Phông chữ cho người khó đọc

Phông chữ cho người khó đọc
2 ngày trướcBài gốc
Phông chữ chuyên biệt hỗ trợ người mắc chứng khó đọc.
Báo cáo đánh giá giáo dục quốc gia Mỹ (NAEP) năm 2024 công bố ngày 29/1 đã cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: điểm số đọc hiểu của học sinh Mỹ sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục. Chỉ 31% học sinh lớp 4 đạt tiêu chuẩn tiêu chuẩn thông thạo của NAEP, giảm so với 33% năm 2022 và 35% năm 2019. Với học sinh lớp 8, chỉ 30% đạt hoặc vượt mức thông thạo, trong khi tỷ lệ học sinh dưới mức cơ bản lên tới 33% - mức cao nhất kể từ khi kỳ thi này bắt đầu năm 1992.
Cuộc khủng hoảng đọc viết không chỉ đơn thuần là vấn đề học thuật, mà còn là hệ quả sâu rộng của bất bình đẳng kinh tế - xã hội và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19. Điều này đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách và giáo dục phải nhanh chóng tìm kiếm những giải pháp đột phá để cứu vãn tình hình.
Theo Hiệp hội Chứng Khó đọc Quốc tế (IDA), từ 15% đến 20% dân số gặp phải tình trạng này, chiếm tới 80-90% số người có khuyết tật học tập. Hiệp hội Phát triển Quốc tế định nghĩa chứng khó đọc là khuyết tật học tập dựa trên ngôn ngữ với các triệu chứng bao gồm khó khăn với các kỹ năng ngôn ngữ như đọc, đánh vần và viết.
Chứng khó đọc không phải là một rào cản không thể vượt qua, mà là một thách thức đòi hỏi sự can thiệp chuyên sâu và có hệ thống. Để cải thiện điều này, nhiều trường học tại Mỹ đã áp dụng các công nghệ mới để hỗ trợ học sinh.
Nhiều ứng dụng và công cụ như chuyển văn bản thành giọng nói, ghi âm giọng nói thành văn bản, sách nói và thư viện điện tử Bookshare (thư viện sách nói và sách điện tử với các tính năng đọc hỗ trợ) đã giúp học sinh khó đọc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.
Giám đốc điều hành Trường Công lập Provident Charter ở Pittsburgh, Maria Paluselli, chuyên hỗ trợ học sinh mắc chứng khó đọc, cho biết: "Mỗi trẻ gặp khó khăn đọc hiểu đều cần một phương pháp học ngôn ngữ có cấu trúc chặt chẽ, tuần tự và đa giác quan".
Hiệu quả bất ngờ từ phông chữ chuyên biệt
Trong bối cảnh khoảng cách giáo dục ngày càng rộng, những giải pháp như phông chữ thân thiện với chứng khó đọc (dyslexia) đang trở thành cách tiếp cận hiệu quả giúp mở rộng khả năng tiếp cận tri thức cho học sinh. Trong số các giải pháp, phông chữ Dyslexie và OpenDyslexic đang được biết đến với những tác động tích cực.
Năm 2008, nhà thiết kế đồ họa Christian Boer - cũng là một người mắc chứng khó đọc - đã tạo ra phông chữ Dyslexie với mục tiêu cải thiện trải nghiệm đọc. Ông điều chỉnh các chữ cái một cách tinh tế: tăng phần dưới, điều chỉnh độ nghiêng và mở rộng khoảng cách giữa các chữ cái để giúp người đọc dễ dàng nhận biết.
Christian Boer - cha đẻ của font chữ Dyslexie.
Từ một dự án cá nhân, Dyslexie nhanh chóng được các tổ chức như Shell, chính phủ Hà Lan và ngay cả lực lượng cảnh sát địa phương áp dụng. Đáng chú ý, hiện tại, Dyslexie đã được hơn 300.000 người dùng, trong đó 80% là cá nhân. Boer cho biết, mục tiêu chính của ông không phải kinh doanh mà là nâng cao nhận thức về chứng khó đọc và sự đa dạng thần kinh.
Phông chữ OpenDyslexic cũng có nguyên tắc thiết kế tương tự với phần đế dày và khoảng cách chữ rộng. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của những phông chữ này vẫn gây tranh cãi. Mary Wennersten, Giám đốc chương trình đào tạo giáo viên của Hiệp hội Chứng Khó đọc Quốc tế, cho biết nghiên cứu không chứng minh được Dyslexie và OpenDyslexic cải thiện tốc độ hoặc độ chính xác khi đọc.
Sách thiếu nhi được ứng dụng phông chữ Dyslexie.
Bất chấp những tranh luận, nhiều nhà xuất bản đã nhận thức được tiềm năng của những phông chữ này. Bộ sách Here's Hank! của Henry Winkler và Lin Oliver, được xuất bản từ 2014 đến 2019, là những cuốn sách đầu tiên tại Mỹ sử dụng phông Dyslexie. Winkler, người bản thân cũng từng trải qua khó khăn với chứng khó đọc, chia sẻ: "Từ kinh nghiệm mắc chứng khó đọc của tôi, tôi luôn cảm thấy như thể tôi đang đứng bên ngoài nhìn vào".
Các nhà xuất bản khác như Penguin Workshop, Abrams, và Philomel cũng đã áp dụng các phông chữ này trong các cuốn sách như Aaron Slater, IllustratorJust Ask! của thẩm phán Sonia Sotomayor.
Ngoài phông chữ đặc biệt, một số phông phổ biến như Arial, Verdana và Comic Sans cũng được đánh giá cao về độ rõ ràng, giúp người gặp khó khăn khi đọc dễ tiếp cận hơn. Các nhà nghiên cứu cũng khuyến nghị tăng khoảng cách giữa dòng, nâng cao độ tương phản giữa chữ và nền, cũng như chia nhỏ nội dung để cải thiện khả năng đọc hiểu.
Đặt học sinh là mục tiêu hàng đầu
Một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Project Tomorrow đã chứng minh lợi ích của sách in khổ lớn đối với học sinh gặp khó khăn trong đọc hiểu. Trong số 1.500 học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 tham gia nghiên cứu năm học 2023-2024, 87% giáo viên nhận thấy sách in khổ lớn giúp học sinh tiến bộ, 77% cho biết học sinh có sự cải thiện đáng kể trong đọc hiểu, và 74% nhận thấy mức độ tham gia học tập của học sinh tăng lên.
Mặc dù có nhiều cải tiến trong giảng dạy, dữ liệu NAEP 2024 cho thấy khoảng cách giữa học sinh có thành tích cao và thấp vẫn đang ngày càng nới rộng. Điều này đặt ra thách thức lớn trong bối cảnh ngân sách giáo dục Mỹ đang chịu nhiều biến động và tranh cãi chính trị sâu sắc.
Dù lựa chọn công cụ nào, nhiệm vụ hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong đọc hiểu vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà giáo dục. Suzy Capozzi, Biên tập viên tại Union Square & Co., nhấn mạnh: "Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng, và nó ảnh hưởng không cân xứng đến những học sinh có trình độ đọc hiểu thấp hơn. Tôi rất vui khi được tham gia vào các dự án sách hỗ trợ trẻ em đọc tốt hơn".
Giám đốc IDA, Mary Wennersten bổ sung: "Có thể có lợi khi cung cấp nhiều tùy chọn phông chữ và cho phép học sinh chọn cái phù hợp nhất với họ. Ngoài ra, đảm bảo khoảng cách dòng đầy đủ, độ tương phản cao giữa văn bản và nền, và chia nhỏ nội dung thành các phần nhỏ hơn có thể nâng cao khả năng đọc hơn nữa".
Những phông chữ như Dyslexie và OpenDyslexic không chỉ là các công cụ kỹ thuật, mà còn là biểu tượng của sự đổi mới, lòng nhân ái và cam kết tạo ra một môi trường giáo dục công bằng, nơi mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển bất kể những thách thức riêng của mình. Trong một thế giới giáo dục ngày càng phức tạp, những bước tiến nhỏ như phông chữ chuyên biệt này có thể là những bước ngoặt quan trọng, mở ra những cánh cửa mới cho hàng triệu học sinh.
Nguyễn Long
Nguồn Znews : https://znews.vn/phong-chu-cho-nguoi-kho-doc-post1540907.html