Ảnh minh họa
1. Sự nghiệp chững lại
Ở tuổi U50, nhiều phụ nữ vẫn giữ được tinh thần cầu tiến, nhiệt huyết, bản lĩnh trong giải quyết các vấn đề. Nhưng môi trường làm việc hiện đại, nhất là ở những khu vực có nhịp độ cạnh tranh cao, cộng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, xu hướng trẻ hóa đội ngũ khiến không ít người cảm thấy lo lắng. Nguy cơ bị đào thải, mất việc hay phải nghỉ hưu sớm trở thành nỗi lo kéo dài.
Không ít người trong độ tuổi này vẫn có quan niệm chỉ cần "giữ vững vị trí hiện tại" là đủ. Nhưng thực tế, không có điều gì là ổn định mãi mãi. Cách duy nhất để ở lại và phát triển trong thị trường lao động biến đổi không ngừng chính là học cách phát triển bản thân.
Tư duy linh hoạt, sẵn sàng học hỏi điều mới, liên tục cập nhật kỹ năng và mở rộng cơ hội nghề nghiệp là "chìa khóa" để không bị tụt lại phía sau.
2. Sức khỏe suy giảm
Tuổi U50, cơ thể bắt đầu "lên tiếng" với những cơn đau vai gáy, mất ngủ, tiểu đường, mỡ máu… âm thầm len lỏi. Nhưng điều đáng ngại hơn cả là sức khỏe tinh thần. Không hiếm phụ nữ rơi vào trạng thái mệt mỏi, bức bối, trầm cảm, thậm chí mất phương hướng sống.
Áp lực "kẹp giữa hai thế hệ", vừa nuôi con ăn học vừa chăm sóc cha mẹ già, cộng với nỗi lo về tương lai của chính mình, khiến nhiều người đánh mất niềm vui sống. Nhiều chị em vẫn mang tâm lý cố thêm chút nữa, cho rằng mình còn gắng được.
Cho đến khi cơ thể mệt mỏi, tâm trí hoang hoải mới nhận ra bản thân kiệt sức từ lâu.
Giải pháp ở đây không nằm ở những viên thuốc bổ hay vài chuyến nghỉ dưỡng mà là sự điều chỉnh từ gốc. Chị em cần cân bằng lại lối sống và tâm trí. Học cách buông bỏ những thứ không cần thiết, lên kế hoạch tài chính và công việc để tránh bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền - tiêu tiền - trả nợ.
Hãy dành thời gian chăm sóc bản thân bằng việc vận động đều đặn, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc.
3. Gánh nặng tài chính
Có một thực tế với nhiều phụ nữ tuổi trung niên là cơ hội kiếm tiền nhiều hơn so với trước nhưng vẫn chẳng dư dả. Bởi đi kèm là những khoản chi không nhỏ từ học phí đại học của con, viện phí của cha mẹ, trả góp nhà cửa đến khoản nợ từ những quyết định tài chính trước đó.
Nhiều chị em sống theo cách tháng nào lo tháng đó, không có kế hoạch dài hạn. Đến khi có biến cố như mất việc, bệnh tật thì cả gia đình rơi vào khủng hoảng. Bởi thế, chị em cần quản lý tài chính cá nhân tốt.
Hãy lập ngân sách, cắt giảm chi tiêu không cần thiết, tích lũy dự phòng ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt, tránh vay nợ tiêu dùng, đầu tư mạo hiểm, không mang gia đình vào những cuộc phiêu lưu tài chính thiếu kiểm soát. Không phải kiếm bao nhiêu là quan trọng mà là giữ được bao nhiêu và dùng nó như thế nào.
Những khủng hoảng ngầm nếu được nhìn nhận đúng, thẳng thắn và đối mặt theo cách chủ động thì sẽ không còn là nỗi lo lắng, ám ảnh mà ngược lại sẽ trở thành bước đệm để chị em sống vững vàng hơn, đủ sức mạnh để vượt qua thử thách.
Kim Anh