Phố đi bộ quận Hoàn Kiếm trước giờ khai mạc 'Ngày hội Văn hóa vì hòa bình'

Phố đi bộ quận Hoàn Kiếm trước giờ khai mạc 'Ngày hội Văn hóa vì hòa bình'
3 giờ trướcBài gốc
Sân khấu chính của Chương trình được dàn dựng công phu tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, sử dụng ngôn ngữ thực cảnh để tái hiện lại các di tích lịch sử, địa điểm nổi tiếng gắn liền với Thủ đô như Cửa ô Hà Nội, Cổng Đoan Môn (Hoàng Thành Thăng Long), Cầu Long Biên, và Cột cờ Hà Nội... thu hút đông đảo du khách và người dân đến tham quan, check in
Đặc biệt, màn tập duyệt các phần diễu hành, trình diễn của Chương trình "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" trong chiều 4.10 và sáng 5.10, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đã tái hiện sống động về hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10.10.1954, khi quân đội Việt Nam tiếp quản Thủ đô tạo ra sự thu hút mạnh mẽ với du khách quốc tế và người dân Thủ đô Hà Nội
Hình ảnh cờ hoa tưng bừng trong ngày hội lớn với sự tái hiện các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam vào tiếp quản Thủ đô năm 1954
Chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, với nhiều màn trình diễn, diễu hành được chuẩn bị công phu
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” sẽ khai mạc vào sáng Chủ nhật, ngày 6.10, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm có khoảng 10.000 người tham gia. Trong đó, khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 9.000 người gồm lực lượng diễu hành và trình diễn là nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế
Các phần diễu hành, kết hợp thực cảnh tái hiện lịch sử của Thủ đô Hà Nội với truyền thuyết Hồ Gươm, khí phách và văn hóa của người Hà Nội
Phần trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân đặc sắc; diễu hành, giới thiệu di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và quốc gia ghi danh như giới thiệu về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, đền Sóc…
Phần trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân đặc sắc
Chương trình cũng giới thiệu những di sản diễn xướng dân gian tiêu biểu: Ca trù, hát xẩm, hát múa Ải Lao, rối nước, rối cạn…
Diễu hành và giới thiệu làng nghề truyền thống tiêu biểu Thủ đô: Tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng; làng nghề nón Chuông; dệt lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm Bát Tràng; làng nghề Mỹ nghệ Thiết Úng; làng nghề Bún Mạch Tràng; làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng - Phú Túc; khảm trai thôn Ngọ - Chuyên Mỹ; may Vân Từ; mây tre đan Phú Vinh; điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng; quạt Chàng Sơn…
Làng nghề tò he nổi tiếng ở thôn Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên...
Làng nghề giò chả Tân Ước, xã Ước Lễ, huyện Thanh Oai...
Sự tái hiện tạo ra không gian văn hóa lịch sử độc đáo, giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn về văn hóa và lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội
Đoàn diễn hành còn có sự tham gia của các cựu chiến binh - những người đã cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc
Những hình ảnh quen thuộc như Cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, hay Cổng Đoan Môn (Hoàng Thành Thăng Long), Cột cờ Hà Nội, Nhà hát Lớn (Hà Nội)… sẽ được tái hiện rõ nét trên sân khấu, mang lại cảm xúc sâu lắng cho du khách và người dân Hà Nội
Đức Hiệp
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/pho-di-bo-quan-hoan-kiem-truoc-gio-khai-mac-ngay-hoi-van-hoa-vi-hoa-binh-post392376.html