Phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội đồng bộ, hiện đại

Phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội đồng bộ, hiện đại
3 giờ trướcBài gốc
Không chỉ đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, Hà Nội còn tăng cường kết nối các vùng miền, mở rộng không gian đô thị, góp phần tạo lập và dần xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn.
Đột phá từ các công trình hạ tầng trọng yếu
Hệ thống các tuyến đường cao tốc hướng tâm kết nối Hà Nội và các địa phương là một trong những điểm đột phá lớn của giao thông Thủ đô nói riêng cũng như cả nước nói chung. Đến nay, Hà Nội có nhiều tuyến cao tốc hướng tâm được đưa vào khai thác, có thể kể đến như: Hà Nội-Hải Phòng; Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Lạng Sơn; Hà Nội-Lào Cai; Pháp Vân-Cầu Giẽ... Bên cạnh đó, còn có 8 tuyến quốc lộ hướng tâm đã và đang được đầu tư. Việc hình thành mạng lưới cao tốc, quốc lộ này giúp kết nối giao thông thuận tiện, nâng cao năng lực vận tải, góp phần thúc đẩy các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc.
Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: kinhtedothi.vn
Hà Nội vẫn được nhắc đến là vùng đất trong sông, nơi có nhiều con sông lớn, nhỏ chảy qua. Hệ thống cầu bắc qua sông là điểm nhấn nổi bật trong mạng lưới giao thông Thủ đô. Thời gian qua, hàng loạt cầu vượt sông được xây dựng mới hoặc mở rộng như các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Đông Trù... Đây đều là những công trình quy mô lớn, đáp ứng lưu lượng phương tiện cao, rút ngắn khoảng cách, thúc đẩy giao thương. Tuy nhiên, so với nhu cầu thiết yếu thì số lượng cầu mới bắc qua sông để vào nội đô Hà Nội còn thiếu.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó có 6 cầu hiện hữu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh. Cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng. Xây dựng mới các cầu, hầm gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trên đường vành đai 4), Tứ Liên, Trần Hưng Đạo... Xây dựng 8 cầu qua sông Đuống, trong đó có 4 cầu hiện đang sử dụng gồm: Cầu Đuống (dùng chung cho đường sắt, đường bộ), Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Đông Trù. 4 cầu xây dựng mới gồm: Cầu Đuống mới, Giang Biên, Mai Lâm, Ngọc Thụy.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang xây dựng đường vành đai 4. Đường vành đai 5 theo quy hoạch gồm các đoạn đi mới và các đoạn đi trùng đường hiện tại với tổng chiều dài khoảng 375km, quy mô tối thiểu 4 làn xe, qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đồng thời, xây dựng mới các trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài khoảng 90km gồm: Trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây-Ba Vì, trục Hà Đông-Xuân Mai, trục Ngọc Hồi-Phú Xuyên. Cùng với giao thông kết nối, mạng lưới giao thông nội đô cũng được quan tâm, đầu tư. Không chỉ mở rộng các trục đường giao thông chính, Hà Nội còn xây dựng các cầu vượt, hầm đường bộ tại những nút giao thông trọng điểm. Nhờ vậy, nhiều điểm thường xuyên gặp cảnh ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn.
Hình thành trục xương sống của giao thông công cộng
Hà Nội vừa có thêm tuyến tàu điện trên cao đi vào hoạt động thuộc dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội. Kể từ tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được khai thác là tuyến Cát Linh-Hà Đông vào tháng 11-2021, thành phố tiếp tục mở rộng loại hình vận tải công cộng này để phục vụ người dân. Hà Nội hiện cũng là địa phương duy nhất của cả nước khai thác đường sắt đô thị. Có những ngày cao điểm, hai tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đón hơn 100.000 lượt hành khách. Điều này đã cho thấy sức hút rất lớn của đường sắt đô thị, tăng thêm năng lực của vận tải công cộng, dần thay đổi thói quen đi lại của người dân, thay thế phương tiện cá nhân. Từ đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông, xây dựng môi trường giao thông văn minh, hiện đại.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội có 10 tuyến với hơn 410km. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 bổ sung phát triển thêm 5 tuyến, nâng tổng số đường sắt đô thị Hà Nội lên 15 tuyến với tổng chiều dài gần 617km. Để hiện thực hóa các tuyến đường sắt đô thị này, Hà Nội cần huy động nguồn lực rất lớn, chưa kể, qua thực tế các dự án đang triển khai, thời gian xây dựng đường sắt đô thị thường kéo dài, trong khi nhu cầu đi lại của người dân không ngừng gia tăng.
Hà Nội đang thúc đẩy triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng). Đây được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết những bài toán lớn đặt ra cho Thủ đô hiện nay, trong đó có các vấn đề về ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, thu hút nguồn lực đầu tư. Theo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XV) vào tháng tháng 6-2024, mô hình TOD là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị hoặc điểm kết nối giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khỏe cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Khu vực TOD bao gồm nhà ga, depot (trung tâm vận hành, khai thác, bảo dưỡng...) đường sắt đô thị, điểm đón, trả khách của các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác và vùng phụ cận được xác định theo quy hoạch, kết hợp cải tạo, chỉnh trang, đầu tư phát triển đô thị.
Để triển khai mô hình TOD, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định nhiều chính sách đặc thù cho Hà Nội. Đáng chú ý là trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, UBND TP Hà Nội được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, các phương thức vận tải hành khách công cộng khác, phát triển đô thị. Trong khu vực TOD, UBND TP Hà Nội được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô... HĐND TP Hà Nội được quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. UBND thành phố quyết định đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị, quyết định đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thành phần, quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố...
Việc áp dụng mô hình TOD cùng những định hướng, tầm nhìn dài hạn, tổng thể của Thủ đô sẽ tạo nền tảng cho phát triển đô thị bền vững, phát huy vai trò chủ đạo, xương sống của đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung. Các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giúp Hà Nội tăng thêm nguồn lực, rút ngắn trình tự, thủ tục, tập trung nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, hướng tới xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng, trở thành động lực cho phát triển Thủ đô trong tương lai.
MẠNH HƯNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-ha-tang-giao-thong-ha-noi-dong-bo-hien-dai-797064