Phát triển nền công nghiệp vững mạnh

Phát triển nền công nghiệp vững mạnh
4 giờ trướcBài gốc
Xã hội hóa trong đào tạo
Từ năm 1997, khi vừa tái lập tỉnh, dân số Bình Dương có 679 nghìn người, mật độ 252 người/km2. Để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh, thành khác đến định cư, làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Điểm nổi bật trong chính sách thu hút nguồn nhân lực của Bình Dương là luôn tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, giáo dục, bảo hiểm… không có sự phân biệt giữa người dân trong tỉnh, có hộ khẩu với người nhập cư chưa có hộ khẩu. Sự hấp dẫn ấy đã thu hút từ 80 - 90% lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các KCN của tỉnh Bình Dương.
Khoảng 2 thập kỷ qua, Bình Dương vươn lên là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp.
Theo Cục Thống kê Bình Dương, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh cả về số lượng và tỉ trọng, năm 2010 là hơn 1,3 triệu người, chiếm 76,4% dân số. Tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế chiếm tỉ lệ khá cao, năm 2000 là trên 83% và năm 2010 là 84%.
Ngoài ra, Bình Dương còn có nhiều biện pháp thu hút lao động phổ thông như xây dựng nhà ở cho công nhân miễn phí, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, bán nhà hoặc cho thuê đối với công nhân có thu nhập thấp, gửi thư ngỏ đến các tỉnh, thành để tuyển dụng lao động, khuyến khích thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề.
Về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm (1997 - 2010) của tỉnh đã hình thành một đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý đa dạng, từ nhiều nguồn trong và ngoài nước đảm đương các nhiệm vụ trong yếu trong điều hành sản xuất, quản lý xã hội. Bình Dương còn tổ chức những chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, nghiên cứu phương thức quản lý tiên tiến, khoa học ở các nước phát triển. Hơn 100 doanh nghiệp xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Bình Dương luôn đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển.
Từ năm 2011, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015” nhằm nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thực hiện chương trình này, công tác đào tạo nghề cho người lao động được đẩy mạnh, hằng năm, số lượng học viên tốt nghiệp ở các cơ sở học nghề để cung ứng cho thị trường lao động bình quân hơn 30 ngàn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh đạt hơn 70%.
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có gần 10 trường đại học và mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được phát triển khắp các huyện, thị xã, thành phố với 76 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mỗi năm, các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh khoảng 30 ngàn học viên, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho 45.500 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%.
Tạo môi trường đầu tư thông thoáng
Bình Dương tiếp tục chủ trương ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để tạo đà cho sự ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thống kê giai đoạn 1997 - 2000, Bình Dương có 7 KCN tổng diện tích hơn 1.600 ha, gồm: Sóng Thần 1 và 2, Bình Đường, Việt Hương, Đồng An, Tân Đông Hiệp, Việt Nam - Singapore (VSIP).
Từ con số khiêm tốn ấy, đến nay Bình Dương đã có khoảng 30 KCN, trong đó 27 KCN đang hoạt động với diện tích gần 13 nghìn và hơn 10 cụm công nghiệp diện tích gần 1.000 ha. Hết tháng 10/2022, tỉnh đã thu hút được trên 4 ngàn dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn khoảng 40 tỷ USD (tăng gấp 30 lần về số dự án và số vốn so với năm 1997) và gần 50 ngàn doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh, tổng vốn hơn 43 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 40 lần về doanh nghiệp và hơn 90 lần về vốn so với năm 1997). Đó là kết quả của hàng chục năm kiên trì thực hiện chủ trương “trải chiếu hoa” mời gọi nhà đầu tư bằng cơ chế thông thoáng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh cùng đồng hành, kịp thời giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư.
Chuyển đổi số cũng đang được Bình dương quan tâm thực hiện.
Một trong những điểm nhấn về phát triển công nghiệp ở Bình Dương là xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với mục tiêu hình thành các KCN, khu dân cư và dịch vụ cao cấp trên diện tích 4.196 ha, tổng vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng, khởi công ngày 12/10/2004. Đến nay đã có 6 KCN tập trung đi vào hoạt động, khu dịch vụ 678 ha đã triển khai một số dự án. Tâm điểm của Khu liên hợp là Thành phố mới Bình Dương, năm 2014 tỉnh khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính tập trung tại trung tâm Thành phố mới - được xem là biểu trưng cho quá trình bứt phá đi lên của Bình Dương.
Sau quá trình phát triển, Khu liên hợp đã đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực xung quanh, trực tiếp tái cấu trúc lại khu dân cư nông thôn trước đây quy hoạch lại hiện đại. Các khu đô thị cao cấp cho các chuyên gia, khu nhà ở xã hội, khu tái định cư, hệ thống đường giao thông, cũng như thu hút các nhà đầu tư về đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và mang lại cuộc sống thịnh vượng hơn cho người dân.
Khu liên hợp được quy hoạch và áp dụng mô hình TOD (Transit Oriented Development), đây là mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng, mô hình này từ lâu đã được nhiều đô thị áp dụng để phát triển đô thị, gắn với kế hoạch với sử dụng đất và đã mang lại nhiều thành công. Mô hình TOD đã phổ biến ở các nước phát triển như ở Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Bình Dương đã áp dụng TOD từ khi bắt đầu xây dựng thành phố Mới Bình Dương vào 2010, TOD đã cho thấy tính ưu việt của nó trong việc để dành quỹ đất cho không gian giao thông công cộng, qua đó giảm chi phí đầu tư cho các tuyến giao thông công cộng trong tương lai. Việc chuyển đổi một vùng đất nông nghiệp, quy hoạch tự phát kiểu làng xã sang mô hình quy hoạch hiện đại đã phổ biến và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu là một thành quả lớn của đề án xây dựng Khu Liên hợp, hình thành một phương thức cũng như định hướng quy hoạch lâu dài cho toàn tỉnh.
Trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển Khu liên hợp, lãnh đạo Bình Dương nhận thấy những bất cập và sự cần thiết trong việc cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và đặc biệt là nhà đầu tư. Vì vậy, trong giai đoạn đầu của dự án, Bình Dương đã tập trung vào việc cải cách và hình thành Trung tâm hành chính tập trung, Khu Triển lãm Hội nghị tỉnh Bình Dương, với mong muốn đóng góp vào việc thay đổi, xây dựng hành chính một cửa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như là chào đón nhà đầu tư nước ngoài đến Bình Dương.
Quốc Định
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/phat-trien-nen-cong-nghiep-vung-manh-10292234.html