Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hội nhập, hiệu quả

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hội nhập, hiệu quả
4 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm
Chiều 24.9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của luật hiện hành về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động; đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật gồm: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm.
Trong đó, giữ nguyên tên gọi các nội dung so với Luật Việc làm 2013 gồm: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm; đổi tên nội dung “Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm” thành “Dịch vụ việc làm”, “Thông tin thị trường lao động” thành “Hệ thống thông tin thị trường lao động”; bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên “Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề” thành “Phát triển kỹ năng nghề”; bổ sung nội dung “Đăng ký và quản lý lao động”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo đã nêu trong Tờ trình, cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản đã bám sát 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua.
Dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan; thành phần Hồ sơ dự án Luật đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng nhận thấy, chất lượng của các báo cáo thành phần cần phải tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
Trobg đó, Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách còn thiếu số liệu, chưa bảo đảm bao quát, đầy đủ, thuyết phục đối với những quy định sửa đổi trong dự thảo Luật; chưa đánh giá cụ thể tác động đối với ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện chính sách.
Thường trực Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh, mở rộng hoặc không quy định giải pháp để thực hiện đã làm thay đổi nội hàm của chính sách đã đề ra khi đề xuất xây dựng Luật; có chính sách đã được quy định trong Luật hiện hành, chưa thực hiện được nhưng vẫn tiếp tục được quy định nhưng không có giải pháp sửa đổi căn cơ để khắc phục những bất cập đã được nhận diện.
Dự luật cũng đã có những quy định để đáp ứng với bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, già hóa dân số nhưng lại mới chỉ quy định mang tính tuyên ngôn, chưa bảo đảm tính khả thi. Dự thảo Luật cũng thiếu một số quy định nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đặt ra trong quá trình quản lý.
Chính sách khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm xanh đã khả thi chưa?
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những giải pháp đột phá liên quan đến thị trường lao động là đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) phải đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường lao động trong nước và nước ngoài theo tinh thần của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24.11.2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trong quá trình sửa đổi luật, cần phải bám vào Nghị quyết số 42-NQ/TW, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4.5.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vừa qua, Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương trên của Đảng bằng Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5.2.2021 ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và Nghị quyết 06/NQ-TTg của Chính phủ ngày 10.1.2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
“Trong này nhấn mạnh là linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Chúng ta phải quán triệt tinh thần này. Việc hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Góp ý vào nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo Luật có 130 điều, tăng 200% so với Luật hiện hành, do đó phải rà soát, đánh giá thật kỹ, cân nhắc việc lược bớt các điều khoản theo hướng: việc gì cần thiết, thuộc thẩm quyền của Quốc hội quy định thì đưa vào luật; những việc không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, phải giải quyết thường xuyên, liên tục thì quy định trong Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ, ngành.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… nhằm tránh chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đề cập chính sách của Nhà nước hỗ trợ về việc làm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần so sánh với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hợp tác xã để tìm ra những nội dung mới, những nội dung tốt hơn để quy định vào dự thảo Luật. Ví dụ, về hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp, các mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo và giới thiệu việc làm thì mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, nhà khoa học, nhà tuyển dụng, nhà đầu tư đang được khuyến khích nhằm tạo việc làm ổn định, bền vững cho người lao động.
Bên cạnh đó, quy định về việc Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm xanh trong bối cảnh kinh tế số và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh như trong dự thảo Luật đã bảo đảm tính cụ thể, khả thi chưa hay vẫn còn chung chung?
Các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn được quy định từ Điều 14 đến Điều 16 dự thảo Luật cũng cần xác định rõ cách thực hiện tham gia chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào.
Góp ý vào Chương VII về bảo hiểm thất nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần khẳng định việc sửa luật lần này là có khắc phục được những vướng mắc hiện nay hay không, nhất là việc thực hiện vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong duy trì việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, người sử dụng lao động…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài chính cho ý kiến thêm về nội dung trên; Bộ Tài chính có ý kiến về các nội dung liên quan đến các chính sách, quy định sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn vốn cho vay để giải quyết việc làm.
Thanh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/phat-trien-thi-truong-lao-dong-linh-hoat-hoi-nhap-hieu-qua-post391292.html