Vùng đất này lâu nay được các nhà khoa học xem là "vùng trống" khảo cổ, thực tế lại nằm giữa các vùng đất thấp Maya, nơi từng là cái nôi của người Maya từ khoảng năm 1000 TCN đến 1500 SCN, trải dài từ Belize, El Salvador, Guatemala đến miền đông nam Mexico.
Thiết bị LiDAR trên không phát hiện ra những tòa nhà, quảng trường và ruộng bậc thang cổ xưa của người Maya. (Ảnh: Luke Auld-Thomas)
Gần đây, bí ẩn về vùng đất này đã được giải mã. Các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng ngàn kiến trúc cổ của người Maya và một thành phố lớn mà họ gọi là Valeriana, được đặt tên theo một đầm phá gần đó.
Khám phá này, được công bố trên tạp chí Antiquity, đã mang lại cái nhìn mới về nền văn minh Maya ở khu vực Campeche.
Sử dụng công nghệ LiDAR - một loại máy quét laser từ trên không, có thể xuyên qua tán rừng rậm để xác định các công trình bên dưới, các nhà nghiên cứu đã khảo sát một khu vực rộng 122 km2 ở phía đông Campeche.
Dữ liệu LiDAR, vốn được thu thập từ năm 2013 bởi tổ chức The Nature Conservancy, đã giúp họ khám phá ra một thành phố Maya cổ với các kiến trúc độc đáo như hồ chứa nước, sân bóng, kim tự tháp và hệ thống đường nối liền các quảng trường.
Bức tranh phồn thịnh của Valeriana
Tổng cộng, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 6.764 công trình kiến trúc tại Valeriana cùng với các khu định cư khác, từ nông thôn đến thành thị. Khám phá này cho thấy khu vực Campeche từng có mật độ dân cư đông đúc, tương đương với các địa điểm Maya nổi tiếng khác ở vùng đất thấp Maya.
Theo nhà khảo cổ Luke Auld-Thomas, người đứng đầu nghiên cứu: "Phát hiện này vừa đáng kinh ngạc vừa đúng như kỳ vọng. Với tiềm năng khảo cổ phong phú của vùng đất thấp Maya, có thể mỗi nơi chúng ta chưa khám phá đều đang ẩn chứa những thành phố cổ".
Trước đây, Campeche ít được chú ý hơn các vùng khảo cổ Maya nổi tiếng ở phía bắc Yucatán và vùng đất thấp phía nam.
Theo nhà khảo cổ Marcello Canuto, đồng tác giả nghiên cứu và là Giáo sư tại Đại học Tulane, khu vực này từng khó tiếp cận và thiếu các hiện vật Maya đặc trưng. Tuy nhiên, công nghệ LiDAR đã thay đổi hoàn toàn tình thế.
LiDAR làm sáng tỏ nền văn minh Maya
Carlos Morales-Aguilar, nhà khảo cổ tại Đại học Texas ở Austin cho rằng, dữ liệu LiDAR không chỉ giúp xác định quy mô của các khu định cư mà còn tiết lộ sự phức tạp trong tổ chức của các thành phố Maya, từ đô thị đến nông thôn.
Các tòa nhà của người Maya cổ đại (hình chèn, ở giữa) nằm tập trung trên đỉnh đồi. (Ảnh: Luke Auld-Thomas)
Ông nhận xét: "Người Maya đã phát triển hệ thống tổ chức cảnh quan rất cao, với các mạng lưới đường bộ, khu dân cư, ruộng bậc thang và công trình phòng thủ. Họ biết cách tận dụng địa hình tự nhiên như hố sụt và gờ đất để quản lý nước và phát triển đô thị".
Những phát hiện này thách thức quan niệm trước đây cho rằng các thành phố Maya chỉ là những bang quốc biệt lập, thay vào đó cho thấy một mạng lưới rộng lớn và kết nối trên toàn khu vực.
Việc sử dụng LiDAR đã tạo nên một cuộc cách mạng trong khảo cổ học, giúp các nhà khoa học dễ dàng phát hiện và nghiên cứu các thành phố bị che giấu trong rừng rậm.
Theo Phó giáo sư Tomás Gallareta Cervera tại Cao đẳng Kenyon: "LiDAR đã thay đổi cách chúng ta nghiên cứu đô thị và cư dân Maya theo những cách chưa từng có trước đây. Các nhà khảo cổ giờ đây có thể hiểu sâu sắc hơn về cách người Maya sống và phát triển qua hàng nghìn năm".
Xuân Minh