CHƯƠNG 7: PHẬT GIÁO THỜI NHÀ TRẦN (1225 -1400)
Bối cảnh lịch sử
Năm 1225, vua Lý Huệ Tông bệnh nặng, phần vì không có con trai nối dõi, đã xuống chiếu nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, lúc đó là Điện tiền Chỉ huy sứ, ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu, Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu, Trần Cảnh chính thức lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Trần Thái Tông lập nên vương triều nhà Trần kéo dài 175 năm (1225-1400), trải qua 12 đời vua.
(Ảnh: Internet)
1. TRẦN THÁI TÔNG (1225-1258)
Năm Đinh Dậu (1237), ngài lấy Chiêu Thánh hoàng hậu đã 12 năm mà chưa có con, Trần Thủ Độ đã ép Trần Thái Tông bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu là công chúa Thuận Thiên (vợ Trần Liễu) đã có mang ba tháng làm hoàng hậu. Trần Liễu tức giận đem quân ra sông Cái làm loạn, còn Trần Thái Tông đang đêm bỏ trốn lên chùa Phù Vân, núi Yên Tử (Quảng Ninh) để phản đối.
Thủ Độ biết tin, cùng quần thần tới rước Thái Tông về triều. Thái Tông không chịu về. Thủ Độ nói mãi, không được bèn bảo các quan rằng: “Hoàng thượng ở đâu thì triều đình ở đó”. Nói xong liền truyền chuẩn bị xây dựng cung điện ở chùa Phù Vân. Thấy thế, thiền sư Phù Vân liền tâu rằng: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ phát sinh, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không phải khổ công đi tìm cầu bên ngoài”.
Thái Tông nghe lời nói của Thiền sư, bất đắc dĩ truyền giá về kinh. Câu nói của Thiền sư làm cho Thái Tông hiểu ý nghĩa sâu sắc của đạo Phật, nhà vua khuyên các quan trong triều hãy noi gương tu hành của mình và lập viện Tả nhai cho các công hầu đến học tập đạo Thiền.
Thái Tông có soạn các sách:
1) Thiền tông chỉ nam; 2) Kim Cương tam muội kinh chú giải; 3) Lục thì sám hối khoa nghi; 4) Bình đẳng lễ sám văn; 5) Khóa hư lục; 6) Thi tập
Cuốn Thiền tông chỉ nam trình bày đạo lý Thiền học, tiếc thay không còn. Bài Tựa của tác phẩm được in lại trong sách Khóa hư lục.
Kim Cương Tam Muội Kinh Chú Giải hiện cũng không còn, chỉ có bài Tựa còn được in lại trong sách Khóa hư lục.
Lục thời sám hối khoa nghi là nghi thức sám hối chia làm 6 phần, mỗi phần dành cho một thời gian trong ngày, mỗi ngày 6 thời. Toàn văn cuốn sách còn được giữ lại trong sách Khóa hư lục.
Bình Đẳng lễ sám văn, nói về nghi thức sám hối, nhưng nghi thức này đã mất, duy còn bài tựa in trong sách Khóa hư lục.
Thái Tông thi tập nay cũng không còn, chỉ có một vài bài được giữ lại.
Cuốn Khóa hư là một tác phẩm mà Trần Thái Tông viết sau khi đã nhường ngôi cho con, vào núi tu hành.
Trong Khóa hư lục, tác giả muốn nêu lên Sinh, Lão, Bệnh, Tử là thuộc tính của thân người, tức là của một hiện hữu, như một quy luật tự nhiên của bốn mùa: xuân đi, hạ đến, thu tàn, đông tới. Hiểu như thế thì thấy sinh, lão, bệnh, tử là quy luật không còn gây phiền não nữa.
Về phần cuối, trong lời Bạt hậu, Thái Tông có nói đến lý tu hành một cách độc đáo, kết hợp tu Thiền với tu Tịnh, tô thêm đậm nét cho thiền học Việt Nam.
Thái Tông viết:
Dịch:
Lễ Phật là cung kính đạo đức của Phật
Niệm Phật là xúc cảm công đức của Phật
Giữ giới luật là thực hiện hạnh của Phật
Xem kinh là làm sáng tỏ chân lý của Phật
Ngồi thiền là thực hiện đạt được cảnh giới của Phật.
Vào thiền là hòa hợp tâm mình với tâm Phật
Thuyết pháp là thỏa mãn ý nguyện của Phật.
Trong những lời văn trên, tu thiền và tu tịnh chỉ là một. Khóa hư là một tập bài giảng về lẽ hư vô được nhiều người biết đến. Nội dung ban đầu của nó có lẽ là một tập luận thuyết mang một chủ đề nhất quán là giảng giải về lẽ “Sắc, Không”. Trần Thái Tông thường nổi bật lên ở tư cách một nhà tư tưởng, một người suy nghiệm lẽ sắc, không ở mặt siêu hình của nó mà nổi bật ở tư cách người hành đạo, một người tuyên truyền cho một giáo chỉ bằng những hình thức tư duy cụ thể và sinh động (1).
Với 6 bản dịch và hàng chục bài nghiên cứu từ thế kỷ XX tới nay về Khóa hư lục, có thể thấy sức hấp dẫn của tác phẩm này. Chẳng thế, đã có nhiều người đề nghị gọi Khóa hư lục là bộ kinh của Phật giáo Việt Nam.
Trần Thái Tông vừa là một nhà thơ, vừa là một nhà tu hành am hiểu đạo Phật một cách sâu sắc. Sau đây là một bài thơ nhà vua tặng một vị sư ở chùa Thanh Phong.
Dịch:
Gió đập hiên tùng nguyệt dọi sân,
Tình này cảnh ấy luống bâng khuâng;
Mũi thuyền trong đó nào ai biết,
Thức suốt đêm trường vui với tăng.
Năm 1249, Thái Tông sắc trùng tu chùa Chân Giáo và năm 1256 sắc đúc 300 quả chuông treo ở các chùa.
miền sư Hiện Quang, người khai sơn phá thạch phái Yên Tử (?-1220)
Ngài tên Lê Thuần, quê kinh thành Thăng Long. Năm 11 tuổi theo học thiền sư Thường Chiếu suốt 10 năm ở chùa Lục Tổ. Nhờ trí thông minh, hằng ngày sư có thể đọc tụng cả vạn câu kinh, lại kiêm thông tam giáo. Năm 21 tuổi, sư phụ ngài viên tịch, ngài vân du khắp chốn thiền lâm tham học đạo lý. Khi gặp thiền sư Trí Thông ở chùa Thánh Quả, được nghe câu nói khai thị, tâm tư bừng sáng, liền tôn Trí Thông làm thầy. Để tránh những cám dỗ bụi trần nơi kinh thành, ngài bỏ vào núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An, thụ giới Tỷ khiêu với thiền sư Pháp Giới. Sau đó, ngài bỏ vào rừng , ăn rau, mặc lá, ngót 10 năm để khỏi phải nhận phẩm vật cúng dàng của đàn na tín thí.
Về sau, ngài vào núi Từ Sơn tức núi Yên Tử, dựng am tranh cư trú. Mỗi khi kinh hành trong rừng, Ngài mang theo một bao vải. Đi đến nơi thích hợp, sư trải bao vải ngồi thiền. Loài dã thú thấy Thiền sư không dám xúc phạm.
Vì kính trọng danh tăng, vua Lý Huệ Tông nhiều lần sai sứ mang lễ vật đến mời sư về kinh. Ngài lánh mặt, sai đệ tử trả lời rằng: “Bần đạo sinh trên đất vua, ở trong núi này thờ Phật đã lâu năm, công đức chưa thành tựu, rất lấy làm hổ thẹn. Nếu bần đạo vào cung vua, cũng chẳng bổ ích gì cho việc trị an, còn bị mọi người bài báng. Hiện giờ Phật pháp đang hưng thịnh, các bậc long tượng trong đạo còn nhiều, đủ để lo lễ nghi trong điện các. Còn bần đạo thô lậu chốn núi rừng về kinh làm gì?”
Từ đó, ngài quyết không xuống núi.
Tân Tỵ, năm 1220, mùa xuân, ngồi kiết già trên tảng đá, Thiền sư đọc bài kệ:
Huyễn pháp đều là huyễn,
Huyễn tu lại là huyễn
Hai huyễn đều xa lìa
Là lìa hết mọi huyễn.
Nói xong, ngài an nhiên thị tịch.
Thiền sư Hiện Quang là tổ khai sơn chùa Vân Yên (đến đời Hậu Lê đổi là Hoa Yên) núi Yên Tử.
Quốc sư Trúc Lâm (1200-?)
Ngài còn có hiệu là Đạo Viên (theo sách Thiền uyển tập anh) hay Viên Chứng (theo sách Thánh đăng lục).
Quốc sư là đệ tử của thiền sư Hiện Quang, thầy của vua Trần Thái Tông. Năm 1236, khi Trần Thái Tông định từ bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử đi tu. Quốc sư hỏi vua muốn tìm gì mà lên núi? Vua đáp, chỉ muốn tu hành và thành Phật, sư trả lời: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ phát sinh, chính đó là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không phải khổ công đi tìm cầu bên ngoài”. (2)
Thiền sư lại khuyên vua: “Người ở ngôi vua không thể hành động theo ý thích riêng của mình. Nhà vua phải lấy ý muốn của dân làm ý của mình. Do đó, nay dân muốn vua về thì vua không về làm sao được? Tuy thế, vua vừa có thể làm nghề trị dân, vừa đừng quên tu học Phật pháp và tham thiền”.
Năm 1248, thể theo lời thỉnh cầu của Trần Thái Tông, Quốc sư về kinh đô để soạn duyệt các bộ kinh lục trước khi đem đi khắc bản ấn hành. Nhân cơ hội hiếm có, nhà vua còn đem trình Quốc sư các tác phẩm của chính vua viết, đó là Thiền tông chỉ nam. Quốc sư khen tác phẩm có giá trị và khuyên nên khắc bản để in ấn cùng với các kinh lục. Khi về kinh, sư được vua thỉnh ở tại chùa Thắng Nghiêm và được tôn xưng là Quốc sư.
Quốc sư Đại Đăng
Ngài là đệ tử của Quốc sư Trúc Lâm, thuộc thế hệ thứ ba của truyền thống Yên Tử.
Ngài cùng học đạo với sư Thiên Phong thuộc phái thiền Lâm Tế ở Chương Tuyền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thiên Phong là người có trí tuệ cao, tài kinh lịch cái bang, lúc đến Đại Việt, Thiên Phong được Trần Thái Tông mời vào viện Tả nhai giảng giải đạo lý cho các bậc thiện trí thức và quan lại triều đình. Ngài Đại Đăng cũng đến tham dự các buổi này. Vì lúc bấy giờ, vâng mệnh Quốc sư Trúc Lâm, Đại Đăng đang hành đạo tại kinh sư. Ngài đã được ngài Thiên Phong truyền tâm ấn. Như vậy, Đại Đăng đã tiếp thu cả hai dòng thiền, một là phái Vô Ngôn Thông, hai là phái thiền Lâm Tế.
Quốc sư Đại Đăng là thầy của vua Trần Thánh Tông, đệ tử của ngài còn có Quốc sư Liễu Minh, các thiền sư Thường Cung và Huyền Sách.
2. TRẦN THÁNH TÔNG (1258-1278)
Ngài húy là Trần Hoảng, con trưởng của Trần Thái Tông, sinh năm 1240, mất năm 1290. Trong 21 năm trị vì, ngài đã biết sử dụng nhân tài, chăm lo việc nước, thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo, nhưng không kém phần kiên quyết, đối phó với mưu đồ xâm lược của nhà Nguyên. Khi quân Nguyên xâm lăng Đại Việt, vua đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng để phát động tinh thần yêu nước đánh giặc của toàn dân. Ngài đã cùng con trai là Trần Nhân Tông trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288), đập tan ý đồ xâm lược của kẻ thù.
Sau ngày đất nước yên bình, năm 1290, Trần Thánh Tông vào chùa Tư Phúc của hoàng gia để xuất gia tu học, tự là Vô Nhị Thượng nhân, làm đệ tử của Quốc sư Đại Đăng.
Nhờ tuệ căn vốn có, lại siêng năng học hỏi sớm hôm nơi các bậc cao minh, trình độ Phật học của ngài ngày một thăng tiến, nắm vững ý chỉ của thiền gia. Ngài đã viết các tác phẩm Văn tập, Thiền tông liễu ngộ ca, Chỉ giá minh, Phóng ngưu và Cơ cừu tập ngày nay đều đã thất lạc, hiện chỉ còn 7 bài thơ, nhưng chỉ cần đọc một trong những bài thơ đó, cũng đủ thấy rõ được giá trị tư tưởng của một ông vua tu hành ngộ đạo.
Trong buổi lễ cúng dàng trai tăng cho vợ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, em gái Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông đã thỉnh các vị tôn túc, trưởng lão của thiền môn mỗi người làm một bài kệ ngắn để tỏ bày, kiến giải về Phật pháp của mình. Kết quả thảy đều như “nước đọng vũng bùn” chưa có chỗ tỏ ngộ. Bấy giờ, Tuệ Trung Thượng Sĩ có bài kệ:
Kiến giải trình kiến giải
Tựa ấn mắt làm quái
Ấn mắt làm quái rồi
Rỡ ràng thường tự tại.
Vua Thánh Tông liền họa lại bài kệ rằng:
Rỡ ràng thường tự tại
Cũng ấn mắt làm quái
Thấy quái chẳng thấy quái
Quái ấy ắt tự hoại. (3)
Thượng Sĩ đọc, biết nhà vua đã chứng ngộ đạo lý rất cao thâm và thầm chấp nhận. Sau này, Tuệ Trung Thượng Sĩ có làm một bài thơ ca ngợi đạo học của Trần Thánh Tông như sau:
Thánh học cao minh tột cổ kim,
Quán thông Long tạng thấu vào tim
Phật tâm thấy quả lòng tay mở
Ý tổ nhìn kim đáy biển chìm
Trí vượt cửa Thiền vào Thiếu Thất
Tình sâu biển Giáo đến Uy Âm.
Nhân gian chỉ thấy ngân non đẹp
Ai nghe vượn hú chốn rừng thâm? (4)
Tuệ Trung mượng Sĩ (1230-1291)
Ngài tên Trần Tung, con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (mẹ vua Trần Nhân Tông). Thuở nhỏ ngài bẩm tính thông minh, tính tình thuần hậu cao thượng, và kính ngưỡng đạo Phật. Năm 1248 mẹ ngài mất, ba năm sau cha ngài qua đời, cảm vì nghĩa, Trần Tung được Trần Thái Tông nhận làm con nuôi, phong cho tước hiệu Hưng Ninh vương. Từ đó ngài có dịp học đạo nơi Thái Tông và thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phúc Đường. Rồi ngài được cử trấn đất Hồng Lộ, tức đất Hải Dương bây giờ. Ngài có công trong ba lần chống quân Nguyên. Sau, được thăng chức Tiết độ sứ trấn giữ hải đạo Thái Bình. Được ít lâu, ngài từ quan lui về ấp Tịnh Bang (làng Yên Quảng, huyện Vĩnh Lại) và đổi tên là làng Vạn Niên, xưng hiệu là Tuệ Trung. Tại đây, ngài dựng Dưỡng Chân Trang làm nơi tu niệm và tọa thiền, thực hiện sở thích đã có từ trước.
Dịch:
Cõi không dù có liệng đôi vành xe
Biển cả nào ngăn một bọt nước nổi.
Trong tu thiền, ngài không câu nệ sách vở giáo điều, và đập phá những cái sẵn có, nhưng lại biết “hòa quang đồng trần” đem lại ích lợi cho đạo cho đời, nên Trần Thánh Tông hết sức kính nể thiền học của Tuệ Trung, gọi ông là sư huynh. Về sau qua xướng họa, với tư tưởng thiền học sâu sắc, vua còn tôn xưng Tuệ Trung là Thượng Sĩ (có nghĩa tương đương như Bồ Tát). Và, Thánh Tông ký thác con là Trần Khâm cho ngài dạy dỗ, nhờ vậy mà đạo học của Trần Nhân Tông rất vững vàng.
Lúc đại phá quân Nguyên, Tuệ Trung tận trung với nước với vua, lúc sắp viên tịch, ngài cho kê giường giữa thiền đường tại Dưỡng Chân Trang, Tuệ Trung Thượng Sĩ nằm xuôi theo kiểu cát tường, nhắm mắt. Thê thiếp khóc lóc thảm thiết, ngài mở mắt ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay, súc miệng rồi quở nhẹ: “Sống chết là lẽ thường tình, sao lại luyến tiếc khóc than, làm náo động chân tính ta?”.
Các bà im lặng, ngài đi vào cõi tịch diệt, thọ 62 tuổi.
3. TRẦN NHÂN TÔNG (1278-1308)
Ngài thế danh là Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông, lên ngôi 1278. Ngài là một vị vua nhân từ, hòa nhã cố kết lòng dân, quyết đoán, hết lòng vì dân vì nước. Trong thời gian 14 năm trị vì, Trần Nhân Tông cùng vua cha và các tướng lĩnh tài giỏi như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão... đã hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ vào các năm 1285 và 1288.
Năm 1293, ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, làm thái thượng hoàng.
Tháng 3 năm 1301, thượng hoàng Nhân Tông “vân du các nơi, sang Chiêm Thành”. Vào Bố Chính, Quảng Bình lập am Tri Kiến. Sau đó sang Chiêm Thành, gặp gỡ vua nước này và tạo được mối bang giao hòa bình bằng cách gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, vua Chiêm dâng tặng thượng hoàng hai châu Ô và Rí làm của hồi môn. Đại Việt được mở mang bờ cõi mà không phải tiến hành chiến tranh.
Như vậy là ở cả ba lĩnh vực: giữ nước, dựng nước và mở nước, Trần Nhân Tông đều có những đóng góp đáng kể, song điểm được coi là nổi bật nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của ngài là việc sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của riêng người Việt và thành lập Giáo hội Phật giáo Đại Việt.
Hình ảnh mang tính minh họa (nguồn: Internet)
Có thể nói, thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của 3 dòng thiền đã có mặt ở Đại Việt: thiền phái Tì ni đa lưu chi (thế kỷ VI), Vô Ngôn Thông (thế kỷ IX), Thảo Đường (thế kỷ XI), thường gọi là “Tam tông quy Nhất tông”. Như vậy, chỉ riêng sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng đã thể hiện tinh thần và khả năng đoàn kết dung hội của nó. Không chỉ là sự kết hợp giữa các dòng thiền, ta còn có thể thấy giáo lý của thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Đạo giáo, là sự thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”... mà bốn câu cuối hội thứ nhất trong bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông đã nói rõ điều đó:
Lò hoán cốt, ước phi thăng, đàn thần mới phục;
Nhắm trường sinh về thượng giới, thuốc thỏ còn đam,
Sách dịch xem chơi, yêu tính sáng, yêu hơn châu báu,
Kinh nhàn đọc giấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.
Ở thiền phái Trúc Lâm, còn thấy sự kết hợp giữa các pháp môn Thiền - Mật - Tịnh, mà phần kết hợp giữa Thiền và Tịnh có phần trội hơn. Trước đó, vua Trần Thái Tông đã nói đến sự dung hòa Thiền và Tịnh đặt cơ sở trên quan điểm kết hợp tự lực với tha lực mà trong bài Tựa Lục thời sám hối khoa nghi, ngài đã viết rằng: “năng sở lưỡng y”, có nghĩa là phải dựa vào cả hai: Phật và ta.
Ở Trần Nhân Tông, ngài thực hiện hạnh đầu đà, vân du khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập thiện. Thập thiện là giới tu căn bản thứ hai sau Ngũ giới của nhà Phật. Thập thiện là dụng ý của Trần Nhân Tông xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, nhưng cũng chỉ là lánh dữ làm lành, chưa phải là pháp tu rốt ráo của đạo Phật. Rõ ràng với những người mới bước chân theo đạo Phật còn nặng nề tín ngưỡng dân gian (các dâm từ) thì không thể trao ngay cho họ pháp tu tự lực về thiền quán mà chỉ khuyên nhủ họ niệm Phật ăn chay làm lành thì họ mới tiếp thu nổi (5).
Đặc biệt hơn, đây là thiền phái đầu tiên do một người Việt sáng lập, mà người đó lại chính là một vị hoàng đế đứng đầu đất nước với những võ công văn trị lẫy lừng.
Thiền phái Trúc Lâm đề cao sự tự ngộ, sự nỗ lực rèn luyện của hết thảy mọi người. Dù tại gia hay xuất gia, sống ở chùa hay ngoài đời, miễn là biết tu tập, cải tạo tâm từ ác chuyển thành thiện, biết phá trừ vô minh, tham dục thì đều đi đến con đường giác ngộ. Với tinh thần vô ngã, tự tin... Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên một tinh thần nhập thế tích cực với tư tưởng “hòa quang đồng trần” quan niệm bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Đó là “Phật giáo của mọi người, nó không hạn chế trong tăng sĩ cũng không hạn chế trong chùa chiền. Ai cũng biện tâm được, không kể là xuất gia hay tại gia. Ở giữa trần tục chứ không cần ở chùa, ở núi vẫn có thể vui với đạo. Tư tưởng đó làm cho đạo Phật mặc dù có giáo lý cao siêu thâm diệu nhưng vẫn có nền tảng quần chúng rất rộng rãi. Đó là sức mạnh của số đông” (6). Cuộc đời của Trần Nhân Tông là tấm gương điển hình về tính nhập thế: Ngài từng tu Phật lúc đang ở ngôi, khi quân Nguyên xâm lăng đất nước, Ngài cầm gươm hiệu triệu toàn dân ra trận, lúc thiên hạ thái bình thì tham thiền nhập định, thuyết giảng từ bi, bác ái, khoan hòa.
Sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm và cùng với nó là sự hình thành Giáo hội Phật giáo Đại Việt, một tăng đoàn trên dưới 15.000 tu sĩ, đã có tác dụng tập hợp một lực lượng đông đảo tín đồ Phật giáo trong cả nước, định hướng và giáo dục họ đi theo con đường chính pháp, góp phần xiển dương đạo Phật, nó có tác dụng cố kết các tông phái Phật giáo, tạo điều kiện cho Phật giáo trở thành Phật giáo nhất tông.
Bằng những hoạt động của mình, Giáo hội đã có tác động to lớn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Việc Trúc Lâm đầu đà đem giáo lý ngũ giới, thập thiện đi khắp nơi trong nước để giáo hóa nhân dân, khuyên họ nên phá bỏ dâm từ, để cho người dân có nếp sống đạo đức, làm cho đời sống xã hội lành mạnh đã góp phần giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, đánh bại âm mưu đồng hóa của ngoại bang, tức góp phần giữ gìn được nền độc lập dân tộc.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam thống nhất từ trung ương đến địa phương, tăng chúng trong cả nước đều được cấp tăng tịch. Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước, có sức thu hút mạnh mẽ mọi tầng lớp về đây tu học và tìm đường giải thoát.
Cũng từ nền tảng Trúc Lâm, đã ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, tập hợp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành mang đậm sắc thái Phật giáo dân tộc như chùa Hoa Yên (Yên Tử), Phổ Minh (Nam Định), Thanh Mai, Minh Khánh, Côn Sơn (Hải Dương), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Đại Bi (Bắc Ninh)...
Dòng thiền Trúc Lâm ra đời đã mở ra phong trào học Phật mới, lấy tôn chỉ Thiền tông: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” làm chủ đạo. Sơ tổ Trần Nhân Tông khéo kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người mới bước chân theo đạo Phật còn nặng nề tín ngưỡng dân gian tiếp thu được, đối với người đã học Phật thì hiểu sâu thêm, chuyển những lời kinh trong sách vở thành những bài kinh sống nơi con người, chứng minh cho tâm thiền sáng ngời, không có gì sai khác.
Tuy trụ trì ở Yên Tử, nhưng nhà vua thường đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, lợi lạc quần sinh. Cùng đi với nhà vua có mười đệ tử thân tín, trong số này có Pháp Loa thiền sư là người thân cận nhà vua hơn cả. Thiền sư thường bạch với nhà vua rằng: “Tôn đức xuân thu đã cao, mà có xông pha mưa nắng, lỡ khi nóng lạnh bất thường, vận mệnh Phật pháp trông cậy vào đâu?”. Nhân Tông trả lời rằng: “Thời tiết sắp đến rồi, ta chỉ đợi ngày giải thoát mà thôi”. Ít lâu sau nhà vua về thăm công chúa (chị ruột vua) bị bệnh. Khi trở về núi, đi được nửa đường, nhà vua bảo đồ đệ rằng: “Ta muốn lên am Ngọc Vân, nhưng sức yếu quá, chân không bước nổi”. Đệ tử bạch rằng: “Đệ tử chúng con xin phò tôn đức đi”. Nhà vua liền được các đệ tử dìu lên, khi đến am Ngọc Vân, nhà vua gọi Pháp Loa thiền sư đến, tươi cười nói rằng: “Ta sắp đi đây”.
Pháp Loa hỏi lại: “Nhà vua sắp đi đâu bây giờ”. Nhân Tông liền đọc bài kệ như sau:
Dịch:
Tất cả các pháp chẳng sinh,
Tất cả các pháp chẳng diệt;
Nếu giải thích như thế,
Thì các Phật luôn luôn ở trước ta,
Chẳng đi đâu và cũng chẳng từ đâu lại.
Đọc xong bài kệ, nhà vua dặn Pháp Loa mọi việc về truyền bá Phật pháp rồi chắp tay mà hóa. Pháp Loa làm lễ rước nhà vua lên hỏa giàn. Vua Anh Tông và đình thần đem long giá rước ngọc cốt về an thổ tại Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên, núi Yên Tử và đặt tên hiệu là Huệ Quang kim tháp và dâng tôn hiệu: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.
Thiền Tông ở nước ta còn lưu truyền đến ngày nay là nhờ phái Trúc Lâm Yên Tử do Trúc Lâm tam tổ sáng lập và Trần Nhân Tông là sơ tổ.
Theo Tam tổ thực lục và Thánh đăng lục, Trần Nhân Tông để lại một số tác phẩm chữ Hán sau:
Thiền lâm thiết chủy ngữ lục. Trúc Lâm hậu lục. Thạch thất mỵ ngữ. Đại hương hải ấn thi tập. Tăng già toái sư.
Các tác phẩm chữ Nôm có:
Cư trần lạc đạo phú, Đắc Phú lâm tuyền thành đạo ca. Ngoài ra ngài còn viết bài Thượng Sĩ hành trạng nói về cuộc đời của Tuệ Trung và những kỷ niệm của vua đối với Tuệ Trung.
Phái Trúc Lâm có 3 tổ danh tiếng là: Trần Nhân Tông, Pháp Loa thiền sư và Huyền Quang thiền sư.
Pháp Loa thiền sư (1284-1330)
Ngài là người làng Cửu La, phủ Nam Sách, Hải Dương. Mẹ ngài nhiều lần sinh đều là con gái nên chán nản, không muốn sinh đẻ nữa. Đến khi sinh được một trai là Pháp Loa thì mừng lắm và đặt tên là Kiên Cương (cứng chắc). Pháp Loa rất thông minh, năm 20 tuổi gặp vua Trần Nhân Tông, liền được vua cho theo làm đệ tử, đưa về núi cho học đạo. Thiền sư ngộ đạo rất sớm, các kinh điển đều học tinh thông, được Trần Nhân Tông truyền giới pháp, đặt cho tên hiệu là Pháp Loa cho giữ chức giảng sư. Lúc này Huyền Quang mới xuất gia, thường đến nghe Pháp Loa thuyết pháp, và được Trần Nhân Tông nhận cho làm đệ tử và giao cho Pháp Loa dạy bảo.
Năm 25 tuổi, Pháp Loa làm lễ khai giảng kinh ở chùa Siêu Loại, Bắc Ninh, có vua và đình thần đến dự lễ. Vua lên đàn thuyết pháp rồi nhường chỗ cho Pháp Loa tiếp tục giảng kinh. Lễ xong, vua đặt Pháp Loa kế thế trụ trì ở chùa Siêu Loại, làm chủ sơn môn Yên Tử để đem kinh điển hơn 200 bộ giao phó cho.
Pháp Loa phụng sắc truyền giới xuất gia cho Tuyên Từ hoàng thái hậu và Thiêm Trinh trưởng công chúa.
Pháp Loa chiếu định chức các tăng đồ trong dân chúng, từ đó tăng chúng nước ta có danh sách rõ ràng do Pháp Loa quản lãnh. Pháp Loa cho tạc được 1300 tượng Phật, dựng được 2 pháp tràng, 5 ngọn tháp, 200 tăng đường, và độ cho hơn 15.000 đệ tử trong số đó đắc pháp được 3000 người.
Thiền sư soạn cuốn: “Đoạn sách lục” và cuốn “Tham thiền yếu chỉ” còn lưu truyền đến ngày nay.
Khi sắp tịch, Thiền sư đem pháp bảo của Trần Nhân Tông truyền cho, để truyền lại cho Huyền Quang rồi đọc bài kệ như sau:
Trần duyên giũ sạch từ xưa,
Bốn mươi năm lẻ bây giờ là tiên.
Hỏi chi thêm bận thêm phiền,
Trăng thanh gió mát là miền tiêu giao.
Sau đó ngài dặn dò các đệ tử thân cận, xong rồi tịch, thọ 47 tuổi. Thiền sư là tổ thứ hai của phái Trúc Lâm.
Huyền Quang thiền sư (1254-1334)
Thiền sư họ Lý, tên tục là Lý Đạo Tái, quê tại làng Vạn Tải, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, cha là Tuệ Tố có công trong việc đánh Chiêm Thành, nhưng không chịu ra làm quan.
Theo Nho học, năm 20 tuổi Huyền Quang đỗ Trạng nguyên. Tư chất rất thông minh, lớn lên hình thù kỳ dị, mẹ lo lấy vợ cho, trong công việc trắc trở mãi không thành.
Đến khi đỗ trạng, thì các nhà quý tộc tranh nhau gọi gả con gái cho, vua cũng gọi gả công chúa cho trạng, trạng đều từ chối. Buồn về nhân tình thế thái, trạng ứng khẩu đọc hai câu thơ:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ trạng, tám nghìn nhân duyên.
Từ đó, Huyền Quang tỏ ra chán công danh, và phát tâm tu hành, tuy được bổ làm quan ở viện Hàn lâm và đi sứ sang Trung Hoa. Một hôm, ông đi theo vua Trần Anh Tông, nghe Pháp Loa thuyết pháp, liền giác ngộ, dâng biểu xin từ chức rồi xuất gia, thụ giới với Pháp Loa. Ông thường cùng Trần Nhân Tông, Pháp Loa đi các nơi thuyết pháp cho dân chúng. Ông có soạn cuốn: “Thư phẩm kinh” và cuốn “Công vận tập”.
Sau khi được Pháp Loa truyền tâm pháp, ông về tu ở chùa Vân Yên (tức chùa Hoa Yên) trong núi Yên Tử, đệ tử theo học có hàng nghìn người. Thiền sư có về thăm quê hương, xây dựng chùa làng, in kinh, thăm phần mộ, mở pháp hội bố thí cho người nghèo.
Huyền Quang là một thiền sư có tiếng, đồng thời là một thi sĩ có tài. Đứng trước cảnh đẹp của thiên nhiên, thiền sư đã thốt lên:
Dịch:
Cưỡi thuyền lướt gió sóng mênh mông,
Non nước trời thu một sắc trong
Tiếng sáo thuyền câu ngoài bến sậy,
Trăng rơi đáy nước, móc đầy song.
(Đinh Văn Chấp)
Khi Thiền sư tịch, vua ban tự hiệu là Trúc Lâm đệ tam đại tự pháp Huyền Quang tôn giả”.
Thiền sư là tổ thứ ba của phái Trúc Lâm.
Tuệ Tĩnh thiền sư
Ngài húy là Nguyễn Bá Tĩnh, pháp danh là Tuệ Tĩnh, quê ở làng Nghĩa Phú nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Nguyễn Bá Tĩnh sinh trưởng dưới triều nhà Trần (1225 - 1309), mồ côi cha mẹ hồi 6 tuổi, được các nhà sư ở chùa Hải Triều, chùa Keo (Thái Bình) nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông khi đậu Thái học sinh, nhưng không ra làm quan. Ông vẫn ở chùa và xuất gia, có ý định làm việc thiện bằng cách chữa bệnh cho dân.
Năm 55 tuổi, Tuệ Tĩnh bị bắt mang sang cống cho nhà Minh, Trung Hoa. Ở Trung Quốc, ông có tài chữa bệnh được phong là Y sĩ cửu phẩm và nổi tiếng danh y đã có lần vào chữa bệnh cho hoàng hậu triều nhà Minh và được thăng lên chức Đại y thiền sư. Ông tịch ở Trung Hoa.
Khi còn ở trong nước, Tuệ Tĩnh ngoài việc làm thuốc cứu dân đã xây dựng và tu sửa được 24 ngôi chùa, trong số đó có chùa Hải Triều (làng Yên Trang) nay gọi là chùa Giám, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương hiện nay còn di tích.
Kết hợp việc giảng kinh với việc cứu thế, Tuệ Tĩnh đã tổ chức các chùa thành những cơ sở y tế phòng chữa bệnh cứu dân độ thế. Tuệ Tĩnh đã có sáng kiến sử dụng những cơ sở sẵn có của một số chùa cùng lực lượng tăng ni ở đó thành một hệ thống y tế dân tộc. Tổ chức này đã biến vườn chùa trước kia trồng hoa, cây cảnh thành một vườn thuốc, một kho thuốc phục vụ cho việc chữa bệnh quanh năm theo sản xuất thiên nhiên bốn mùa của cây cỏ. Giảng đường của chùa không còn thuần túy là nơi giảng kinh Phật mà còn là lớp giảng về y dược học và kinh nghiệm phòng và chữa bệnh.
Tuệ Tĩnh thiền sư biên soạn cuốn: “Nam dược thần hiệu” trong đó ông đã nghiên cứu 580 vị thuốc nam và 3873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh.
Tuệ Tĩnh đã hướng việc tu hành sang hoạt động tích cực bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, coi đó là việc đạo. Công việc trồng, kiếm, sao tẩm, thuốc và chữa bệnh cho dân đã thu hút tăng ni vào những việc lao động thực tế để phục vụ cho lợi ích thiết thực của xã hội. Kế thừa sự nghiệp của Tuệ Tĩnh, nhiều tăng ni đã kiêm cả việc chữa bệnh cho dân. Ở các chùa đã có tập quán trồng một số cây thuốc vừa làm cảnh vừa làm thuốc chữa bệnh. Là một nhà tu hành, đồng thời là một thầy thuốc, Tuệ Tĩnh đã nêu lên quan điểm đạo lý và y lý của mình trong hai câu thơ:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình
Bao gồm triết học, đạo học và y học, phòng và chữa bệnh, một phương pháp dưỡng sinh: Tinh, khí, thần biểu hiện cho quá trình chuyển hóa việc (tinh, thành năng lượng, (khí) mà hình thức cao nhất là thần. Sự chuyển hóa này xảy ra trong cơ thể một cách liên tục, nó là điều kiện của sự sống.
Thuyết tinh, khí, thần đứng về y học là một thuyết có cơ sở khoa học, đứng về triết học, là một thuyết tiến bộ, đứng về phật học, là một thuyết pháp phù hợp với phật lý, đầy đủ thì thần với mạnh.
Dân tộc ta rất tôn sùng ông về sự cống hiến của ông cho nền y học cổ truyền của ta, đã lập đền thờ tại quê hương ông (làng Nghĩa Phú) và lập thêm đền bia ở thôn Vân Thái để lưu truyền công đức của ông mà người dân thời bấy giờ gọi ông là Thánh Thuốc Nam.
Tại đền thờ Tuệ Tĩnh trong xã Nghĩa Phú (nay là Cẩm Vũ) có đôi câu đối:
Danh khôi nhị pháp tiên Trần giám
Sứ mệnh thập toàn tỉnh Bắc y
Dịch:
Tuệ Tĩnh ở chân giám sinh nhà Trần mà thi đỗ đầu bảng Nhị pháp tiến sĩ.
Khi phụng mệnh đi sứ sang Trung Hoa, giữ được quốc thể toàn vẹn. Về y lý làm cho thầy thuốc Trung Hoa thấy sáng tỏ thêm nhiều vấn đề.
4. TRẦN ANH TÔNG (1293-1314)
Trần Anh Tông sinh năm Bính Tý (1276). Tháng Hai năm Nhâm Thìn (1292) được tấn phong Thái tử. Tháng Ba năm Quý Tỵ (1293) lên ngôi vua. Khi đó ngài mới 17 tuổi. Anh Tông là một ông vua khéo biết kế thừa sự nghiệp của tổ tiên, cho nên thời cuộc đi đến thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng. Vua cũng là một Phật tử thuần thành, rất sùng bái đạo Phật, hết lòng ủng hộ Phật giáo.
Năm 1303, khi thái thượng hoàng ngự ở Chiêm Thành về, vua Anh Tông lập một đàn tràng lớn gọi là “Vô lượng Phật pháp” ở chùa Phổ Minh, Nam Định và phát chẩn cho dân nghèo.
Năm Canh Tuất (1310), tháng Ba, Trần Anh Tông ban chiếu cứ ba năm độ tăng một lần; lại ban cho 80 mẫu ruộng tốt tại làng Ân Đinh, sai nông phu canh tác để cung cấp lương thực cho chúng tăng, và sau bốn, năm năm thì trả lại.
Sau khi thông hiếu với nhà Nguyên, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông sai sứ là Trần Khắc Sung sang Trung Quốc thỉnh kinh Đại Tạng, khi rước về để ở cung Thiền Trường. Năm 1311, vua Anh Tông xuống chiếu cho Pháp Loa khắc bản Đại Tạng kinh. Sư Pháp Loa nhờ Bảo Sát chủ trì việc này.
Năm Quý Sửu (1313), tháng Chín, Pháp Loa “Phụng chiếu” đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, đặt văn phòng Trung ương Giáo hội tại đó, quy định mọi chức vị tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ Tăng tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử PGVN tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương”. Giáo hội Trúc Lâm phát triển một cách có tổ chức, theo quy củ, số tăng sĩ tính đến năm 1329 lên tới 15.000 người, xây trên 100 ngôi chùa và hoàn thành rất nhiều Phật sự khác. Sự trợ duyên đắc lực của Trần Anh Tông đã giúp cho các Phật sự của Pháp Loa thành tựu viên mãn.
Nhà vua còn hết lòng ủng hộ Pháp Loa xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo: Giáp Dần (1314), vua Anh Tông lên ngôi thái thượng hoàng. Tại chùa Siêu Loại (Báo Ân tự) đúc tượng đồng ba vị Phật Di Đà, Thích Ca và Di Lặc mỗi tượng cao 17 thước ta, và xây điện Phật, gác kinh, nhà tăng gồm 33 sở. Thái thượng hoàng tự tay viết tấm biển “Nhị hương điện” ban cho chùa. Vua còn ban 500 hộp Đại Tạng kinh để làm của thường trụ chùa ấy. (7)
Vua và các tín đồ còn cúng nhiều tài sản có giá trị như ruộng đất cho giáo hội, xây dựng đại tùng lâm chùa Quỳnh Lâm và chùa Báo Ân. Trong tổng số đất đai ấy có đến hàng ngàn mẫu ruộng: “năm 1308, vua Anh Tông đã lấy 100 mẫu ruộng của riêng gia đình nhà Trần để cúng vào chùa Báo Ân. Năm 1312, Anh Tông cúng dàng năm vạn quan tiền để Pháp Loa bố thí cho dân nghèo. Vua cũng dâng cúng thuyền bè và kiệu phu cho chùa dùng, nhưng Pháp Loa từ chối không nhận. Vua sai lấy 500 mẫu ruộng từ Niệm Như Trang cúng vào chùa làm bất động sản. Năm 1313, Anh Tông lại theo lời di chiếu của Nhân Tông lấy những bảo vật thờ tự Tam bảo của mẹ cúng dàng vào chùa Báo Ân, lại cúng dàng vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phu để làm thêm chùa tháp. Cũng trong năm đó, Bảo Từ hoàng thái hậu cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu gia điền. Trước đây hoàng thái hậu đã quy y tại chùa này. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa. Năm 1317, tư đồ Văn Huệ Vương cúng dàng 4000 thưng tiền và ông Nguyễn Trường ở Lâm Động cúng dàng 75 mẫu ruộng vào chùa Quỳnh Lâm, công chúa Ngọc Trân cúng dàng tới 900 lạng vàng để đúc tượng Phật Di Lặc. Con trai Nhật Trinh công chúa là cư sĩ Di Loan cúng dàng 300 mẫu ruộng tại phủ Thanh Hoa. Bảo Từ hoàng thái hậu cúng dàng 222 mẫu đất ở phủ An Hoa. Sau đó tư đồ Văn Huệ vương lại cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm. Lúc này điền địa cúng vào riêng cho chùa Quỳnh Lâm đã lên tới trên 1000 mẫu. Chùa có tới 1000 người tá điền làm ruộng”.
Trần Anh Tông là vị đại thí chủ hộ pháp đắc lực cho đệ nhị tổ Pháp Loa hoàn thành những Phật sự lớn, giúp cho giáo hội Trúc Lâm phát triển cực thịnh.
Sự ủng hộ của nhà vua và giới cư sĩ đã gây nhiều phản ứng từ phía Nho gia, họ cảm thấy bất bình, đến nỗi Nho thần Lê Quát phải than phiền: “Cái thuyết họa phúc của nhà Phật mà sao cảm động đến lòng người sâu sắc đến thế nhỉ? Trên từ vương công dưới đến thứ dân, hễ nói đến việc bố thí cúng dàng vào Phật sự thì dù tiền cũng không tiếc” (8).
Năm Bính Thìn (1316), Anh Tông ban chiếu thỉnh sư Pháp Loa vào cung truyền Bồ tát giới tại gia cho mình. Ngài cũng thỉnh Pháp Loa vào cung Tư Phúc giảng Đại tuệ ngữ lục, vào cung Thiên Trường giảng Truyền đăng lục, hết mực tôn kính Pháp Loa. Ngài có ý định xuất gia tu học, nhưng chí nguyện chưa thành thì lâm trọng bệnh.
Năm Mậu Ngọ (1318), vua bắt đầu ăn chay: “Bấy giờ thượng hoàng có ý muốn xuất gia, sai cung nhân ăn chay. Cung nhân có người ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng để làm lương ăn tu hành sau này. Sau, Thị Diên quả nhiên xuất gia hiệu là Tĩnh Quang ni”.
Tháng Tám năm Mậu Ngọ, Trần Anh Tông xuống chiếu khiến Pháp Loa trụ trì am Thường Lạc tại Thiên Trường, và giảng Truyền đăng lục. Đến tháng 12, Pháp Loa phụng chiếu giảng Tuyết Đậu ngữ lục, Anh Tông ngự bút đặc phong sư hiệu Phổ Tuệ Tôn giả. Từ đó về sau, Anh Tông có thư từ gửi đến sư đều xưng là đệ tử, hoặc có gửi kệ tụng trình kiến giả, sư đều ấn khả.
Tháng 12 năm 1319, Anh Tông tự chích máu mình viết Đại Tạng kinh cỡ nhỏ, gồm 20 hộp, ban cho sư Pháp Loa.
5. TRẦN MINH TÔNG (1314-1329)
Ngài sinh năm 1300, là con thứ tư của Trần Anh Tông, mẹ là con Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng.
Tháng 3 năm Giáp Dần (1314), ngài lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Đại Khánh.
Trần Minh Tông có lòng nhân hậu, biết tôn trọng hiền tài nên có nhiều bậc tài giỏi dưới trướng như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hải. Năm 1329, ngài nhường ngôi cho thái tử Vượng. Mất năm 1357.
Vua học Phật, ăn chay, đọc Kinh Dịch, khuyến khích Nho học. Nho thần xuất hiện rất nhiều dưới thời vua tại vị. Vua cũng thường lui tới ủng hộ các Phật sự của đệ nhị tổ Pháp Loa. Đạo học của ngài cũng khá uyên thâm, thể hiện qua bài thơ sau:
Giới Âm ngâm
Nửa gian Giới Am vừa duỗi gối
Không gian đủ sống qua tháng ngày
Chim chóc chẳng lại, vẫn còn xuân
Bốn vách trống trơn không một vật
Vật đã là không vách cũng không
Làm sao hạt cải tìm đến được?
Có ai muốn phá Giới Am này
Lạc đường khiến cả ma trời khóc
Đói lòng ăn một bát cơm thôi
Nước lạnh đầy bình đỡ cơn khát
Giường mây, gối gỗ giấc nghỉ trưa
Đó chính là giờ rất khoái hoạt
Kinh cũng không đọc, Phật không thờ
Mắt nhặm chẳng biết gì tốt xấu
Khách vào có hỏi gốc tích ta
Đáp: hiểu theo xưa sai lạc mất
Thôi đừng nhọc công tìm kiếm ngoài
Xưa nay cùng chung một mũi thở
Giới Am nào phải vật gì lạ
Mũi dọc mày ngang, ta đó thôi.
Trong bài ngâm trên, Trần Minh Tông quán tưởng thân thể con người là một chiếc am nhỏ đủ để con người cư trú trong an lạc. (9)
Năm Đại Khánh thứ 8, Tân Dậu 1321, Trần Hiến Tông ban hành sắc luật mở kỳ thi khảo hạch tăng sĩ trong nước về nghĩa lý kinh Kim Cương. Chắc chắn lối tu hành của các tăng sĩ lúc bấy giờ cẩu thả và đáng ngờ, nên mới có cuộc thi lạ lùng này.
6. PHẬT GIÁO NHỮNG NĂM CUỐI NHÀ TRẦN
Từ cuối thời vua Trần Hiến Tông trở đi, Phật giáo không còn chỉ đạo đường hướng tư tưởng, văn hóa, chính trị nhà nước nữa. Cuộc chiến với Chiêm Thành đã làm hao tổn tiềm lực của Đại Việt và khiến triều chính nhà Trần rối ren, từ đó sự ủng hộ của triều đình đối với Phật giáo bị giảm sút. Giáo hội Trúc Lâm lúc bấy giờ dựa dẫm vào triều đình quá nhiều mà không phát huy đúng mức vai trò hoằng pháp trong dân gian. Số lượng đội ngũ phát triển nhanh khiến Giáo hội phải giới hạn việc tổ chức giới đàn, ba năm một lần và loại hàng nghìn người, nhưng vẫn khó bề kiểm soát. Tăng chúng càng đông thì càng có nhiều phần tử cơ hội, bất hảo làm hại thanh danh tăng đoàn. Và, khi những tệ đoan xuất hiện trong hàng ngũ tăng sĩ thì Phật giáo suy đồi là điều khó tránh khỏi (10).
Năm Xương Phù thứ 5 đời vua Trần Phế Đế Tân Dậu (1381), tháng 3 nhà vua sắc sai Đại Than quốc sư đốc suất các tăng nhân trong nước và các tăng nhân không có độ điệp ở rừng núi, người nào khỏe mạnh thì tạm làm quân đi đánh Chiêm Thành (11).
Năm Bính Tý (1396), tháng Giêng, vua Thuận Tông phải “xuống chiếu thải bớt các tăng đạo chưa đến năm mươi tuổi trở lên thì cho về bản tục. Lại người tục, ai thông hiểu kinh giáo thì cho làm các chức Đường đầu thủ, Tri cung (người coi các cung nhà vua), Tri quán (người coi các đền đài, miếu mạo), Tri tự (người coi các chùa), còn thì cho làm kẻ hầu của người tu hành”. (12)
Tháng Ba năm 1398, Hồ Quý Ly lập mưu cho người đạo sĩ vào cung, xui vua Thuận Tông nhường ngôi mà đi tu tiên. Thuận Tông liền nhường ngôi cho con là Trần Ấn mới 3 tuổi tức là Thiếu Đế. Hồ Quý Ly xưng là Khâm Đức Hưng Liệt đại vương, rồi sai người giết con rể là Thuận Tông.
Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly bức Thiếu Đế nhường ngôi. Triều Trần kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế có 12 đời vua, trị vì được 175 năm.
Còn tiếp…
Tác giả: Nguyễn Đại Đồng trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo.
***
Chú thích:
(1). Chủ biên: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá,Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
(2). Trần Thánh Tông, Bài tựa Thiền tông chỉ nam in trong Khóa hư lục, bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Nxb Tôn giáo, 2004.
(3). Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, 1996.
(4). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 1994.
(5). Thích Đồng Bổn, Yếu tố tam hợp trong thiền phái Trúc Lâm, sách Phật giáo đời Trần, Nxb Tôn giáo, 2011.
(6). Thích Bảo Nghiêm, Trần Nhân Tông - một hoàng đế anh minh, một thiền sư đắc đạo, Hội thảo về Trần Nhân Tông, năm 2008.
(7). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb Văn học, 1994.
(8). Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006.
(9). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb Văn học, 1994.
(10). Trong sách Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tân Việt, Hà Nội, 1943, Thượng tọa Thích Mật Thể có nói đến ảnh hưởng của Lạt Ma giáo đến Phật giáo Trung Quốc thời nhà Nguyên. Đời “năm 1311, vua Anh Tông nạp người con gái của vị tăng lạ tên là Dụ chi Ba lam vào cung. Vị tăng lạ ấy trước thường qua lại ở triều vua Nhân Tông, có phép tịch cốc và đi trên mặt nước, qua ở ta vài năm rồi về xứ. Năm ấy lại qua với người con gái được nạp vào cung thì vị tăng ấy ở lại và mất ở trong thành. Có lẽ đó là một sư người Tây Tạng, một nước sản sinh ra phù chú giáo. Hai năm ở triều Trần Nhân Tông tránh sao được sự truyền bá của giáo này”.
(11). Đại Than: Xã thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Đại Việt sử ký toàn thư.
(12). Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004.