ tước đi nguồn thu nhập chính của Nga, từ đó sẽ buộc Moskva phải chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự: “Nếu giá dầu giảm, chiến tranh Nga - Ukraine sẽ kết thúc ngay lập tức”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Ông Trump kêu gọi Saudi Arabia và các thành viên OPEC+ tăng sản lượng để giảm giá dầu trên thị trường thế giới. Tại thời điểm Tổng thống Mỹ phát biểu, giá dầu ở mức khoảng 80 USD/thùng, nhưng ngay sau đó đã giảm khoảng 1 USD.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định những nỗ lực của Washington nhằm giải quyết xung đột là có hiệu quả và mọi thứ sẽ đi đúng quỹ đạo trong tương lai gần.
Đồng thời ông Trump cho biết thêm, vấn đề cốt lõi của một thỏa thuận trong tương lai sẽ hạn chế đáng kể khả năng của Nga trong việc sử dụng nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng để tài trợ cho cuộc chiến Ukraine.
Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, Tổng thống Mỹ lưu ý đến sự cần thiết phải có hành động phối hợp từ đồng minh để đạt được tất cả mục tiêu mà các bên đang hướng tới.
Ngoài đề xuất OPEC tăng sản lượng, ông Trump kêu gọi các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng bởi trong tình hình địa chính trị hiện nay, các thành viên Liên minh phải tăng ngân sách quân sự lên 5% GDP để đảm bảo an ninh bền vững ở châu Âu và hơn thế nữa.
Bước đi mới nhất là sự tiếp nối chính sách mà ông Trump đã đề ra nhằm gây áp lực lên các đồng minh, mục đích nhằm tăng cường đóng góp của họ cho hoạt động phòng thủ chung.
Đề xuất của ông Trump có thể khiến Moskva phải lo ngại, bởi vì các chuyên gia kinh tế lưu ý rằng việc giảm giá dầu sẽ trở thành một công cụ gây áp lực cực mạnh đối với Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ bán dầu khí chiếm hơn 40% ngân sách của Nga. Nếu giá dầu giảm xuống mức 50 - 60 USD/thùng chắc chắn khiến ngân sách của Moskva bị bóp nghẹt.
Tuy nhiên lời kêu gọi tăng sản lượng dầu của ông Trump có thể vấp phải sự phản đối của các nước OPEC+, bởi họ đang nỗ lực thực hiện bước đi ngược lại, đó là hạn chế khai thác để giữ giá ở mức cao.
Trong trường hợp này, nhiều khả năng Mỹ sẽ phải đơn phương đưa dầu thô của mình ra thị trường, nhất là khi họ cũng có một trữ lượng cực lớn nằm trong vô số các mỏ đang khai thác hoặc dự trữ.
Ông Trump cũng nổi tiếng là người không để tâm tới các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu và luôn ủng hộ việc cho khai thác cũng như sử dụng năng lượng hóa thạch ở mức tối đa.
Khi Mỹ tăng mạnh sản lượng lên cao thì nhiều khả năng OPEC+ cũng phải làm theo để tránh mất thị trường, đây thực sự sẽ là bước đi gây áp lực nhiều nhất lên Moskva, và có thể buộc Điện Kremlin phải chấp nhận nhanh chóng đàm phán hòa bình.
Việt Dũng
Theo OilPrice