Chiều 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị thông tin phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia thì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025; và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà - Phó Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Tham dự Hội nghị còn có các chuyên gia, nhà khoa học tham gia phân tích phổ điểm: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục; Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An; Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội).
Cùng sự góp mặt của các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, đại diện các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; và hơn 100 cơ quan thông tấn báo chí.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức công bố phổ điểm thi tốt nghiệp với các phương tiện thông tin đại chúng.
Lý giải điều này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm 2025 là kỳ thi đầu tiên triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong bối cảnh phụ huynh, học sinh và cán bộ quản lý giáo dục đặc biệt quan tâm đến kết quả kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị, mời các chuyên gia để phân tích phổ điểm một cách toàn diện, đầy đủ, kỹ lưỡng.
“Qua đó, các cơ quan truyền thông có cách tiếp cận toàn diện, đầy đủ, kỹ lưỡng giúp ngành giáo dục đưa tin kịp thời, khách quan, chất lượng trên cơ sở ý kiến các chuyên gia”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Lưu ý thêm, Thứ trưởng nhấn mạnh phổ điểm được phân tích bởi tổ chuyên gia độc lập dựa trên dữ liệu điểm thi do các Sở Giáo dục và Đào tạo gửi về Ban Chỉ đạo thi. Dữ liệu này đã được xử lý bảo mật, không gắn với bất kỳ số báo danh cụ thể nào.
Nhóm chuyên gia phân tích phổ điểm được mời đến hội nghị hôm nay gồm 7 thành viên là các giáo sư, tiến sĩ khoa học, các thầy cô có kinh nghiệm quản lý giáo dục và chuyên sâu về khảo thí, kiểm định chất lượng sẽ đưa ra nhận xét, phân tích trên tinh thần khách quan, bám sát mục tiêu đổi mới giáo dục và mục tiêu cụ thể của kỳ thi tốt nghiệp.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà (theo thứ tự từ trái qua phải) chủ trì thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có 513 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, 141 thí sinh được điểm 10 môn tiếng Anh, không có điểm 10 môn Ngữ văn.
Cụ thể, môn Toán có trên 1,12 triệu thí sinh dự thi, trong đó có 513 thí sinh đạt điểm 10. Trong khi đó năm 2024, số điểm 10 là 0. Ninh Bình, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên là các địa phương có nhiều điểm 10 môn Toán nhất.
Môn ngữ văn phổ điểm tương đối ổn định, nhưng không có điểm 10 (năm 2024 có 2 điểm 10).
Môn tiếng Anh có điểm trung bình là 5,38, với 141 điểm 10. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có nhiều điểm 10 tiếng Anh nhất.
Phổ điểm có sự phân hóa tốt, phản ánh đúng năng lực người học
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Trao đổi tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, bản thân cảm thấy bất ngờ và cũng yên tâm với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay.
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, rất nhiều thí sinh lo lắng vì nhận định đề khó, và dự đoán phổ điểm thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, với kết quả thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đánh giá đề thi đã có sự phân hóa tốt, và nhìn chung không có sự biến động quá lớn so với những năm trước.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Trần Hiệp
Từ góc nhìn các nhà trường phổ thông, cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho hay, thời gian đầu thầy và trò nhà trường cũng cảm thấy băn khoăn, lo lắng với những đổi mới ở kỳ thi năm nay.
Tuy nhiên, sau thời gian được tập huấn, với sự định hướng và chỉ đạo sát sao từ Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường từng bước bắt nhịp với cách dạy và học mới.
Kết quả kỳ thi năm nay cũng là cơ sở quan trọng để nhà trường có định hướng tiếp tục đổi mới trong cách dạy học và truyền đạt kiến thức.
Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng nhận định: kết quả phổ điểm phản ánh đúng năng lực người học.
“Kết quả thi lần này không chỉ là cơ sở để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, mà qua đó cũng có thể khẳng định rằng chúng ta đã tổ chức thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tôi đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa cho các địa phương, từ khâu tổ chức dạy học đến ôn tập, các điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức kỳ thi”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nhận định.
Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Theo thầy Thành, việc đánh giá đề thi khó - dễ phải dựa trên phân tích khoa học kỹ lưỡng, đánh giá qua các tiêu chí về mục tiêu, độ tin cậy, giá trị của bài thi,...
Và với kết quả thi năm nay, thầy Thành nhận định đề thi đánh giá được yêu cầu chuẩn đầu ra, có độ tin cậy, giá trị cao; là kết quả đáng tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh đầu vào.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng cho biết, phổ điểm giúp Nghệ An đánh giá lại từng môn, điều chỉnh cách dạy, tăng cường giải quyết vấn đề và ứng dụng thực tế để hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều địa phương khó khăn có kết quả nổi bật
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đặc biệt ấn tượng khi nhiều địa phương khó khăn có kết quả nổi bật. Ảnh: Trần Hiệp
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh đến sự vươn lên của các địa phương như Điện Biên, Đắk Lắk, An Giang từ kết quả điểm thi. Các môn thi khó như tiếng Anh, nhiều học sinh ở các tỉnh này vẫn đạt điểm cao, thậm chí điểm 10, nhờ sự đổi mới phương pháp giảng dạy và môi trường học tập tốt hơn.
Cùng chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục Phạm Hồng Quang cũng đã có những phân tích từ góc nhìn khoa học giáo dục.
Mở đầu, Giáo sư Phạm Hồng Quang đặt vấn đề: Mong muốn của chúng ta là gì? Đề thi có thật sự đo lường và đánh giá đúng năng lực người học hay không?
Luật Giáo dục 2019 đã nêu rõ: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp… nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.
Tư duy giáo dục hiện đại là tự học, mỗi cá nhân có quyền lựa chọn tương lai của mình tùy theo năng lực của các em. Quá trình giáo dục con người cần bền bỉ, lâu dài và có nhiều khó khăn.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục. Ảnh: Trần Hiệp
Giáo sư Phạm Hồng Quang đánh giá, phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 được biểu thị trên cơ sở dữ liệu đã khẳng định điều trên ở mức độ đạt yêu cầu, đảm bảo mục tiêu xác nhận trình độ phổ thông, cơ bản, nền tảng, được phân loại, và được sử dụng xét tuyển vào đại học có độ tin cậy.
Kỳ thi vừa xét tốt nghiệp vừa là căn cứ để tuyển sinh đại học, do vậy Giáo sư Phạm Hồng Quang cho rằng phân hóa là bắt buộc. Về quản lý, giải pháp này vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả, ai cũng thấy rõ và không có gì mâu thuẫn với quyền tự chủ đại học.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh cần chấm dứt tư duy điểm số tuyệt đối vốn đang ngày càng lỗi thời trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục.
“Học là quá trình, thi chỉ là một khâu xác nhận với cá nhân”, Giáo sư Phạm Hồng Quang nêu quan điểm.
Tiếp tục phân tích về ý nghĩa điểm số, theo thầy Quang, một điểm số chỉ thực sự có giá trị trong bối cảnh, con người cụ thể với mặt bằng học lực. Điểm cao của học sinh chuyên với học sinh lớp đại trà nếu thiếu yếu tố bối cảnh môi trường sẽ là một chỉ báo không chuẩn. Đặc điểm vùng, miền với điều kiện học tập rất khác nhau cũng là yếu tố cần nhìn nhận rộng hơn vấn đề đang được gọi là “chuẩn”.
Lấy ví dụ với điểm thi môn Tin học, thầy Quang dẫn chứng, trong top 10 địa phương có điểm trung bình cao nhất lại là các tỉnh vùng khó (các địa phương trước khi sáp nhập) như: Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình…
“Mặc dù mẫu số không lớn nhưng đây cũng là điều rất đáng để trân trọng”, thầy Quang nói.
Tương tự, một số môn có thí sinh đạt nhiều điểm 10 nhất như Lịch Sử, Địa lý, tiếng Anh... cũng có tên các tỉnh ở vùng khó khăn. Điều này, theo Giáo sư Phạm Hồng Quang, thể hiện nỗ lực trong đổi mới cách dạy, học của các địa phương, cũng như hiệu quả của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
Giáo sư Phạm Hồng Quang cũng nhấn mạnh cần có lộ trình đánh giá chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình ra đề thi từ năm 2026, nhất là trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, thầy Quang cũng lưu ý rằng trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế sâu rộng, cả xã hội và các nhà chuyên môn không nên bàn về đề thi “dễ hay khó” mà hãy cùng nhau: đo lường và phân loại đúng năng lực người học; từ phía gia đình, xã hội và trường học làm trụ cột.
Cuối cùng, Giáo sư Phạm Hồng Quang bày tỏ sự đánh giá cao việc đổi mới cách ra đề môn Ngữ văn. Đề ra đúng hướng phát triển hình thành năng lực khi học liệu trong sách giáo khoa là vật liệu để kiến tạo ý tưởng giáo dục. Theo chuyên gia, đây là điều quan trọng; đòi hỏi học sinh phải huy động kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lí, chính trị, hơi thở của cuộc sống… từ đó giúp kích hoạt cảm hứng cho học sinh trong quá trình thi, quá trình dạy học. Và điều này sẽ tác động trở lại cách dạy và học trong các nhà trường.
“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đã đạt được các giá trị giáo dục, góp phần định hình xu hướng mới về giáo dục phổ thông: cơ bản, nền tảng với triết lý coi trọng sự vững chắc trong học vấn nền tảng rộng, giúp các em có 3 khả năng là nhìn thế giới, tư duy khám phá và tư duy linh hoạt”, Giáo sư Phạm Hồng Quang nhận định.
“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 đã thành công tốt đẹp”
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ: Đến giờ phút này chúng ta có thể khẳng định kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 đã thành công tốt đẹp, đảm bảo các mục tiêu theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đó là, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ghi nhận kết quả 12 năm học tập của học sinh. Đánh giá công tác quản lí, chất lượng dạy học phổ thông, từ đó làm căn cứ điều chỉnh chính sách về giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, chế độ cho giáo viên và học sinh. Cung cấp số liệu tin cậy cho công tác tuyển sinh đại học.
“Để đạt được mục đích này, áp lực đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các Sở Giáo dục và Đào tạo, với công tác tổ chức kỳ thi là rất lớn. Nhưng với quyết tâm cao, phải vượt qua khó khăn, áp lực đó để tổ chức tốt kỳ thi, vì người học”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, một trong những thách thức trong kỳ thi năm nay là việc chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực; nên độ khó, dễ của đề cũng phải có một chuẩn riêng.
Bên cạnh đó, ở kỳ thi năm nay, học sinh được lựa chọn môn thi để bảo đảm định hướng nghề nghiệp, giúp các em phát huy hết phẩm chất, năng lực; nên dù có môn rất ít học sinh lựa chọn (thậm chí có địa phương, có môn chỉ có 1 thí sinh dự thi), các em vẫn được tạo điều kiện tối đa. Buổi thi môn lựa chọn, tổ chức đồng loạt cho nhiều môn thi cũng là thử thách lớn… Đổi lại, học sinh rất phấn khởi vì được phát huy sở trường của mình. Lần đầu tiên các em chọn thi môn Tin học, Công nghệ - Nông nghiệp, lần đầu tiên có em ở vùng miền núi chọn thi tiếng Anh. Đó là điều rất thành công.
Về chất lượng và phổ điểm, Thứ trưởng khẳng định, phổ điểm năm nay không có sự "sốc" như nhiều người lo ngại. Phổ điểm, trung bình, trung vị, chuẩn lệch đều tương thích, thể hiện sự ổn định.
Về quá trình đổi mới giáo dục, Thứ trưởng đánh giá, quá trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018, từ dạy học đến đánh giá, trang bị kiến thức cho học sinh là phù hợp với chương trình đổi mới. Học sinh phổ thông chuyển trạng thái nhanh, thích ứng tốt với hình thức thi mới. Giáo viên đã thay đổi phương pháp dạy, tập trung hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh thay vì chỉ dạy kiến thức theo khuôn mẫu.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần bỏ dần tư duy chỉ đánh giá dựa trên điểm số. Dù điểm là thông số định lượng quan trọng, nhưng không phải là thước đo duy nhất. Giáo dục cần đánh giá tổng thể cả quá trình học tập, rèn luyện.
“Ban đầu có những lo lắng, nhưng giờ đây, định hướng đổi mới là đúng đắn, phát huy hết sở trường, năng lực, nguyện vọng của các em học sinh. Ngành giáo dục và các thầy cô nỗ lực, tổ chức công tác coi thi thật, chấm thi thật, ra đề thật, nhưng giảm áp lực và giảm tốn kém cho gia đình học sinh, tăng cơ hội cho học sinh”, Thứ trưởng nói.
Về tuyển sinh đại học, Thứ trưởng khẳng định kết quả kỳ thi năm nay đủ độ tin cậy để các trường yên tâm tuyển sinh. Lần đầu tiên quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học có sự kết nối chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi học sinh, hướng tới đào tạo nhân tài thật, chất lượng thật như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của học sinh, giáo viên, các cơ sở giáo dục và toàn ngành giáo dục trong kỳ thi lần này. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh, chuyên gia, nhà quản lí, để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.
Cuối cùng, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, giáo viên, các địa phương, cơ quan truyền thông đã đồng hành cùng ngành giáo dục. Thứ trưởng nhấn mạnh, để đổi mới thành công, ngành giáo dục phải tiếp tục kiên trì, nhất quán, càng ngày phải đi vào thực chất, từ công tác quản lý đến giảng dạy, đánh giá. Việc đổi mới phải nhìn cả quá trình, không chỉ dừng lại ở điểm số hay kết quả tức thì, mà phải là thành quả của một nền giáo dục phát triển bền vững, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội và đất nước.
Doãn Nhàn