Phát hiện loài thằn lằn bay niên đại 200 triệu năm

Phát hiện loài thằn lằn bay niên đại 200 triệu năm
8 giờ trướcBài gốc
Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian ở Washington DC, Mỹ vừa phát hiện ra một loài thằn lằn bay mới, loài bò sát từng bay lượn trên bầu trời vào thời kỳ khủng long cách đây hơn 200 triệu năm.
Xương hàm của loài bò sát cổ đại kỷ Tam Điệp này được khai quật ở Vườn quốc gia Petrified Forest, bang Arizona, Mỹ từ năm 2011, nhưng phải đến gần đây, các kỹ thuật soi chiếu hiện đại mới hé lộ những đặc điểm cho thấy đây là một loài hoàn toàn mới đối với khoa học.
Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho sinh vật này là Eotephradactylus mcintireae, có nghĩa là “nữ thần bình minh với đôi cánh tro bụi”.
Cái tên này nhằm nhắc đến lớp tro núi lửa đã giúp bảo tồn mẫu vật trong một lòng sông cổ xưa.
Với niên đại khoảng 209 triệu năm, đây hiện được cho là loài thằn lằn bay cổ xưa nhất từng được phát hiện ở Bắc Mỹ.
Minh họa loài thằn lằn bay sống trong cộng đồng gồm nhiều loài sinh vật cổ đại khác. Đồ họa: Brian Engh.
Thằn lằn bay được gọi một cách không chính thức là “pterodactyls”, để chỉ loài bò sát có cánh, biết bay thống trị bầu trời trong thời đại khủng long, vốn là khởi nguồn của nhiều loài khổng lồ, một số có sải cánh dài tới 11 m, nhưng Eotephradactylus mcintireae và các thành viên ban đầu khác lại khá nhỏ bé.
“Loài thằn lằn bay này có kích thước bằng một con mòng biển nhỏ..”, tác giả chính của nghiên cứu, Ben Kligman, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian cho biết.
Eotephradactylus mcintireae chỉ là một thành viên của hệ sinh thái đã mất được mô tả trong nghiên cứu, được công bố ngày 7/7 trên tạp chí PNAS.
Quần thể hóa thạch Arizona cũng bao gồm các loài lưỡng cư khổng lồ, cá mập nước ngọt, các sinh vật giống cá sấu giáp và một trong những hóa thạch rùa lâu đời nhất được biết đến.
Những phát hiện này giúp các nhà nghiên cứu hiểu được những loài động vật nào đã sống trước sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, có khả năng là do các vụ phun trào núi lửa gây ra, đã kết thúc kỷ Tam Điệp vào khoảng 201 triệu năm trước.
Địa điểm phát hiện hóa thạch thằn lằn bay. Ảnh: Ben Kligman/ Viện Smithsonian.
Vào cuối kỷ Tam Điệp, đông bắc Arizona nằm ngay phía trên đường xích đạo ở giữa siêu lục địa Pangaea.
Vào thời đó, khu vực này gồm những con sông dễ bị ngập lụt theo mùa, theo Viện Smithsonian.
Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng, một trận lụt đã cuốn loài thằn lằn bay nhỏ bé và các loài động vật khác, chôn vùi xác chúng trong trầm tích và tro núi lửa.
Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã phát hiện hơn 1.200 hóa thạch riêng lẻ trong lớp xương Kỷ Tam Điệp ở Arizona.
Lớp xương này đã tiết lộ một cộng đồng các loài mới tiến hóa, chẳng hạn như thằn lằn bay và rùa, cùng chia sẻ môi trường sống.
Nhà cổ sinh vật học Kligman cho biết, đây là lần đầu tiên các loài thuộc họ thằn lằn, rùa, ếch…cùng xuất hiện trong một hồ sơ hóa thạch, những nhóm này thường được tìm thấy sống cùng nhau trong các cộng đồng hậu kỷ Tam Điệp, từ kỷ Jura đến kỷ Phấn trắng, tuy nhiên chúng chưa bao giờ được tìm thấy sống trong cùng môi trường trước sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp cách đây 201 triệu năm.
Văn Phong/Livescience
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/phat-hien-loai-than-lan-bay-nien-dai-200-trieu-nam-180613.html