Phát triển du lịch xanh, bền vững

Phát triển du lịch xanh, bền vững
7 giờ trướcBài gốc
Phát triển du lịch xanh, bền vững vẫn là hướng đi đúng đắn cho Sìn Hồ. Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, nơi đây có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: cao nguyên Tả Phìn, đỉnh Pu Sam Cáp huyền thoại, các hang động đá vôi nguyên sơ, thác nước cuộn chảy quanh năm cùng hệ thống ruộng bậc thang trải dài tại các xã: Hồng Thu, Phìn Hồ, Tả Phìn… Không chỉ vậy, Sìn Hồ còn là nơi sinh sống của 14 dân tộc, nổi bật với các lễ hội đặc sắc cùng kho tàng nghề thủ công truyền thống. Giai đoạn 2020-2024, huyện đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các xã: Pu Sam Cáp, Phìn Hồ, Ma Quai, Sà Dề Phìn, Tả Ngảo… Một số bản cũng bắt đầu hình thành mô hình homestay, từng bước thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Theo thống kê của Phòng Văn hóa huyện, riêng năm 2024, Sìn Hồ đã đón hơn 23.000 lượt khách, tăng 15% so với năm trước; doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch ước đạt hơn 7 tỷ đồng. Và, quý I/2025, huyện Sìn Hồ đón hơn 5.700 lượt khách du lịch, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng từ các hoạt động dịch vụ liên quan, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Trần Văn Sứng - Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ nhận định: “Với điều kiện địa hình đặc thù, phát triển du lịch cộng đồng tại Sìn Hồ không chỉ góp phần giảm nghèo cho nhân dân, còn là động lực thúc đẩy bảo tồn văn hóa dân tộc và khai thác hiệu quả tiềm năng bản địa. Huyện đã, đang và sẽ tiếp tục lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực đầu tư vào phát triển hạ tầng du lịch, đồng thời khuyến khích người dân làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có bản sắc, có liên kết vùng. Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, huyện xác định không để ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển du lịch; ngược lại, coi đây là cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, tạo đột phá về quy hoạch và xúc tiến du lịch vùng cao”.
Đỉnh Long Quy ở bản Can Tỷ (xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ) thu hút đông đảo du khách.
Có thể nói việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính ở Sìn Hồ không đơn thuần là tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, còn tạo bước ngoặt về mặt không gian phát triển, nhất là với lĩnh vực giàu tính đặc thù như du lịch. Sìn Hồ - nơi mỗi xã, mỗi bản đang là một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc, thì việc sáp nhập cần được thực hiện thận trọng, khoa học và có tầm nhìn xa. Sự thay đổi về địa giới hành chính có thể tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch các tuyến, điểm du lịch một cách liên kết, đồng bộ hơn. Khi các xã có cảnh quan tương đồng hoặc bản sắc văn hóa bổ trợ cho nhau được hợp nhất, sẽ dễ hình thành các cụm du lịch cộng đồng liên hoàn, thay vì phát triển rời rạc như trước đây. Điều này rất phù hợp với xu hướng du lịch trải nghiệm theo hành trình, du khách chỉ đến một điểm, nhưng có thể khám phá nhiều không gian văn hóa trong một chuyến đi. Mặt khác, việc sáp nhập cũng mở ra cơ hội để nâng cấp hạ tầng, điều kiện sống, khả năng tiếp cận vốn của người dân. Các tuyến đường liên bản, hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước, internet… nếu được đầu tư đồng bộ sau khi sáp nhập, sẽ trở thành “mạch sống” cho du lịch vùng cao, đưa ngành Du lịch Sìn Hồ sang giai đoạn phát triển mới, thông thoáng, bài bản hơn.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi đó là không ít nỗi lo, nhất là từ phía người dân bản địa, những người giữ vai trò trung tâm trong phát triển du lịch cộng đồng. Bởi, khi địa giới hành chính thay đổi, nếu không có sự định hướng rõ ràng, không giữ vững bản sắc, dễ rơi vào tình trạng đồng hóa, mất phương hướng phát triển. Ông Giàng A Tùng - Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn chia sẻ: Trong bối cảnh sáp nhập, quan trọng nhất là giữ được định hướng lâu dài về phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc. Sắp xếp hành chính là để tối ưu bộ máy, nhưng không có nghĩa là xóa bỏ sự đa dạng bản sắc. Xã đang tham mưu UBND huyện xây dựng lại bản đồ du lịch sau sáp nhập, tái định vị các tuyến, điểm du lịch và xây dựng các cụm du lịch văn hóa sinh thái theo địa bàn rộng hơn, tạo thuận lợi cho việc quảng bá và thu hút đầu tư”.
Vừa qua, tại các buổi họp lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lai Châu năm 2025, tại các địa phương có tiềm năng du lịch của huyện Sìn Hồ, nhân dân bày tỏ quan điểm đồng tình, nhất trí cao với chủ trương chung. Tuy nhiên, mong muốn sau khi sáp nhập, bộ máy chính quyền mới tiếp tục quan tâm gìn giữ những nét riêng, đặc thù của từng bản, từng dân tộc. Chính sách rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, bà con đều tích cực tham gia phát triển du lịch địa phương.
Theo chị Mẩy Thanh - chủ homestay tại thị trấn Sìn Hồ, khách du lịch đến đây một phần thích thú, đam mê khám phá, tìm hiểu các địa danh, phong tục tập quán riêng có của các dân tộc trên địa bàn. Tôi kỳ vọng sau khi sáp nhập các xã, thị trấn, những địa danh nổi tiếng vẫn được giữ tên gọi, giữ vai trò trong bản đồ du lịch. Đồng thời, các cấp, ngành quan tâm tổ chức lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch cho người dân địa phương; có biển chỉ dẫn vào các điểm tham quan, đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông để du khách thuận lợi thực hiện hành trình khám phá.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, muốn phát triển bền vững cần có sự kết nối chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Nếu tận dụng tốt cơ hội tái cấu trúc địa bàn, kết nối không gian văn hóa và tăng hiệu quả quản lý, Sìn Hồ hoàn toàn có thể bước sang một giai đoạn mới trong phát triển du lịch cộng đồng, với cơ chế “thông thoáng”, hướng đến sự chuyên nghiệp và phát huy bản sắc vùng cao.
Mạnh Hùng Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-xanh-ben-vung-588127