Phân cấp, trao quyền cần đi cùng 'kiểm soát quyền lực'

Phân cấp, trao quyền cần đi cùng 'kiểm soát quyền lực'
4 giờ trướcBài gốc
Sáng nay, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Phân cấp cần phải “trao quyền” và phân bổ nguồn lực hỗ trợ, đồng thời phải có cơ chế kiểm soát quyển lực để hạn chế rủi ro là ý kiến của các đại biểu tại tổ Hà Nội khi trao đổi về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.
Thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu nhấn mạnh chính sách phân quyền, phân cấp để địa phương tự chịu trách nhiệm. Theo các đại biểu, việc phân quyền, phân cấp phải đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực và giám sát từ cấp trên. Chính quyền địa phương tự chủ trong phạm vi được phân quyền, nhưng vẫn chịu sự kiểm tra về tính hợp hiến, hợp pháp từ cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, đi cùng với việc trao quyền này, cần phải có cơ chế về nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nêu ý kiến: “Nếu tại địa phương, thẩm quyền đang giao cho cấp tỉnh nhưng lại phân cấp xuống cấp huyện dẫn đến thủ tục giải quyết hành chính cần phải thay đổi, không nên cứng nhắc theo quy định ở trong luật hay nghị định. Không thể nào mỗi lần phân cấp ủy quyền lại báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ để điều chỉnh thủ tục đó. Vậy nên, công việc này phải giao cho cơ quan nào đó có quyền điều chỉnh đường đi của thủ tục hành chính, phù hợp với thẩm quyền đã được phân cấp, ủy quyền”.
Nội dung này cũng được nêu trong dự luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Theo đó, chính quyền địa phương sẽ chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đã được phân quyền. Đại biểu cũng nhấn mạnh về việc kiểm soát quyền lực, để hạn chế việc lợi dụng chức quyền, dẫn tới việc “lạm quyền”, nhưng đi cùng với đó là cơ chế cho cán bộ “dám nghĩ, dám làm”.
Liên quan tới đề xuất nguyên tắc: cơ quan nhận phân cấp sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện tại Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), theo đại biểu Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, quy định này giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phân cấp kèm theo các điều kiện thực hiện cụ thể. Trong đó cần đẩy mạnh việc phân cấp cho các tổ chức và ủy quyền cho cá nhân với vai trò là thủ trưởng đơn vị để cá thể hóa trách nhiệm. Lấy dẫn chứng về việc cấp phép xây dựng khi ông là Chủ tịch tỉnh Cà Mau hay lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Đại học Quốc gia ở Thạch Thất, nếu các đơn vị trực thuộc được giao quyền sẽ rút ngắn được thời gian, quy trình thủ tục, nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc. Và cũng từ việc phân cấp, trao quyền sẽ hạn chế được tình trạng “ma trận” văn bản hay đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Đại biểu Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị: “Chúng ta nên mạnh dạn hơn khi phân cấp cho chủ tịch UBND các tỉnh. Và các chủ tịch UBND tỉnh lại được phân cấp nhiều hơn cho các chủ tịch UBND huyện. Trước đây, khi nâng cấp liên quan đến trật tự xây dựng hoặc cấp phép xây dựng, đấu thầu hay bị vướng, cho nên lần này tôi nghĩ cần mở hơn cho vấn đề này”.
Một nội dung quan trọng khác trong dự thảo là về mô hình chính quyền địa phương. Trước đó, ban soạn thảo từng đề xuất không tổ chức HĐND ở quận, phường, xã tại đô thị, nhưng nội dung này đã bị loại bỏ. Theo dự thảo mới, tất cả đơn vị hành chính vẫn duy trì HĐND và UBND nhằm đảm bảo việc tổ chức chính quyền đô thị theo Luật Thủ đô và các nghị quyết của Quốc hội.
Khiếu Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/phan-cap-trao-quyen-can-di-cung-kiem-soat-quyen-luc-302493.htm