Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Bhopal, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Bà giữ gìn bộ trang sức tinh xảo do mẹ chồng trao trong đám cưới ở Pakistan; sợi dây chuyền vàng do mẹ đẻ tặng sau khi bà hoàn thành cuộc hành hương Hajj; và những đồng tiền vàng để mừng ngày con gái bà chào đời.
Bà chia sẻ sẽ tiếp tục rót vốn vào vàng, trong bối cảnh kim loại quý này đang chạm các mốc giá cao nhất lịch sử. Bà Ghani - cư dân tại Miami, bang Florida (Mỹ) - nhận định: “So với trái phiếu hoặc giữ tiền mặt, tôi vẫn ưu tiên mua đồng xu vàng”.
Theo CNN (Mỹ), hình ảnh cô dâu lộng lẫy trong trang sức vàng, từ dây chuyền, hoa tai, khuyên mũi đến trâm cài và bùa hộ mệnh, đã trở thành biểu tượng truyền thống ở Nam Á. Những món trang sức ấy có thể được trao tặng hoặc truyền lại qua nhiều thế hệ. Trên thực tế, hành trình tích lũy “kho báu” thường bắt đầu từ trước khi họ ra đời, với những món quà đánh dấu sự chào đời, các cột mốc trong cuộc sống và những dịp lễ tôn giáo.
Từ hàng nghìn năm trước đến nay, vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, nó không chỉ là một khoản đầu tư đối với các gia đình Nam Á. Từ thành thị đến nông thôn Ấn Độ, có truyền thống chung là con gái thừa kế vàng của mẹ, bất kể tầng lớp kinh tế xã hội. Điều này đã ăn sâu vào nền văn hóa của khu vực, khi nhiều phụ nữ được thừa kế những chiếc sari được thêu tinh xảo bằng chỉ vàng. Họ trân trọng những miếng vàng như bảo vật gia truyền, thay vì coi đó là khoản tiền mặt nhanh chóng. Đặc biệt đối với phụ nữ, nó có thể là một trong số ít tài sản chỉ thuộc về họ.
Giá vàng đã tăng vọt 26% trong năm nay, sau khi bùng nổ 27% vào năm 2024. Kim loại này đã đạt mức cao kỷ lục trên 3.500 USD/ounce vào tháng 4. Và phụ nữ Nam Á, những người từ lâu đã đầu tư phần lớn tài sản của họ vào vàng, đang chiến thắng trong đợt tăng giá này.
Một bà mẹ Nam Á khoe chiếc vòng cổ 24 carat bà nhận được 28 năm trước và chia sẻ trên mạng xã hội TikTok: “Tất cả gia tài của tôi đều là vàng cả. Khi tôi mua chiếc vòng cổ này vàng rất rẻ. Một gram có giá 12 USD. Giờ là 100 USD”.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Ấn Độ là thị trường trang sức vàng lớn thứ hai thế giới vào năm 2023, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2021, Ấn Độ đã mua tới 611 tấn trang sức vàng; trong khi đó, khu vực lớn thứ hai là Trung Đông chỉ mua 241 tấn.
Động lực chính cho nhu cầu vàng ở Ấn Độ là trang sức. Mỗi năm tại quốc gia đông dân nhất thế giới có từ 11 đến 13 triệu đám cưới, trong đó trang sức cô dâu chiếm hơn 50% thị phần vàng.
Chiến lược gia thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới – ông Joseph Cavatoni chia sẻ: “Trang sức là thứ mang ý nghĩa may mắn trong cuộc sống của mọi người, tuy mang tính tiêu dùng rõ nét, nhưng đồng thời cũng là một phương tiện hiệu quả để tích lũy và truyền lại của cải qua nhiều thế hệ”.
Ảnh minh họa. Nguồn: THX/TTXVN
Theo ông Sachin Jain, CEO Hội đồng Vàng Thế giới tại Ấn Độ, người dân Ấn Độ không coi vàng là một sự phung phí. Thay vào đó, vàng được coi là tài sản gia đình, chỉ có giá trị tăng dần.
Trang sức vàng cũng đóng vai trò như một hình thức bảo vệ tài chính vật chất tại khu vực nơi hàng triệu người, đặc biệt là phụ nữ, có thể không có tài khoản ngân hàng hoặc các hình thức đầu tư có tổ chức khác. Theo một khảo sát của YouGov vào tháng 3, tại Ấn Độ chưa đến 50% phụ nữ có khả năng tự quản lý tài chính cá nhân. Do đó, ngay từ khi bà Ghani còn nhỏ ở Pakistan, mẹ bà dặn dò hãy dành dụm tiền tiêu vặt và sau khi tích lũy được, hãy mua những đồng tiền vàng 24 karat.
Nhưng vào năm 2025, không chỉ các cô dâu Nam Á mới dựa vào đầu tư vàng. Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến hiện trạng thương mại toàn cầu rơi vào hỗn loạn, và các nhà đầu tư đang tìm cách chuyển tài sản của họ vào tài sản trú ẩn an toàn. Vàng đã ghi nhận mức lợi nhuận quý mạnh nhất kể từ năm 1986 trong quý đầu tiên của năm 2025, với nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn lan sang các kim loại khác như bạc và bạch kim.
Theo BullionByPost (Anh), ngay cả khi thỉnh thoảng có đợt giảm, giá vàng trên mỗi ounce đã tăng vọt hơn 1.900% trong 50 năm qua. Giá bạc đã tăng 697% trong cùng kỳ.
Các ngân hàng trung ương ở Ấn Độ và Trung Quốc đã mua vàng thỏi để tăng dự trữ. Theo Solomon Global, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tăng lượng vàng nắm giữ lên 35% trong 5 năm qua.
Người dân Nam Á từ lâu đã tích trữ vàng tại nhà. Theo ước tính, có khoảng 25.000 tấn vàng hoặc hơn đang được cất giữ tại các hộ gia đình ở Ấn Độ. Tuy nhiên, người dân Nam Á vẫn chưa muốn bán vàng. Người Ấn Độ vẫn giữ vàng ngay cả khi giá cao.
Ông Cavatoni nói: “Các thị trường phương Tây có xu hướng giữ vàng khi mọi thứ thực sự đáng sợ, rủi ro thị trường và bất ổn. Nhưng các gia đình Nam Á, những thế hệ này, đã giữ vàng trong một thời gian dài, bởi vì họ thấy rằng vàng tăng trưởng cùng với sự phát triển kinh tế và nó gắn liền với GDP”.
Thay vào đó, ông Jain lưu ý rằng trong năm qua, người tiêu dùng Ấn Độ đang quay trở lại các cửa hàng và chế tác lại trang sức cũ của họ sang những thiết kế hiện đại hơn. Giới trẻ vẫn thấy được giá trị của việc giữ vàng, nhưng họ muốn nó trở thành những món đồ có thể đeo hàng ngày thay vì những bộ trang sức cưới khổng lồ đang nằm trong tủ khóa ngân hàng.
Khi con gái của Ghani kết hôn vào tháng 12 năm ngoái tại Miami, bà mang nhiều đồng tiền vàng và bộ trang sức cũ của mình đi chế tác lại thành bộ sưu tập hiện đại cho cô dâu. Bà mong muốn con gái có thể giữ lại và truyền lại cho con cháu sau này.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc