Theo trang Space.com, hai hành tinh có tên TOI-1453 b và TOI-1453 c được xác định là đang quay quanh ngôi sao TOI-1453, một ngôi sao nhỏ và nguội hơn Mặt Trời của chúng ta, nằm trong chòm sao Thiên Long (Draco).
Phát hiện này đến từ công trình của nhóm nghiên cứu quốc tế do tiến sĩ Manu Stalport thuộc Đại học Lìege (Bỉ) dẫn đầu, với sự hỗ trợ từ kính viễn vọng không gian TESS của NASA và Kính thiên văn Quốc gia Galileo tại Đài quan sát Roque de los Muchachos (Tây Ban Nha).
Hai hành tinh mới được phát hiện - Minh họa AI: Thu Anh
TOI-1453 b là một siêu Trái Đất dạng hành tinh đá có kích thước lớn hơn Trái Đất, nhưng có nhiều đặc điểm tương đồng. Tuy nhiên, hành tinh này quay quanh ngôi sao mẹ với chu kỳ chỉ 4,3 ngày, khiến nó trở thành một thế giới cực kỳ nóng, nơi bầu khí quyển có thể bị bốc hơi hoàn toàn do nhiệt độ cao một "Trái Đất tử thần" đúng nghĩa.
Trong khi đó, TOI-1453 c một “tiểu Hải Vương tinh” là một hành tinh khí nhỏ hơn Sao Hải Vương, nhưng lại có mật độ cực thấp. Điều này cho thấy nó có thể sở hữu một lớp khí quyển dày đặc, giàu hydro hoặc thậm chí chứa nhiều nước yếu tố khiến nó trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các nghiên cứu về bầu khí quyển hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời.
Điểm đặc biệt khác là cả hai hành tinh đều quay quanh một ngôi sao thuộc hệ sao đôi một môi trường đầy thách thức do tương tác hấp dẫn phức tạp hơn nhiều so với các hành tinh quanh sao đơn.
Phát hiện này càng trở nên giá trị khi xét đến việc cả siêu Trái Đất và tiểu Hải Vương tinh là hai loại hành tinh phổ biến trong thiên hà Milky Way, nhưng lại hoàn toàn vắng mặt trong hệ Mặt Trời. Nghiên cứu sâu hơn về chúng có thể góp phần giải đáp một trong những câu hỏi lớn của ngành thiên văn học: Tại sao Hệ Mặt Trời của chúng ta lại hình thành theo một cách khác biệt đến vậy?
Như Ý (t/h)