Phát hiện sinh vật biển ba mắt 500 triệu tuổi, thở bằng mang ở phần sau cơ thể

Phát hiện sinh vật biển ba mắt 500 triệu tuổi, thở bằng mang ở phần sau cơ thể
8 giờ trướcBài gốc
Theo Live Science, loài sinh vật này, có tên Mosura fentoni, mang đến nhiều thông tin mới mẻ về sự đa dạng và tiến hóa của động vật chân đốt trong kỷ Cambri.
Mosura fentoni là loài động vật ăn thịt nhỏ bé dưới đại dương trông hơi giống loài bướm đêm - Ảnh: ROM
Phát hiện từ bảo tàng cổ sinh vật học
Mosura fentoni được phát hiện trong kho hóa thạch tại dãy núi Rocky, thuộc khối đá Burgess Shale, một trong những địa điểm lưu giữ hóa thạch quan trọng nhất thế giới. Mẫu vật được bảo quản tốt đến mức các nhà nghiên cứu có thể quan sát rõ hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và đường tiêu hóa, điều hiếm thấy trong nghiên cứu hóa thạch do mô mềm thường không được bảo tồn.
Phát hiện này vừa được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science ngày 14.5 bởi nhóm nghiên cứu đến từ bảo tàng Hoàng gia Ontario (Canada). Đồng tác giả nghiên cứu Jean-Bernard Caron cho biết rất ít địa điểm hóa thạch trên thế giới cung cấp mức độ hiểu biết sâu sắc như vậy về giải phẫu bên trong của sinh vật cổ.
Dù Mosura fentoni chỉ có kích thước bằng ngón tay người, nhưng đây là phát hiện có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực cổ sinh vật học. Loài này được đặt tên theo “Mothra”, một sinh vật hư cấu trong điện ảnh Nhật Bản nổi tiếng với hình dạng giống bướm đêm. Tuy nhiên, trái ngược với hình tượng khổng lồ trên phim, Mosura fentoni ngoài đời lại rất nhỏ bé. Tuy vậy, cấu trúc cơ thể của nó lại hết sức đặc biệt.
Sinh vật này sở hữu ba mắt, một đặc điểm không phổ biến trong thế giới động vật hiện nay cùng một hệ thống mang dài nằm ở phần sau cơ thể. Đây là một đặc điểm khác biệt so với các loài radiodont khác cùng thời. Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống mang này có thể là cơ quan chuyên biệt phục vụ cho việc hô hấp, và thậm chí là hệ thống mang tương đối lớn nhất so với kích thước cơ thể trong số tất cả các loài radiodont đã biết.
Đa dạng sinh học
Động vật chân đốt là nhóm không xương sống lớn nhất hiện nay, chiếm khoảng 75% tổng số loài động vật. Nhóm này bao gồm côn trùng, giáp xác và nhện, có đặc điểm chung là bộ xương ngoài cứng, cơ thể phân đốt và chân có khớp nối. Một trong những lý do giúp nhóm này thành công về mặt tiến hóa là nhờ khả năng chuyên biệt hóa các phân đốt trên cơ thể, tạo nên sự đa dạng sinh học rất cao.
Mosura fentoni thuộc nhóm radiodont, một nhánh tổ tiên sớm của động vật chân đốt, từng phát triển mạnh trong kỷ Cambri (cách đây 541 đến 485 triệu năm). Các loài trong nhóm này thường có đặc điểm cơ bản như phần phụ đầu và các vạt bên trên cơ thể. Tuy nhiên, trước đây, phần lớn hóa thạch radiodont cho thấy cấu trúc cơ thể tương đối đồng nhất, với ít sự khác biệt giữa các loài.
Phát hiện Mosura fentoni đã cho thấy rằng nhóm này thực tế có mức độ đa dạng sinh học cao hơn nhiều. Cụ thể, phần thân sau được chia đốt của loài này được lót bằng các mang khác với cấu trúc của nhiều loài radiodont khác, nơi các phần đốt thường giống nhau và không có chức năng chuyên biệt.
Các nhà khoa học đã phân tích tổng cộng 60 mẫu hóa thạch Mosura fentoni, được thu thập trong giai đoạn 1990 - 2022. Phần lớn mẫu vật đến từ Raymond Quarry, một phần của công viên quốc gia Yoho ở tỉnh British Columbia (Canada). Ngoài ra, một mẫu khác được xác định tại bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian ở Mỹ.
Joe Moysiuk, tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của các bộ sưu tập trong bảo tàng: “Các bộ sưu tập, cả mới và cũ, là kho tàng thông tin vô giá về lịch sử sự sống. Đôi khi, chỉ cần mở một ngăn kéo bảo tàng, bạn có thể phát hiện ra điều chưa từng thấy”.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp ảnh và quét hóa thạch để tái dựng cấu trúc giải phẫu của sinh vật cổ đại. Phân tích này cho thấy hệ thống mang của Mosura fentoni không chỉ dài mà còn rất phức tạp, nhiều khả năng phục vụ chức năng hô hấp chuyên biệt.
Sự thích nghi với môi trường nguyên thủy
Mặc dù chưa rõ lý do chính xác tại sao Mosura fentoni lại có hệ thống mang lớn ở phía sau cơ thể, nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra một số giả thuyết. Một khả năng là sinh vật này sống trong môi trường nước có hàm lượng oxy thấp, buộc nó phải phát triển hệ thống hô hấp hiệu quả hơn. Một khả năng khác là Mosura fentoni có lối sống năng động, có thể bao gồm hoạt động sinh sản đòi hỏi lượng oxy lớn.
Phát hiện này đã nhấn mạnh một điều quan trọng: nhóm radiodont có sự đa dạng sinh học và khả năng thích nghi cao hơn nhiều so với hiểu biết trước đây. Điều này đặt ra câu hỏi về những đặc điểm tiến hóa ban đầu của toàn bộ nhóm chân đốt, một trong những nhóm sinh vật thành công nhất trên Trái đất hiện nay.
Nhà khoa học Jean-Bernard Caron cho biết: “Radiodont là nhóm chân đốt đầu tiên phân nhánh trong cây tiến hóa, do đó chúng mang lại cái nhìn rất quan trọng về các đặc điểm tổ tiên. Loài mới này chứng tỏ rằng sự đa dạng và khả năng thích nghi đã có mặt ngay từ giai đoạn đầu trong lịch sử tiến hóa của động vật chân đốt”.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/phat-hien-sinh-vat-bien-ba-mat-500-trieu-tuoi-tho-bang-mang-o-phan-sau-co-the-232696.html