Phát triển sản phẩm đặc thù: 'Đòn bẩy' nâng tầm du lịch Vĩnh Long

Phát triển sản phẩm đặc thù: 'Đòn bẩy' nâng tầm du lịch Vĩnh Long
3 giờ trướcBài gốc
Khai thác giá trị văn hóa
Câu ca dao "Thà rằng nhận bưởi Năm Roi/Còn hơn anh ở vậy lẻ loi một mình" đã trở thành giai thoại thú vị, gắn liền với tên gọi đặc sản tiêu biểu vùng đất Bình Minh nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung.
Theo sách "Văn hóa Vĩnh Long 1732-2000", nguồn gốc tên gọi "Bưởi Năm Roi" bắt nguồn từ việc chàng trai trẻ đem lòng yêu cô gái nhà vườn. Cha của cô gái mới trồng được giống bưởi ngon. Một đêm, chàng trai hẹn với cô gái ra vườn để tâm sự. Lúc chàng trai lò dò tìm cô gái thì chẳng may gặp phải ông chủ vườn. Anh đành nhận đại là nghe nói bưởi ngon nên định vào hái trộm, còn hơn để ông chủ vườn biết là có hẹn ước với cô gái thì không còn hy vọng. Anh chàng bị ông chủ vườn phạt đánh năm roi vì tội hái trộm bưởi. Nghe chuyện, dân gian đặt tên là bưởi Năm Roi.
Bưởi Năm Roi, trái cây đặc sản gắn liền giai thoại thú vị về chuyện tình lãng mạn miệt vườn sông nước.
Vùng đất Bình Minh - xứ Cái Vồn, từ xưa đã là nơi “đất lành chim đậu”, hội tụ 3 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa. Bình Minh không chỉ nổi tiếng với bưởi Năm Roi, tàu hủ ky Mỹ Hòa (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) mà còn thu hút du khách bởi cảnh quan tuyệt đẹp. Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng phân tích: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều khu du lịch nông nghiệp, du lịch vườn nhưng mấy nơi có vườn đặc sản bưởi Năm Roi, trái Thanh Trà, cải xà lách xoong nổi tiếng như Bình Minh.
Về cảnh quan thiên nhiên, Bình Minh sở hữu view sông Hậu cực đẹp dài 13 km. Du khách có thể ngoạn cảnh sông nước mênh mông, ngắm hoàng hôn xuống bên kia thủ phủ Tây Đô. Với mục tiêu trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thị xã Bình Minh đã đặt ra những kế hoạch phát triển cụ thể từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Giai đoạn 2025 – 2030, thị xã tập trung phát triển du lịch cộng đồng - du lịch nông nghiệp, sinh thái sông nước, hình thành các “Khu du lịch bưởi Năm Roi”, “Khu du lịch Thanh Trà”, “Khu du lịch đồng cải xà lách xoong”,… và kết hợp du lịch làng, xóm nghề: “Làng nghề tàu hủ ky trăm năm - Mỹ Hòa”, cùng các khu “Du lịch hoài niệm phà Cần Thơ - Cái Vồn”, gắn với “xóm Bắp”, “xóm Nhang”, “xóm Bầu cải” và du lịch văn hóa tâm linh như đình Mỹ Thuận, chùa cổ Đông Phước, chùa Bồ Đề, chùa Tòa Sen, chùa Phù Ly 1,…
Với Đề án xây dựng du lịch đặc thù, tỉnh Vĩnh Long tập trung vào phát triển 4 loại hình du lịch chính, gồm: Homestay, nông nghiệp, làng nghề và văn hóa. Đề án đặt mục tiêu tăng lượng khách 10%/năm, doanh thu tăng từ 25-30%/năm. Du lịch văn hóa được xác định là sản phẩm định hướng phát triển dựa trên việc khai thác đặc điểm lịch sử các di tích lịch sử - văn hóa và thân thế sự nghiệp các vị nguyên thủ, nhà khoa học, học giả, trí thức có tầm ảnh hưởng quốc gia qua các thời kỳ, khẳng định Vĩnh Long là vùng đất học, vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Với 13 di tích lịch sử cấp quốc gia, 4 di sản văn hóa phi vật thể và 56 di tích cấp tỉnh, Vĩnh Long tự hào là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa.
Gốm đỏ, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: Qua 3 năm triển khai, đề án đạt một số thành tựu đáng kể. Tỉnh Vĩnh Long tập trung quảng bá, giới thiệu câu chuyển điểm đến của các di tích độc bản để hình thành tour du lịch, như: Văn Thánh miếu (một trong ba văn miếu còn lại ở Việt Nam còn giữ nguyên bản), điểm nhấn quan trọng trong việc giới thiệu quảng bá về đất học Vĩnh Long; Công Thần miếu với nét độc đáo là nơi lưu giữ 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức; Thất Phủ miếu (chùa Ông) là nơi ghi dấu ấn người Hoa định cư tại Vĩnh Long,…
Thương hiệu Homestay Vĩnh Long
Du lịch homestay ở Vĩnh Long hình thành từ những năm 1990 và khá thành công với các hoạt động trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt sông nước của người dân địa phương kết hợp khai thác yếu tố văn hóa về phong tục tập quán, lễ hội đưa vào chương trình tour phục vụ du khách.
Các lò gạch cũ nằm san sát nhau bên dòng Kênh Thầy Cai là điểm đến độc đáo, thu hút du khách.
Ông Phạm Công Toàn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Hồ cho biết: Long Hồ là cái nôi du lịch sinh thái của tỉnh Vĩnh Long, thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp sông nước miệt vườn. Huyện có lợi thế phát triển du lịch xanh, đặc biệt khu vực cù lao An Bình (bao gồm bốn xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh, Đồng Phú), với hệ thống kênh rạch chằng chịt kết nối với hai nhánh sông Tiền và sông Cổ Chiên.
Cù lao An Bình với nguồn tài nguyên phong phú, hơn 4.000ha vườn cây ăn trái đa dạng về chủng loại, các di tích lịch sử nổi bật như Chùa Tiên Châu, Đình Hòa Ninh, Đình An Thành, hệ thống các nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm với kiến trúc độc đáo. Các hoạt động trải nghiệm tại homestay, như: lội ruộng bắt cá, nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,… thu hút du khách trong và ngoài nước.
“Huyện Long Hồ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, toàn diện và phát triển bền vững”, ông Toàn nói.
Làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm.
Cụm homestay An Bình đã nhận được giải thưởng du lịch Homestay ASEAN giai đoạn 2023-2025, đánh dấu lần thứ 3 Vĩnh Long đạt được danh hiệu này. Các cụm homestay An Bình, Hòa Ninh và Phương Thảo đã góp phần tôn vinh và quảng bá thương hiệu du lịch homestay Vĩnh Long, khẳng định vị thế của tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Các homestay không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách ngày một tốt hơn.
Vườn Thanh Trà trĩu quả, đặc sản trứ danh của vùng đất Bình Minh, Vĩnh Long.
Vĩnh Long hiện có 31 điểm vườn trái cây phục vụ du lịch, các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát để duy trì tiêu chuẩn phục vụ tốt nhất cho du khách. Tỉnh Vĩnh Long có 159 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, với 59 sản phẩm đạt 4 sao và 100 sản phẩm đạt 3 sao với 98 chủ thể. Năm 2023, ngành du lịch phối hợp, triển khai thí điểm 3 điểm trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP quà tặng, quà lưu niệm và đã đạt thành công bước đầu và tiếp tục triển khai 4 điểm mới trong năm 2024. Các địa phương phát huy thế mạnh nông nghiệp sẵn có gắn với sản phẩm OCOP, xây dựng mô hình tham quan, trải nghiệm tại các điểm vườn, tạo nét đặc trưng riêng để quảng bá, xúc tiến đến các cơ sở lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch hiệu quả.
Vĩnh Long xây dựng tour du lịch theo các tuyến sông kết hợp tham quan làng nghề để du khách trải nghiệm.
Vĩnh Long tự hào với nhiều làng nghề, nghề truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo. Trong đó, làng nghề gạch gốm Mang Thít nằm một dãy bên dòng sông Cổ Chiên và Kênh Thầy Cai là điểm đến độc đáo, thu hút đông đảo du khách. Việc khai thác các lò gạch gốm truyền thống hiện có làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Vĩnh Long tập trung xây dựng thương hiệu du lịch với những nét riêng, đạt được nhiều kỷ lục ấn tượng, như: Xác lập kỷ lục Việt Nam với 100 món ăn, thức uống chế biến từ khoai lang Bình Tân; Xác nhận kỷ lục đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam; Điểm du lịch Nhà gốm Tư Buôi đạt kỷ lục Việt Nam “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam”; Điểm du lịch Nhà dừa Coco Home được xây dựng với hơn 4.000 cây dừa được Hiệp hội dừa Việt Nam công nhận là “Nhà dừa Việt Nam”; Làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít với khoảng 1.000 lò hình quả trứng còn tồn tại trên thực tế chỉ có duy nhất ở Vĩnh Long, đang quy hoạch định hướng trở thành “Di sản đương đại” kết hợp với phát triển du lịch,… Việc này đã tạo được điểm nhấn đối với du khách khi nhắc đến du lịch Vĩnh Long.
Khai phá tiềm năng du lịch đường sông Vĩnh Long
Vĩnh Long có 2 nhánh sông Mê Kông (sông Tiền, sông Hậu) chảy qua, với nhiều lợi thế phát triển du lịch. Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: Trong năm 2024, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã đề cập đến nội dung liên kết phát triển tour du lịch đường sông. Các tỉnh, thành ĐBSCL đang phối hợp với TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin để xây dựng tuyến du lịch đường sông, đây cũng là cơ hội thúc đẩy, khai phá tiềm năng du lịch đường sông ở Vĩnh Long và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.
Vĩnh Long tập trung quảng bá các di tích lịch sử độc đáo, xây dựng tour du lịch theo tuyến sông Hậu (Bình Minh - Trà Ôn - Tam Bình); tuyến sông Tiền (Vĩnh Long - Vũng Liêm - Cù lao Dài – Làng gốm); tuyến Cái Bè - Vĩnh Long - Cù lao An Bình - Sông Long Hồ gắn với một số hoạt động văn hóa, sông nước. Kết hợp cho du khách trải nghiệm khám phá đời sống sinh hoạt cư dân, thưởng ngoạn cảnh quan dọc tuyến sông kênh rạch, chế biến món ăn, nghỉ dưỡng và thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian, duy trì tổ chức định kỳ các suất hát bội (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), hoạt động đờn ca tài tử.
Văn Vĩnh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/phat-trien-san-pham-dac-thu-don-bay-nang-tam-du-lich-vinh-long-i747567/