Pháp, Đức tuyên bố cùng hành động 'vì một châu Âu mạnh mẽ'

Pháp, Đức tuyên bố cùng hành động 'vì một châu Âu mạnh mẽ'
9 giờ trướcBài gốc
Các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức nhất trí rằng cả hai nước phải hành động "vì một châu Âu mạnh mẽ", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sau khi gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Paris hôm 22/1.
Trong cuộc họp báo chung với ông Macron tại cung điện Elysee 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông Scholz cho biết nhà lãnh đạo mới của Mỹ "sẽ là một thách thức, và điều đó đã quá rõ ràng".
"Châu Âu sẽ không sợ hãi và lẩn trốn, mà thay vào đó là một đối tác xây dựng và quyết đoán", Thủ tướng Đức nói thêm. Ông Scholz cho biết lập trường này sẽ là "cơ sở cho sự hợp tác tốt đẹp với tân Tổng thống Mỹ".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung tại Paris, ngày 22/1/2025. Ảnh: Yahoo!News
Châu Âu và Mỹ gắn kết với nhau bởi "lịch sử lâu dài về tình bạn và quan hệ đối tác" mà ông gọi là "nền tảng vững chắc" cho các mối quan hệ trong tương lai, ông Scholz nói thêm.
Ông Trump đã công bố một số biện pháp chính sách "mà tất nhiên chúng tôi sẽ phân tích chi tiết cùng với các đối tác châu Âu của mình", người đứng đầu chính phủ Đức cho biết.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 62 năm Hiệp ước Elysee, một khuôn khổ cho quan hệ song phương Pháp-Đức sau Thế chiến II.
"Quan hệ giữa hai nước chúng ta rất vững chắc", Tổng thống Pháp Macron nói.
Ông Macron và ông Scholz nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia đối với sự đoàn kết của châu Âu.
"Châu Âu phải mạnh mẽ và kiên cường trong một thế giới đang chuyển động", ông cholz, người sẽ phải đối mặt với cuộc tổng tuyển cử trong nước vào tháng tới, cho biết.
"Phản ứng khả thi duy nhất của người châu Âu đối với giai đoạn mà chúng ta đang bước vào là đoàn kết hơn, tham vọng hơn, táo bạo hơn và độc lập hơn", ông Macron cho biết. "Đây là động lực của chúng ta và đây là hướng đi mà chúng ta đang hướng tới".
Ông Macron cho biết châu Âu không chỉ cần chi nhiều hơn cho quốc phòng của chính mình, "mà còn phải phát triển cơ sở công nghiệp, năng lực và ngành công nghiệp của chính mình".
Vấn đề chi tiêu quốc phòng càng trở nên "nóng" ở châu Âu kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Ngay cả trước khi chính thức nhậm chức, vị chính trị gia tỷ phú Mỹ đã nói rằng các thành viên NATO nên chi 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng – tăng mạnh so với mục tiêu 2% hiện tại, và là mức mà chưa quốc gia thành viên NATO nào, kể cả Mỹ, đạt được.
Trong một diễn biến khác, phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg hôm 22/1, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh rằng "nếu châu Âu muốn tồn tại, thì cần phải được trang bị vũ khí".
Người đứng đầu chính phủ Ba Lan, quốc gia chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng so với bất kỳ đồng minh NATO nào, đã thúc giục các quốc gia EU-NATO khác nghiêm túc thực hiện lời kêu gọi của ông Trump về việc tăng mục tiêu chi tiêu từ 2% lên 5% GDP.
"Đây là thời điểm châu Âu không thể tiết kiệm cho an ninh", ông Tusk cho biết. Ba Lan là quốc gia hiện đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU, bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 30/6.
Minh Đức (Theo Digital Journal, France24)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/phap-duc-tuyen-bo-cung-hanh-dong-vi-mot-chau-au-manh-me-204250123112005106.htm