Phong trào 'Bình dân học vụ số': trang bị kỹ năng số cho mọi người dân

Phong trào 'Bình dân học vụ số': trang bị kỹ năng số cho mọi người dân
8 giờ trướcBài gốc
Những đội hình “Bình dân học vụ số” tại cộng đồng được hình thành với lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên – những người được đào tạo và trang bị kiến thức để trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh toàn cầu bước vào kỷ nguyên số, chuyển đổi số đã và đang trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam. Việc phổ cập tri thức số đến toàn dân không chỉ là nhu cầu cấp thiết, mà còn là nhiệm vụ chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách số, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận tri thức và dịch vụ công, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ nhận thức đó, phong trào “Bình dân học vụ số” đã được phát động và lan tỏa rộng khắp, với mục tiêu nâng cao năng lực số, kỹ năng sử dụng thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân ở mọi tầng lớp, mọi độ tuổi. Đây chính là nền tảng vững chắc để xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phong trào “Bình dân học vụ số” kế thừa và phát huy tinh thần của phong trào “Bình dân học vụ” diệt “giặc dốt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cách đây 80 năm, nay mang sứ mệnh mới trong thời đại số - “xóa mù công nghệ”. Đây là lời đáp mang tính thời đại cho nhiệm vụ trang bị kiến thức và kỹ năng số cơ bản, giúp người dân tự tin, an toàn khi tham gia môi trường số, đồng thời tiếp cận và thụ hưởng thành quả của công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phong trào hiện đang được triển khai sâu rộng tại khắp các địa phương trên cả nước, với sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp. Những đội hình “Bình dân học vụ số” tại cộng đồng được hình thành với lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên – những người được đào tạo và trang bị kiến thức để trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho người dân, nhất là người cao tuổi, lao động tự do hay nhóm yếu thế.
Đặc biệt, mô hình “gia đình học số” cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt khi con cháu chủ động hướng dẫn ông bà, cha mẹ sử dụng điện thoại thông minh, ứng dụng như VNeID, dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng giao dịch số an toàn. Từ những thao tác đơn giản đến kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, mỗi người dân đang dần hình thành thói quen học hỏi và thích nghi với môi trường số, góp phần thúc đẩy hình thành một xã hội học tập hiện đại, nơi công nghệ là công cụ phát triển và hội nhập.
Tại Hà Nội – trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, phong trào “Bình dân học vụ số” đang diễn ra sôi nổi với những mục tiêu cụ thể. Quận Đống Đa phấn đấu đến năm 2026, 100% cán bộ công chức, viên chức có kỹ năng số, toàn bộ học sinh sinh viên được trang bị kiến thức số, và ít nhất 80% người dân trưởng thành có khả năng làm chủ công nghệ. Quận Tây Hồ đặt ra chỉ tiêu đến năm 2026, trên 95% cán bộ công có hiểu biết và khả năng sử dụng các nền tảng số phục vụ công việc, 100% học sinh trung học được đào tạo kỹ năng số để học tập, nghiên cứu, sáng tạo và đảm bảo an toàn số.
Các lớp học số, khóa học trực tuyến dễ tiếp cận đang được tổ chức thường xuyên, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Quận Ba Đình cũng đi đầu trong việc đầu tư hạ tầng thông tin – yếu tố then chốt trong chuyển đổi số – bằng cách lắp đặt wifi miễn phí tại các khu vực công cộng để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận internet dễ dàng hơn. Đây không chỉ là điểm kết nối, mà còn là “điểm chạm số” nơi người dân được hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công nghệ một cách hiệu quả và an toàn.
Theo Kế hoạch số 05-KH/BCĐ57 về triển khai phong trào trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2025–2026, mục tiêu đề ra là: 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công có kiến thức và kỹ năng số; 100% học sinh từ cấp tiểu học nắm được kỹ năng số và an toàn mạng; 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, biết sử dụng thiết bị thông minh để khai thác thông tin và dịch vụ số thiết yếu; phấn đấu trên 85% dân số trưởng thành sở hữu điện thoại thông minh.
Để đạt được điều đó, đòi hỏi không chỉ là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, mà còn là sự chủ động học hỏi, thích nghi của từng người dân. Trong kỷ nguyên số, kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, hiểu biết về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và khả năng bảo vệ thông tin cá nhân trở nên thiết yếu không khác gì việc biết đọc, biết viết trong quá khứ. Quan trọng hơn cả, phong trào “Bình dân học vụ số” cần được duy trì không chỉ như một phong trào mang tính ngắn hạn, mà phải trở thành một văn hóa học tập suốt đời, nơi mỗi người dân tự nguyện nâng cao năng lực số của bản thân, để không bị tụt lại trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Mây Hạ
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-trang-bi-ky-nang-so-cho-moi-nguoi-dan-418351.html