Sẽ có sự đổi mới về phân bổ chi thường xuyên và chi đầu tư
Sáng 5/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Theo như các đại biểu Quốc hội phản ánh, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức. Tuy nhiên, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được.
Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt. Chẳng hạn, việc phân bổ chi cho khoa học và công nghệ cũng phải có dự toán, đơn giá được phê duyệt, định mức được phê duyệt.
Về giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về phân bổ chi thường xuyên và chi đầu tư. Ví dụ, trong chi thường xuyên, sau khi Quốc hội phê chuẩn thì giao một lần cho các đơn vị, tức là các tỉnh và các bộ ngành. Các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo đúng quy định. Sau đó, Bộ Tài chính làm nhiệm vụ kiểm tra lại việc thực hiện.
Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên thì chủ yếu là tiết kiệm ở các hoạt động sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm rồi chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách và các mua sắm nhỏ, còn lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại là các khoản chi khác.
Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009 - 2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất.
Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.
Về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho hay, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình.
Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ. Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước.
Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận có 11 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tham gia phát biểu giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận
Các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường cho thấy, các đại biểu thống nhất năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước cũng gặp khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024. Năm 2025 là năm cuối của nhiệm, kỳ kết quả thực hiện ngân sách, chính sách tài khóa năm 2025 đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 -2025.
Do đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu; kịp thời phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực.
Các đại biểu cũng lưu ý, cần tăng cường vai trò chủ đạo của Ngân sách trung ương; có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ bội chi nợ công trong điều kiện phải tăng quy mô nợ để thực hiện các dự án công trình trọng điểm; tập trung các giải pháp quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước và chú ý các khoản thu từ đất và thương mại điện tử; điều hành chi ngân sách theo hướng đảm bảo dự toán chặt chẽ, hiệu quả; đặc biệt lưu ý công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu chi ngân sách.
Các đại biểu đề nghị cần kịp thời phân bổ, giao vốn đầu tư công năm 2025 quyết liệt chỉ đạo để đánh nhanh tiến độ giải ngân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công; Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, không dàn trải; đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao hiệu quả và tăng cường giám sát hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo các nghị quyết của Quốc hội.
Thống nhất với các nội dung Chính phủ đề nghị điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nhưng các đại biểu đề nghị cần tính toán dự kiến sát hơn tình hình thực hiện để hạn chế phải điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước; đồng thời, đề nghị quản lý sử dụng có hiệu quả đúng quy định dự toán được điều chỉnh bổ sung…
Các đại biểu còn tham gia ý kiến về các đề xuất kiến nghị của Chính phủ đối với dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; tham gia ý kiến về dự toán thu về số kinh phí chưa phân bổ dự toán; bố trí dự toán cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội để đưa các nội dung quan trọng, cần thiết vào các nghị quyết của Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Quỳnh Nga