Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ không gây bất ngờ, ít nhất là đối với Nga. Số lần giới lãnh đạo hàng đầu của Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin, kêu gọi sự kiềm chế cho thấy Nga biết rằng sự kiềm chế của Mỹ chỉ là một quân bài thương lượng, chứ không phải là một chính sách lâu dài nhằm ngăn chặn leo thang.
Quan điểm rõ ràng của Nga
Sau hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tổng thống Putin trong nhiều lần gặp gỡ với truyền thông đã cảnh báo rằng, các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS hoặc các vũ khí tầm xa khác như Storm Shadow sẽ bao gồm sự tham gia của nhân sự NATO trong việc xác định hướng đi mục tiêu.
Do đó, Nga sẽ xem các cuộc tấn công này là sự tham gia trực tiếp của NATO vào xung đột ở Ukraine, và Nga sẽ buộc phải đáp trả.
Lịch sử cho thấy giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga luôn thẳng thắn. Nga không bao giờ dùng lời hoa mỹ hay tung hỏa mù.
Tên lửa tầm xa ATACMS do Hoa Kỳ sản xuất. Ảnh: Wikimedia Commons
Phản ứng của Nga đã được thể hiện rõ ràng với Mỹ và NATO. Nếu Ukraine có thể khiến NATO tham chiến, thì Nga có thể kêu gọi đồng minh cùng tham gia. Nga đã chuẩn bị phản ứng một cách âm thầm và thận trọng mặc dù có nhiều cáo buộc chưa rõ ràng rằng binh lính và pháo binh Triều Tiên đã góp mặt.
Các quan chức NATO và các chính trị gia Mỹ đã nhiều lần nói rằng việc để Ukraine thất bại là điều không thể chấp nhận. Nếu đúng như vậy, thì giải pháp duy nhất còn lại là leo thang xung đột. Giả sử nếu nhân sự và phương tiện của Triều Tiên có mặt ở Nga thì đó là cách của Nga để ngăn chặn sự leo thang đó.
Rõ ràng, chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng chuyển hướng sự chuẩn bị của Nga như một lý do cho sự leo thang của mình.
Truyền thông phương Tây cho rằng việc Nga đưa quân đội bên thứ ba vào cuộc chiến là dấu hiệu cho thấy Nga đang suy yếu, trong khi thực tế đây là biểu hiện quyết tâm của Nga không để mình bị suy yếu, bất chấp những nỗ lực kéo dài xung đột.
Các lãnh đạo phương Tây nhiều lần nói rằng mục tiêu của họ là làm suy yếu Nga để đạt được một thất bại chiến lược. Lãnh đạo Nga hiểu rõ điều này.
Họ nhận thức rằng họ đang đối mặt với một mối đe dọa tồn vong. Thách thức đối với lãnh đạo Nga là đẩy lùi mối đe dọa này mà không phải dùng đến vũ khí hạt nhân.
Cách duy nhất để Nga có thể đẩy lùi mối đe dọa tồn vong từ NATO mà không sử dụng vũ khí hạt nhân là giữ vững khả năng đánh bại NATO trong một cuộc đối đầu thông thường. Nói cách khác, Nga phải duy trì khả năng răn đe thông thường để ngăn NATO can thiệp vào Ukraine.
Không ít lần người ta đặt câu hỏi, Nga có đủ vũ khí và nhân lực để đánh bại Ukraine trong thời gian ngắn, tại sao họ chấp nhận một cuộc xung đột dai dẳng? Nga có tên lửa, xe tăng, pháo binh và máy bay để biến bất kỳ đối phương nào thành đống đổ nát.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, Nga sẽ phải tiêu hao sức mạnh quân sự đến mức mất khả năng chống lại NATO trong một cuộc chiến thông thường.
Hơn ai hết, NATO muốn Nga bung hết sức mạnh của mình tại mặt trận Ukraine. Khi đó, Nga sẽ ngay lập tức đối mặt với một mối đe dọa tồn vong từ quân đội NATO. Đó là điều mà người Nga luôn cảnh giác.
Toan tính về sự leo thang của Mỹ
Nếu giới lãnh đạo Mỹ hiểu rằng việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận sẽ leo thang xung đột nhưng không dẫn đến chiến thắng cho Ukraine, tại sao họ lại theo đuổi sự leo thang này?
Có thể vì một vài lý do.
Trước tiên, Mỹ hiểu rõ rằng phản ứng của Nga sẽ không dẫn đến leo thang hạt nhân. Nga sẽ đáp trả một cách tương xứng và nhằm đạt được các mục tiêu rõ ràng - đảm bảo Ukraine trung lập, phi quân sự hóa và nhượng bộ.
Nguy cơ leo thang xung đột Nga - Ukraine sau khi Mỹ và các nước phương Tây dỡ bỏ rào cản vũ khí với Ukraine
Sự leo thang này sẽ cho phép Mỹ thực hiện chính sách của mình nhằm làm suy yếu Nga nhanh chóng hơn. Xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài và đẫm máu hơn – nhưng nó chỉ dành cho Nga và Ukraine. Ngược lại, tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Một lý do khác có thể là liên quan đến chính trị nội bộ. Sự leo thang này sẽ khiến việc hạ nhiệt căng thẳng trở nên khó khăn hơn đối với chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Khi lực lượng Nga tiếp tục tiến sâu vào Ukraine, có khả năng các quốc gia NATO như Ba Lan, Pháp và Anh có thể tham gia vào cuộc chiến một cách độc lập, làm phức tạp thêm tình hình cho chính quyền mới của Mỹ.
Rất khó có khả năng Nga sẽ đáp trả quyết định của Mỹ bằng những phản ứng hiếu chiến như các cuộc tấn công tên lửa hoặc tấn công trên bộ quy mô lớn.
Phản ứng của Nga sẽ là tương xứng — đủ để triệt tiêu bất kỳ lợi thế quân sự nào mà Ukraine có thể có từ việc sử dụng ATACMS.
Điểm yếu lớn nhất của Ukraine là thiếu nhân lực, một điểm yếu mà việc sử dụng ATACMS sẽ không thể giải quyết được.
Lực lượng Nga với sự hỗ trợ mạnh mẽ khác (nếu có), có khả năng sẽ tập trung vào những lực lượng tinh nhuệ của Ukraine, đặc biệt là các đơn vị tại khu vực Kursk vẫn do Ukraine kiểm soát.
Cuộc chiến sẽ thêm phần khốc liệt và tiếp tục leo thang - ít nhất cho đến sau ngày 20/1/2025. Thời điểm mà Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã yên vị trong Phòng bầu dục.
Ngọc An